ĐƯỜNG TIẾN ĐẾN NỀN KINH TẾ TRI THỨC
2.1.3 Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam qua yếu tố năng suất tổng hợp
năng suất tổng hợp
Trong nền kinh tế thị trường, dưới sự tác động của kinh tế tri thức, quan niệm và nhận thức về năng suất thay đổi nhanh chóng. Vì thế cần phải tiếp cận mới về bản chất, đo lường và đánh giá sự biến động của năng suất. Năng suất theo cách tiếp cận mới đó là tổng hòa giữa tăng năng suất và tăng lợi ích xã hội. Năng suất trở thành phạm trù có quan hệ biện chứng với nhiều yếu tố, nhiều giai đoạn. Tăng năng suất phải được hiểu là vừa tăng số lượng vừa tăng chất lượng sản phẩm. Tăng năng suất có định hướng quan tâm đầu ra, điều này có nghĩa không chỉ chú tâm đến sử dụng tiết kiệm các yếu tố đầu vào mà nhấn mạnh kết quả đầu ra. Tăng năng suất phải đảm bảo hạn chế gây ô nhiễm môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Tăng năng suất phải đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường làm việc.
Năng suất các yếu tố tổng hợp (Total Factor Productivity-TFP) phản ánh sự đóng góp của các yếu tố vô hình như kiến thức; kinh nghiệm; kỹ năng lao động; cơ cấu lại nền kinh tế hay hàng hoá - dịch vụ; chất lượng vốn đầu tư mà chủ yếu là chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý... Tác động của nó không trực tiếp như năng suất bộ phận mà phải thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là lao động và vốn. (Cách gọi khác của TFP là MFP – Multifactor productivity). Mặc dù TFP đã được các nước trên thế giới quan tâm từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam, khái niệm TFP mới được đưa vào. Vì đây là khái niệm mới, nên các số liệu thống kê sẵn có để tính toán TFP chưa được đầy đủ, đặc biệt là số liệu về vốn của nền kinh tế quốc dân. Về mặt toán học, khi tính TFP thường sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas: Y = A. f(Kβ Lα) (xem Phụ lục 5 nói về cách tính TFP theo hàm sản xuất Cobb-Douglas). Phân tích thực trạng kinh tế Việt Nam qua yếu tố năng suất tổng hợp sẽ cho ta một cái nhìn về những mặt mạnh, yếu của Việt Nam so với các quốc gia khác, từ đó củng cố thêm định hướng phát triển trong giai đoạn tới.