cũng như cho Việt Nam
Quá trình tiến tới kinh tế tri thức có thể khái quát là một quá trình thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh tế xã hội, văn hoá, thể chế và các yếu tố nội tại khác nhằm tăng cường khả năng hấp thụ và khuyến khích sử dụng các luồng tri thức toàn cầu. Bên cạnh đó phải xây dựng, phổ biến các năng lực tri thức nội sinh nhằm đẩy nhanh, rút ngắn quá trình phát triển. Từ những đúc kết bước đầu về kinh nghiệm của một số nước trong quá trình tiếp cận và phát triển kinh tế tri thức, có thể rút ra một số bài học cho chúng tá cũng như một số nước đi sau, như dưới đây.
Một là, phát triển kinh tế tri thức cần một tư duy đổi mới mang tính đột phá. Phát
triển kinh tế tri thức cần phải nhận thức được tính kế thừa và sự khác biệt của nền kinh tế này so với các nền kinh tế hàng hóa thông thường đã và đang tồn tại trong lịch sử. Sự vượt trội về kinh tế của Mỹ và EU so với các nước Châu Á nói chung, một mặt là do điều kiện về kinh tế và kỹ thuật có trình độ phát triển cao hơn nhưng điều quan trọng là họ đã sớm ý thức được vai trò quan trọng của nền kinh tế tri thức, thấy được quy luật vận động mang tính tất yếu của nó dưới tác động của các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ.
Sự xuất hiện của ICT và những trụ cột đặc trưng của nền kinh tế nền tri thức không những đòi hỏi môi trường phát triển khác hẳn so với trước, mà dù chỉ mới manh nha, nó cũng sẽ đào thải theo đúng quy luật những điều kiện lỗi thời, không phù hợp để tạo không gian cho sự ra đời của cái mới. Tính biện chứng khách quan trong trường hợp này là hết sức rõ nếu xét trên tổng thể quá trình phát triển của lịch sử văn minh loài người. Trong khi đó tại các nước Châu Á, khái niệm về một nền kinh tế tri thức vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, thậm chí nhiều nước còn cho rằng đó chỉ là vấn đề của nước Mỹ và một số ít các nước công nghiệp phát triển khác. Bởi vậy, ngoài nỗ lực của chính phủ và lực lượng tiến bộ của xã hội, các nước Châu Á chưa đạt được sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức và chưa trở thành mục tiêu toàn dân.
Hơn nữa, chủ nghĩa kinh nghiệm đang ngăn cản sự cần thiết đổi mới triệt để hơn nữa nền cơ cấu kinh tế của các nước thuộc châu lục đông dân cư nhất thế giới này. Những cuộc điều tra gần đây cho thấy, trong khi các doanh nghiệp Âu-Mỹ đang tích cực hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (và thực tế cũng cho thấy đây là một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận lớn), thì các công ty Châu Á, thậm chí cả những tập đoàn lớn ở Nhật Bản dường như không tỏ thái độ mặn mà lắm với hoạt động này. Theo điều tra của công ty International Card đầu năm 2000, hầu hết các giám đốc điều hành của các công ty hàng đầu Châu Á đều không thừa nhận tiện ích của thương mại điện tử đối với
công việc kinh doanh của họ, thì đến những năm 2009 thương mại điện tử đã đóng vai trò quan trọng không thể chối bỏ được trong hệ thống thương mại thế giới và Châu Á nói chung vẫn đi sau khá xa so với Châu Âu, Mỹ về lĩnh vực này.
Để đuổi kịp Châu Âu và Mỹ về trình độ phát triển công nghệ, các nước Châu Á không có cách nào khác là phải đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới các thể chế kinh tế hiện hành và đổi mới công nghệ. Đây là quá trình không đơn giản, bởi nó diễn ra trong một khu vực có đặc trưng văn hóa mà các tập tục, lề thói và những ràng buộc lễ nghi, tôn giáo luôn có xu hướng trói buộc những ý tưởng vượt thời đại. Còn rộng ra trên bình diện quốc tế, trong khi Mỹ hăng hái vận động mở rộng buôn bán tự do trên mạng, thì EU và Nhật Bản lại kịch liệt phản đối, điều này cũng sẽ là nhân tố cản trở quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế tri thức. Điều đó cho thấy vấn đề không đơn thuần chỉ là vốn và công nghệ, mà trước hết phải bắt đầu từ cách nghĩ của từng người dân, giới kinh doanh đến đội ngũ những người làm công tác khoa học và hoạch định chính sách. Bởi: “Cuộc cách mạng thông tin
đang trên đường tiến tới, đó không đơn thuần chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, về máy móc, về kỹ thuật, về phần mềm hay tốc độ, mà trước hết đó phải là cuộc cách mạng về quan niệm, về đổi mới tư duy” (Peter Druker - 1998).
Hai là, yếu tố con người – chất lượng nguồn nhân lực quyết định mọi thành công.
Tại tại Hội thảo bàn về kinh tế tri thức bên lề hội nghị cấp cao G8, tại Okinawa, tháng 07/2000 Ông Eisuke Sakakibara, cựu quan chức tài chính Nhật Bản cho rằng “Vai trò của
giáo dục là rất quan trọng (nếu không muốn nói là bậc nhất) đối với việc phát triển nhân lực, phát triển công nghệ thông tin và thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số” . Giải pháp quan trọng nhất để phát triển kinh tế tri thức là đào tạo, sử dụng đội ngũ lao động tri thức và đội ngũ doanh nhân cho sản xuất, dịch vụ và quản lý nhà nước.
Kinh tế tri thức khác căn bản với kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp ở chỗ tri thức đang trở thành nhân tố quyết định hàng đầu của hoạt động sản xuất, dần thay thế các yếu tố đầu vào như : đất đai, tài nguyên khoáng sản, sức lao động - những yếu tố vật chất hữu hình. Trong nền kinh tế tri thức, khả năng sáng tạo tri thức, trình độ tiếp cận và vận dụng kiến thức tiên tiến để tăng năng suất lao động, sản xuất các giá trị vật chất và tinh thần mang ý nghĩa quyết định cho sự phát triển. Tất cả những yếu tố này đều gắn chặt với con người và do con người quyết định. Do vậy, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phải hướng vào mục tiêu biến tri thức thành kỹ năng, tri thức thành trí lực. Cũng do đặc trưng của nền kinh tế tri thức là tốc độ thay đổi công nghệ và kiến thức diễn ra rất nhanh chóng, cho nên buộc người lao động phải được đào tạo và tự đào tạo liên tục theo chế độ học tập suốt đời. Tất cả các nước từ Mỹ, EU, Nhật Bản đến Trung Quốc, Ấn Độ,
Singapore, Malaysia,… đều rất chú trọng đến vấn đề giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Điều này có thể thấy ở một số nước sau: 1) Chính phủ Mỹ tuyên bố thực hiện cương lĩnh giáo dục quốc dân mới trên toàn quốc, theo đó: trẻ em từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết; thiếu niên từ 13 tuổi trở lên phải biết sử dụng mạng Internet để thu nhận thông tin; thanh niên từ 18 tuổi trở lên phải được giáo dục ở bậc đại học; người trưởng thành thì phải tiếp nhận sự học tập suốt đời; 2) Còn tại Nhật Bản, chính phủ nước này cũng đang từng bước thay thế chế độ “làm việc suốt đời”, “thâm niên công tác” đã lỗi thời bằng chế độ học tập suốt đời, xóa bỏ phương pháp học thuộc lòng ở học sinh tiểu học, nâng cao khả năng sử dụng máy vi tính ở các trường phổ thông, có chế độ khuyến khích sử dụng nhân tài… nhằm thích ứng với yêu cầu tạo ra những nguồn nhân lực năng động, sáng tạo; 3) Trong khi Trung Quốc, ngoài việc cải cách và phát triển giáo dục đại học để tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế, chính phủ Trung Quốc còn đưa ra “Dự án 21” nhằm nâng cấp 100 trường đại học trong các lĩnh vực trọng điểm như cơ khí, phát triển nông thôn và công nghệ thông tin lên ngang tầm thế giới, đồng thời khuyến khích thanh niên đi du học và nghiên cứu ở nước ngoài để sau đó trở về xây dựng đất nước; 4) Singapore, một trong những nước đầu tiên hướng tới nền kinh tế tri thức, từ lâu cũng đã thừa nhận tầm quan trọng của nguồn vốn con người như một nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển kinh tế. Các chương trình đào tạo cho quốc đảo này đã chuyển mạnh theo hướng tri thức hóa nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng vấn đề đào tạo lại đội ngũ công chức nhà nước. Việc trang bị kiến thức công nghệ thông tin trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi đảng viên của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) - đảng cầm quyền ở Singapore. Như vậy, việc triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của các nước tập trung vào những điểm sau:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư cho giáo dục, xúc tiến cải cách, hiện đại hóa hệ thống
giáo dục để có thể hình thành cho xã hội một nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Thứ hai, gắn kết một cách chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu khoa học tại các viện,
trường với các trung tâm dạy nghề và với các doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cho công tác R&D, gắn giáo dục và đào tạo với việc làm, giữa lý thuyết với thực tiễn. Mô hình doanh nghiệp – nhà trường đang được Mỹ và một số nước khác như Đan Mạch theo đuổi, trong đó người học được tham gia sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng ICT, bởi không một xã hội giàu có nào lại có thể thiếu thông tin hay không cần thông tin.
Thứ tư, khuyến khích tính chủ động sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trong công việc, tạo dựng bầu không khí dân chủ cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận mọi ý tưởng mới về khoa học công nghệ, có chế độ đãi ngộ nhân tài một cách xứng đáng.
Ba là, ngành công nghệ cao phải được ưu tiên phát triển đặc biệt là ICT. Đây là hướng đi mà hầu hết các nước đều tuân thủ nhằm tạo dựng cơ sở khoa học cho nền kinh tế tri thức. Tại các nước công nghiệp phát triển, do đã có trình độ khoa học công nghệ ở mức cao, các nước này thường tập trung đầu tư nhiều cho công nghệ sinh học, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ vật liệu mới. Các nước đang phát triển do nguồn lực hạn chế nên thường chỉ cố gắng tập trung cho công nghệ thông tin và sinh học. Ấn Độ đã đưa ra bài học cho rằng các nước đang phát triển sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều nếu không tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao. Ấn Độ là một minh chứng sống động cho việc một quốc gia đang phát triển có thể bước vào và thành công trong một lĩnh vực khó khăn và tốn kém như công nghệ cao, thậm chí kể cả công nghệ vũ trụ. Tuy vậy, do nhận thức khác nhau về vai trò của các ngành khoa học và công nghệ, nên cơ cấu đầu tư ở các nước cũng khác nhau. Ví dụ, đầu tư của Mỹ cho công nghệ thông tin chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư cho kinh doanh, trong khi Canada là 16%, Nhật Bản chỉ dành ra 20%, các nước Châu Á khác còn ít hơn(Điều tra của Center for the Study of Living Standards (CSLS) – 2009).
Một nét chung khác thường thấy là các nước thường quy hoạch các khu vực dành riêng để phát triển công nghệ, hay các dự án tổng thể về thông tin và truyền thông, và trên thực tế, thì những địa danh kiểu đó đã và đang trở nên nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ: Mỹ với thung lũng Silicon, Ấn Độ với Bengan, Malaysia với Siêu hành lang truyền thông đa phương tiện…
Bốn là, kết hợp giữa đại nhẩy vọt và truyền thống, đại nhẩy vọt với kỹ thuật công
nghệ hiện đại tưởng chừng như xa vời với nền kinh tế mà nông nghiệp và lực lượng lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên nó lại cần thiết và hợp lý trong điều kiện nước ta, không nên tách biệt một cách máy móc trong quá trình thiết kế và tổ chức thực hiện chính sách. Chẳng hạn, nông nghiệp là một ngành truyền thống và trong một thời gian khá dài nữa vẫn còn là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế nước ta, nhưng để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay, cần phải có các điều kiện quan trọng về đưa công nghệ và những công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ gien, ICT,…đến với nông dân. “Nền nông nghiệp tri thức” có vẻ là một khái niệm mang nhiều nghịch lý, nhưng là hợp lý cho một chiến lược phát triển của Việt Nam. Quan điểm này cũng có thể ngoại suy đối với nhiều khu vực truyền thống khác của Việt Nam và cũng có thể tham khảo đối với những nước có hoàn cảnh tương tự Việt Nam.
Năm là, xây dựng văn hóa kinh doanh phù hợp với hội nhập quốc tế và doanh
nghiệp phải là chủ thể của quá trình phát triển - đầu tư - nghiên cứu. Kinh nghiệm của một số nước đã chỉ ra, công việc khó khăn nhất trong quá trình tiến tới kinh tế tri thức là sự thay đổi về văn hoá. Với Việt Nam, khái niệm văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đang còn rất mới mẻ. Văn hóa kinh doanh của ta còn thiếu. Văn hóa doanh nghiệp chưa có và ý thức cộng đồng doanh nghiệp ở ta còn kém. Nhà nước, xã hội quan tâm tới doanh nghiệp ở khía cạnh thuế khóa - ít quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh. Các công ty trong nước cạnh tranh với nhau khốc liệt kể cả bằng tiểu xảo và tranh giành thị phần trong nước, thị phần xuất khẩu, cơ hội kinh doanh, nhân viên của nhau…Đôi khi sự tranh giành này còn làm yếu đi sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, gây hại đến lợi ích quốc gia (ví dụ : tranh giành thị trường xuất khẩu gạo, cà phê, nông sản khác…). Phần lớn các giám đốc không coi trọng văn hóa doanh nghiệp. Đất nước rồi sẽ phát triển, các công ty, doanh nghiệp tư nhân sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tham gia ngày càng tích cực hơn vào xây dựng nền kinh tế đất nước. Cần phải xây dựng thành công mô hình văn hóa doanh nghiệp đặc thù Việt Nam trong mỗi doanh nghiệp để môi trường văn hóa đó tự nó sẽ có sức cảm hóa động viên sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kết doanh nghiệp Việt Nam thành một khối thống nhất phục vụ cho sự phát triển của nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu ta biết rằng chính khả năng tự đổi mới của các doanh nghiệp Mỹ đã góp phần quyết định vào sự xuất hiện của nền kinh tế mới dựa trên tri thức ở Mỹ. Văn hoá kinh doanh của người Việt Nam vừa phải có bản sắc riêng, vừa phải đạt được những chuẩn mực chung của thời đại, có khả năng giao thoa, kết nối, bổ sung và hấp thụ văn hoá kinh doanh của các dân tộc khác trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu đang phát triển ngày càng mạnh.
Về chủ thể đầu tư nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, khác với những thập kỷ trước, những phát minh khoa học ứng dụng ngày nay do các công ty thực hiện là chủ yếu. Các tập đoàn lớn thường có các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu để phục vụ cho nhu cầu đổi mới sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới nhằm thu được lợi ích kinh doanh. Do vậy, các nước thường có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và triển khai. Mặt khác, do các phát minh khoa học xuất phát từ các viện nghiên cứu nếu không có điều kiện thực tiễn kiểm nghiệm sẽ dễ rơi vào lãng quên do phải trải qua một thời gian dài mới đi được vào cuộc sống; hoặc nếu có khả năng ứng dụng thực tế, phục vụ tốt cho lợi ích cộng đồng thì lại chưa chắc đã hấp dẫn các doanh nghiệp.