ĐƯỜNG TIẾN ĐẾN NỀN KINH TẾ TRI THỨC
2.3.3 Trình độ phát triển kinh tế thị trường còn thấp
Việc phát triển nền kinh tế tri thức giả định một điều kiện nền tảng là mức độ phát triển cao của hình thái phát triển trước đó : nền kinh tế thị trường và trình độ công nghiệp phát triển. Công nghiệp hiện đại tạo ra các điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết để tạo nền móng kiến trúc nên tòa lâu đài kinh tế tri thức. Còn kinh tế thị trường lại mang lại cho sự phát triển, cho quá trình chuyển lên kinh tế tri thức một môi trường thể chế thích hợp (khuyến khích sự sáng tạo). Mặc dù phải nỗ lực tăng trưởng nhanh và rút ngắn quá trình phát triển sớm thoát khỏi tình trạng tụt hậu phát triển, nền kinh tế Việt Nam cũng không thể bỏ qua được một số “công đoạn” tuần tự cơ bản của logic phát triển. Nền tảng thể chế cho kinh tế thị trường, về nguyên tắc, là yếu tố đòi hỏi phải có trong logic “tuần tự” của quá trình tiến lên kinh tế tri thức.
Trong gần 25 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiến những bước dài trong sự phát triển kinh tế thị trường; đã tạo lập được nhiều yếu tố thể chế quan trọng ở cả hai khía cạnh - thị trường và mở cửa - nhằm thúc đây hướng phát triển này. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu đặt trong tương quan so sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia thì ở khía cạnh thể chế này, có thể nói chúng ta đang có những yếu tố “dậm chân và tụt hậu”. Đánh giá một cách công bằng, có thể thấy khu vực kinh tế nhà nước đang vẫn chiếm tỷ trọng cao. Đây là hệ quả của sự tác động tổng hợp của nỗ lực phát triển kinh tế nhà nước, của việc chậm nhịp cổ phần hóa các DNNN và sự phát triển dưới mức tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều mảng quan hệ thị trường ở cũng phát triển thiếu đồng bộ. Thị trường bất động sản, thị trường lao động và đặc biệt, thị trường khoa học và công nghệ, là những thể chế thị trường còn kém phát triển. Sự thiếu đồng bộ này dẫn tới hệ quả là :
Thứ nhất, mức độ khuyến khích phát triển chủ động và sáng tạo của môi trường kinh doanh ở Thành phố đối với các doanh nghiêp và cá nhân còn thấp;
Thứ hai, chưa có sự kết nối chặt chẽ và hiệu quả giữa các yếu tố thị trường - công
nghiệp - khoa học. So sánh với mặt bằng chung của khu vực, Việt Nam vừa có tiềm lực phát triển về công nghiệp, khoa học công nghệ không nhỏ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn thiếu một khâu nối thị trường có hiệu quả gắn kết hai lực lượng hùng hậu và tập trung này. Khoa học không gắn chặt với các nhu cầu phát triển kinh tế thực tế; trong khi các cơ sở công nghiệp quốc doanh, do vẫn còn ảnh hưởng của thói quen được bao cấp, cũng hầu như không có nhu cầu gắn với khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của mình.
Việc thiếu vắng các yếu tố thị trường còn dẫn tới chỗ làm cho sự kết nối lực lượng khoa học công nghệ trên chính địa bàn các thành phố, giữa các thành phố với các địa phương khác hầu như rất yếu hoặc với hiệu quả còn thấp. Tính cạnh tranh giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hầu như không có. Hoặc nếu có thì chủ yếu trong hoạt động đào tạo, đôi khi chạy theo số lượng mà chưa theo kịp yêu cầu của nền kinh tế và chưa được kiểm soát bằng các quy chế nghiêm ngặt.