trong các ngành sản xuất
Kinh tế tri thức có đặc điểm quan trọng là tốc độ biến đổi cực kỳ cao. Tốc độ sản sinh tri thức tăng theo cấp số nhân. Theo một số tính toán hiện nay, lượng tri thức của loài
ngưòi được nhân đôi sau mỗi 15 năm và với cấp độ chất lượng khác hẳn. Cách đây 100 năm, để làm việc đó, loài người cần gấp hơn 3 lần thời gian đó. Càng lùi vào quá khứ thì quãng thời gian nhân đôi tri thức càng lớn, đo bằng thế kỷ và thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế tri thức, tốc độ hao mòn vô hình tăng lên theo xu hướng ngày càng nhanh, cái có giá trị nhất là “cái chưa biết”, cái đã biết, đã được sử dụng thì mất dần giá trị. Tìm ra cái chưa biết tức là tạo ra cái mới và cũng có nghĩa là cái cũ bị thay thế. Vòng đời công nghệ, sản phẩm từ lúc mới nảy sinh, phát triển, chín muồi đến tiêu vong ngày càng rút ngắn. Trong nền kinh tế công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh chủ yếu là bằng cách tối ưu hoá, tức là hoàn thiện cái đã có, để giảm chi phí sản xuất, còn trong kinh tế tri thức thì quyết định năng lực cạnh tranh chính là sự sáng tạo ra cái mới có chất lượng cao hơn, thời gian đi tới người tiêu dùng nhanh hơn. Sự phát triển kinh tế là do sự không ngừng đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Do đó, nền kinh tế tri thức có tốc độ hoạt động rất nhanh, “làm việc và kinh doanh theo tốc độ của tư duy”. Các doanh nghiệp luôn luôn đổi mới (ở nước Mỹ hiện nay, mỗi năm có khoảng 40% doanh nghiệp đổi mới công nghệ); số doanh nghiệp cũ bị phá sản rất nhiều nhưng số doanh nghiệp mới dựa vào sáng chế, công nghệ mới, sản phẩm mới, nhất là doanh nghiệp khoa học hay doanh nghiệp sáng tạo tăng lên rất nhanh; số chỗ làm việc cũ mất đi nhiều, nhưng số chỗ làm việc mới được tạo ra còn nhiều hơn; tổng số chỗ làm việc không ngừng tăng lên. Tại Mỹ, từ năm 1993 đến năm 1996, gần 40 vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ có tốc độ phát triển trên 20% mỗi năm đã tạo ra hơn 70% việc làm mới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ này sẽ làm chủ nền kinh tế mới.
Phát minh, chế tạo và sản xuất ra các công nghệ mới trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất trong nền kinh tế tri thức. K. Marx đã dự báo: “Phát minh trở thành một
nghề đặc biệt, và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích”[3,tr.367] Công
nghệ mới trở thành nhân tố hàng đầu trong việc tạo ra năng suất, tăng trưởng và việc làm. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ (cũng có thể gọi là doanh nghiệp tri thức) phát triển rất nhanh. Trong các doanh nghiệp đó, khoa học và sản xuất được nhất thể hoá, không phân biệt phòng thí nghiệm với công xưởng, những người làm việc trong đó là công nhân tri thức, họ vừa nghiên cứu vừa sản xuất. Từ thực tế đó, ở các nước đã xuất hiện các khu công nghệ cao tập trung các doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất công nghệ mới. Đây là nơi biến các tri thức mới, các phát minh khoa học thành công nghệ và thành sản phẩm, đó là những “hạt nhân” của nền kinh tế tri thức [91].
Khu công nghệ cao đầu tiên trên thế giới và tiêu biểu nhất là thung lũng Silicon ở Mỹ. Đó là cái nôi của công nghệ cao trên thế giới, cái nôi của Internet. Hơn 40% công nghệ cao trên thế giới ngày nay ra đời từ thung lũng Silicon. Nửa thế kỷ qua, thung lũng Silicon phát triển rất nhanh, đến nay tại đây đã có hàng ngàn công ty; các công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin phần lớn hình thành và phát triển từ thung lũng này. Giá trị sản lượng chỉ tính riêng tại thung lũng Silicon năm 2000 đã lên tới hơn 400 tỷ USD. Có rất nhiều công ty từ những nguồn vốn sở hữu ban đầu rất ít ỏi, chỉ sau khoảng năm, mười năm đã có hàng chục tỷ USD. Công ty Cisco là một ví dụ: thành lập năm 1988, xuất phát từ sáng chế về router của hai vợ chồng nhà giáo đại học Stanford, Cisco đã nhanh chóng trở thành công ty đứng đầu về công nghệ mạng, giá trị của công ty năm 1998 (sau 10 năm thành lập) đã lên tới 72 tỷ USD. Thung lũng Silicon phát triển được nhờ có một chế độ quyền sở hữu tài sản tri thức bảo đảm có thể phát huy đầy đủ tính tích cực sáng tạo của con người. Tại đây, người lao động được mua cổ phiếu với giá cả ấn định, với một số lượng nhất định cổ phần mới của công ty, trong một thời kỳ nhất định. Đến cuối kỳ, lợi ích hoặc rủi ro của người lao động được biểu hiện dưới hình thức giá cổ phiếu lên cao hoặc xuống thấp gắn liền với những cố gắng nghiên cứu khoa học của người lao động trong khoảng thời gian đó. Ngoài ra, còn nhiều biện pháp kích thích nhân tài khác như tham gia cổ phần bằng kỹ thuật, chia và hưởng lợi ích theo chức vụ, theo bằng phát minh sáng chế. Gần đây, trường đại học Cambridge của Anh đã ký hợp đồng làm việc với các giảng viên theo cơ chế như gần giống ở thung lũng Silicon. Hai bên thoả thuận với nhau về quyền sở hữu tài sản tri thức như sau: các giáo sư và nghiên cứu sinh của Cambridge có thể, theo ý nguyện của mình, thực hiện các hoạt động “hàng hoá hoá” các thành quả nghiên cứu khoa học, kể cả việc lập các công ty kỹ thuật cao trong khu vực kỹ thuật cao được gọi là "Đầm điện tử" của nhà trường; lợi ích thu về được xác định rõ ràng trong hợp đồng giữa nhà trường với giáo sư thực hiện. Một phần khá lớn lợi ích sẽ là sở hữu của giáo sư. Chỉ trong thời gian ngắn, ở "Đầm điện tử" của đại học Cambridge đã xuất hiện hơn 1.000 công ty kỹ thuật cao, thu nhập hằng năm lên khoảng 3 tỷ USD.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, nhiều nước trên thế giới đã cho ra đời rất nhiều khu công nghệ cao. Ở Mỹ có hơn 300 khu công nghệ cao; ở Pháp có khoảng 35; Nhật Bản có 32; Trung Quốc có 53, nhiều nơi như Thâm Quyến, Thượng Hải có rất nhiều khu khai phát. Ấn Độ cũng đang phát triển nhiều khu công nghệ cao. Khu công nghệ Silicon hình thành và phát triển nhờ chính sách ưu đãi đối với phát triển công nghệ, nhà nước không phải đầu tư, không đứng ra tổ chức. Từ thập kỷ 50 thế kỷ trước, sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ chủ trương đẩy mạnh công tác nghiên cứu triển khai, tăng cường đào tạo cán bộ khoa
học và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các công nghệ mới, nhất là sử dụng các công nghệ đã sử dụng trong chiến tranh. Lúc bấy giờ, Trường đại học Stanford ở thung lũng Silicon đã bán mấy trăm hecta đất cho các công ty lập xí nghiệp kinh doanh công nghệ; nếu là công nghệ mới thì được thuê đất với giá rất rẻ. Phần lớn các thầy giáo của trường - các nhà khoa học có công trình nghiên cứu muốn được đưa ra sản xuất đều đã đứng ra lập công ty. Còn các khu công nghệ cao thành lập sau này thường là có qui hoạch trước, tạo các điều kiện về cơ sở hạ tầng thuận lợi rồi kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các cơ quan khoa học, công nghệ đến nghiên cứu triển khai công nghệ, sản xuất, đào tạo huấn luyện lực lượng lao động chuyên sâu.
Như vậy, thuộc tính tốc độ biến đổi cao của kinh tế tri thức hàm ý:
Thứ nhất, sự phát triển diễn ra với tốc độ bất định cao và việc dự đoán khả năng xảy ra các biến cố trong xu hướng chúng trở nên cực kỳ khó khăn.
Thứ hai, khả năng bắt kịp các nước đi trước cũng lớn như khả năng bị tụt hậu xa
hơn. Mức độ hiện thực hóa mỗi một khả năng tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, trong đó, trước hết phải kể đến tính hợp lý của mô hình và chiến lược “đi tắt” được lựa chọn cũng như quyết tâm theo đuổi nó.
Thứ ba, mô hình “đi tắt” để chuyển sang kinh tế tri thức là rất cao. Điều này thể hiện trong bản thân lôgic của quá trình hiện thực hóa tri thức gồm 5 công đoạn nêu trên và khả năng “nhảy vọt cơ cấu” theo nguyên lý chu kỳ sản phẩm của kinh tế học.
Đặc điểm quan trọng của thuộc tính biến đổi cao của kinh tế tri thức chính là ở chỗ tốc độ cao đã làm thay đổi tính chất của sự vật, của các quá trình phát triển. Những biểu hiện của sự thay đổi này là trong đời sống hiện đại thời gian rút ngắn lại, không gian thu hẹp lại và các đường biên giới hạ thấp dần. Hệ quả là các quá trình kinh tế và đời sống diễn ra với độ bất định tăng lên và trở nên khó dự đoán hơn. Để tồn tại trong một thế giới như vậy, rõ ràng cần có bản lĩnh và năng lực phản ứng nhanh nhạy. Phẩm chất này, đến lượt nó, tùy thuộc quyết định vào khả năng nắm bắt và xử lý dòng thông tin có dung lượng ngày càng lớn, tốc độ chuyển tải cao và với cấu trúc ngày càng phức tạp. Đây quả là một thách thức lớn đối với những chủ thể phát triển yếu kém, lạc hậu và thiếu quyết tâm “nhập” mạng hiện đại.