Từ đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, các nước trên thế giới kể cả các nước phát triển cũng như đang phát triển đều rất quan tâm theo dõi và nghiên cứu sự lớn mạnh không ngừng của nền kinh tế mới, nền kinh tế dựa vào tri thức. Ở các nước phát triển, do họ đã đi trước trong phát triển công nghệ thông tin, các công nghệ cao cho nên sự phát triển kinh tế tri thức diễn ra một cách tự nhiên và việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra một cách nhanh chóng. Trong những bước tiến chuyển đó, họ phải nghiên cứu, nhận dạng những hình thái phát triển mới và điều chỉnh các chiến lược thích nghi với xu thế đó. Đối với những nước đang phát triển, những nước đi sau, họ thấy được hình bóng tương lai của mình, từ đó rút được kinh nghiệm và có hướng đi riêng hòng đuổi kịp và vượt các nước đi trước. Họ nhận ra khoảng cách về tri thức chính là hố ngăn cách trình độ phát triển, do đó rút ngắn được khoảng cách này cần đề ra chiến lược dựa vào kinh tế tri thức để đi tắt và đón đầu.
Trong chiến lược phát triển kinh tế dựa vào kinh tế tri thức thì yếu tố then chốt để chiến lược ấy được thành công chính là yếu tố con người, vốn tri thức, là nâng cao năng lực khoa học công nghệ, là phát triển mạnh giáo dục đào tạo, vận dụng và tiếp thu, chuyển giao những kiến thức mới của thời đại. Bốn trụ cột lớn của nền kinh tế tri thức là: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng và công nghệ thông tin, đã tạo nên những bước đột phá đối với sự phát triển kinh tế-xã hội loài người. Những trụ cột này, được khởi xướng trước hết ở các nước Công nghiệp phát triển, mà Mỹ là nước đi tiên phong. Tỷ trọng sản xuất công nghệ cao đóng góp trong nền kinh tế ngày càng gia tăng. Hình 1.9 trang bên cho ta minh họa.