ĐƯỜNG TIẾN ĐẾN NỀN KINH TẾ TRI THỨC
2.2.1.2 Những khu nông nghiệp công nghệ cao
Để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp yêu cầu xuất khẩu, nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao.
Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2009, khu nông nghiệp công nghệ cao Thành
phố Hồ Chí Minh (Củ Chi) sẽ chính thức bước vào hoạt động. Khu nông nghiệp mới này có diện tích 87 ha, vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư. Sản phẩm của khu nông nghiệp sẽ là những giống lúa mới, trái cây lạ, thú quý hiếm. Đây cũng là nơi chuyên nghiên cứu thực nghiệm thí điểm sản xuất giống mới, ứng dụng thành tựu mới trên thế giới, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài. Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi bao gồm các dự án: trồng trọt (bằng kỹ thuật thuỷ canh, màng dinh dưỡng và canh tác trên giá thể không đất, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô cho rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả...), chăn nuôi thú y (ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi cho bò sữa và bò thịt; sản xuất và bảo quản tinh đông lạnh bò; áp dụng công nghệ di truyền để sản xuất vacxin thế hệ mới; áp dụng công nghệ gen để sản xuất chất kích thích cho động vật; ứng dụng công nghệ sinh học phân tử để chẩn đoán bệnh và chọn giống gia súc; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý con giống,...); thuỷ sản (lai tạo và kích thích sinh sản để sản xuất cá giống và cải tiến chất lượng cá; nuôi trồng tảo đa bào và vi tảo làm thực phẩm và vật liệu trong xử lý môi trường); lâm nghiệp (ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống nhanh một số cây lâm nghiệp có chất lượng gỗ tốt, thời gian sinh trưởng ngắn; nhân giống một số cây lâm nghiệp có dạng tán và tốc độ sinh
trưởng phù hợp cho phát triển cây xanh đô thị); dịch vụ (bảo quản, chế biến nông sản, đóng gói bao bì, tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao).
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng 50 nhà lưới, nhiều vườn ươm giống cây trồng, phòng nuôi cấy mô... phục vụ sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh; ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi bò sữa cao sản.
Không chỉ ở TP.HCM, tại Lâm Đồng hiện cũng đang xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô 150 ha sản xuất rau, hoa, dâu tây, chè... Thành phố Cần Thơ đang triển khai xây dựng ba khu nông nghiệp công nghệ cao gồm một khu trung tâm và một khu phụ trợ với tổng kinh phí hơn ba ngàn tỷ đồng. Từ nay đến năm 2013, ba khu trên sẽ thực hiện 12 dự án nhân giống các loại cây con, phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, mở rộng sản xuất rau an toàn; đào tạo nhân lực... Ngoài ra, nhiều tỉnh khác như Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Phước, Bình Dương... cũng đang xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp mới.
Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), đặc biệt đây là địa phương dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Nhìn chung, nông dân ở Đà Lạt có thế trội về tinh thần đổi mới, nhạy bén và năng động trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Người dân ở đây đã sản xuất rau, hoa trong "nhà kính" nilon, biết điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ và cách ly, sử dụng phân bón đa lượng, vi lượng, bón phân qua lá, áp dụng phương pháp IPM trong bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, áp dụng công nghệ sinh học, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, đậy nilon trên luống giống để giữ ẩm, chống cỏ dại... Thành phố Đà Lạt có nhiều mô hình sản xuất rau, hoa theo công nghệ cao. Mô hình sản xuất rau an toàn được thực hiện theo hai dạng: công nghệ sản xuất cách ly trong nhà lưới không sử dụng phân bón, nông dược vô cơ ; và công nghệ sản xuất cách ly trong nhà lưới có sử dụng giới hạn nông dược vô cơ. Ở những hộ hoặc cơ sở sản xuất rau an toàn (hiện Đà Lạt có trên 200 hecta), người nông dân rất chú ý đến chất lượng sản phẩm sau khi thu hoạch như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng nitrat, dư lượng kim loại nặng hoặc các chỉ tiêu vi sinh (E coli) để đưa ra thị trường những sản phẩm rau sạch có chất lượng cao. Một số đơn vị sản xuất rau hữu cơ (rau được chăm bón bằng phân hữu cơ), hoa chất lượng cao có hợp tác đầu tư với nước ngoài như Golden, Garden, HASFARM, Green mourtain là một trong những đơn vị đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nói trên. Một số nơi đã ứng dụng phần mềm máy tính để quản lý chế độ tưới nước, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm...
Nông trại trồng hoa công nghiệp (HASFARM), nông trại trồng hoa công nghiệp-
HASFARM của Indonesia và công ty Agri của Hồng Công, ra đời từ tháng 6 năm 1999. Bắt đầu bằng 02 hecta trồng hoa cẩm chướng và hoa hồng, hiện nay HASFARM đã triển khai trồng hoa trên 20 hecta nhà kính, và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 9 hecta nữa. Sản phẩm chủ yếu của HASFARM là hoa hồng, cẩm chướng, lyly, đồng tiền, tuylip,... và các loại lá trang trí. Đây là những giống hoa chủ yếu của Hà Lan được nhập vào trồng trên đất Đà Lạt bằng công nghệ thích hợp. Trong phần lớn diện tích nhà kính, quy trình trồng và chăm bón cây hoa được tổ chức tự động hoá cao: từ các chế độ bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm ban ngày cũng như ban đêm phù hợp thời kỳ phát triển của cây hoa, đến các chế độ bón phân, cung cấp chất dinh dưỡng theo thời kỳ sinh trưởng. Dinh dưỡng cho cây hoa được cung cấp một cách tự động theo phương thức tưới nhỏ giọt vào tận gốc. Các chất dinh dưỡng được tính toán và pha trộn chính xác, phù hợp theo nhu cầu sinh trưởng từng giai đoạn, từng khoảng thời gian trong ngày. Có máy tính chủ trì điều khiển toàn bộ quy trình này. Hoa thu hoạch xong được đưa vào xưởng phân loại, lựa chọn và đóng vào thùng theo đơn đặt hàng của khách hàng. 65% sản phẩm của HASFARM được xuất sang Nhật Bản, Ôxtrâylia, Thái Lan, Ai Cập, Singapore, Đài Loan ; 35% sản phẩm còn lại được tiêu thụ tại thị trường trong nước qua hai chi nhánh chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đầu tư ban đầu cho mỗi hecta nhà kính thường từ 8 đến 12 tỷ đồng. Đây thực sự là một khoản chi phí ban đầu rất lớn mà rất ít cá nhân và doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư cho việc trồng hoa. HASFARM có 450 lao động, trong đó có 02 lao động người nước ngoài, và 47 kỹ sư. Ngoài ra theo mùa vụ, theo mức độ và nhu cầu công việc, HASFARM trưng dụng thêm khoảng 100 lao động. Doanh thu của HASFARM đạt được trong năm 2002 là 5,8 triệu USD (bình quân 290.000 USD/hecta), năm 2003 là 7 triệu USD, năm 2004 đạt khoảng 8,5 triệu USD. HASFARM thực sự là doanh nghiệp tri thức. Trồng hoa tự động hoá ở đây là một ngành nông nghiệp tri thức.
Thành phố Hà Nội, thành phố đã hình thành các mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến bộ
hiệu quả như: bò sữa (Phù Đổng - Gia Lâm), hoa cây cảnh (Từ Liêm - Tây Hồ), cam bưởi (Vân Canh - Từ Liêm), thuỷ sản (Đông Mỹ - Thanh Trì), rau an toàn (Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam - Thanh Trì ; Vân Nội - Đông Anh)... Thành phố cũng đang xây dựng một số dự án nông nghiệp công nghệ cao như mô hình rau, hoa chất lượng cao ở Từ Liêm (16 hecta), mô hình nông nghiệp công nghệ cao Nam Hồng (Đông Anh: 30 hecta), Kim Sơn (Gia Lâm: 15 hecta), dự án hỗ trợ hạ tầng cho việc sản xuất thuỷ sản chất lượng cao ở Đông Mỹ (Thanh Trì: 60 hecta). Trung tâm Kỹ thuật rau quả Hà Nội, từ hơn ba năm nay, đang xây dựng một khu nông nghiệp công nghệ cao (một khu nhà kính 7.800 m2). Cây giống và thiết bị phục vụ mô hình này được nhập từ Israel; tất cả các công đoạn như tưới nước, bón
phân, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, độ thoáng,... đều do máy tính thực hiện. Các khâu điều khiển, quản lý do hai kỹ sư đảm nhiệm, còn lại, chỉ cần vài người làm nhiệm vụ uốn, tỉa lá cho cây và thu hoạch. So với cách làm truyền thống, mô hình này giúp tiết kiệm tới 1/3 công lao động; năng suất tăng 10-15 lần; sản phẩm bảo đảm tuyệt đối sạch. Chẳng hạn như dưa chuột sau 21 ngày thu hoạch (bình thường là 90 ngày); năng suất trung bình của dưa chuột, ớt tăng gấp 15 - 20 lần. Khu nông nghiệp công nghệ cao này sẽ cung cấp hằng năm 2,6 triệu cây giống hoa và giống các loại cây ăn quả có chất lượng cao; 4,35 tấn hạt giống rau đầu dòng cho sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội, 360 tấn rau thương phẩm sạch, 7 triệu bông hoa các loại. Hà Nội sẽ đầu tư nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm với tổng diện tích lên tới 300 hecta.