Nền kinh tế thế giới hiện đại đang được cấu trúc thành một mạng lưới toàn cầu. “Mạng” là thuộc tính phân biệt chủ yếu hệ thống này với hệ thống trước. Về bản chất, hệ thống mạng được cấu trúc “ngang”, khác căn bản với nền kinh tế trước đây vận động trong cấu trúc chủ đạo là hình tháp (cấu trúc “dọc”). Đây là cơ sở để nói đến tính cách mạng hay bước ngoặc lịch sử của quá trình chuyển sang nền kinh tế tri thức đang diễn ra.
Mạng lưới toàn cầu của nền Kinh tế tri thức được kiến tạo bởi: Các “chất liệu” phát triển cơ bản khác trước, những công cụ mới, ví dụ máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, các loại vật liệu mới, công nghệ “gen”, thương mại điện tử….Những nhân vật mới, tầng lớp các nhà kỹ trị đóng vai trò quyết định, người lao động trí thức, các “siêu” công ty xuyên quốc gia… vận động theo nguyên lý mới;
Hệ thống phân công lao động quốc tế toàn cầu thay cho hệ thống phân công lao động quốc gia. Đây là một cấu trúc mới về nguyên tắc. Nó vận dụng theo những quy tắc sản xuất thương mại và tài chính mới trong không gian toàn cầu hóa. Đặc trưng của không gian toàn cầu hóa là thời gian ngắn lại, không gian thu hẹp và các đường biên giới mất dần;
Quá trình phi tập trung hóa cấu trúc kinh tế xã hội. Cấu trúc mạng gắn với quá trình phi tập trung hóa cấu trúc. Quá trình đô thị hóa diễn ra theo những xu hướng và quy tắc mới. Các đô thị khổng lồ còn là sự lựa chọn duy nhất và dường như ngày càng không phải là sự lựa chọn chủ yếu. Khái niệm văn phòng, chỗ làm việc tập trung hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người kiểu công xưởng đã thay đổi mạnh mẽ khi công việc chủ yếu của xã hội là sản xuất tri thức, được tiến hành trong môi trường tự động hóa cao trên cơ sở mạng thông tin, với các công cụ chính là máy vi tính nối mạng;
Sự thay đổi cơ cấu quyền lực trong nền kinh tế. Hình thái phát triển dựa trên quan hệ lệ thuộc – cai trị của các nền kinh tế trước đây được thay thế bằng quan hệ tham dự -
bình đẳng về chức năng cơ cấu của các thành tố. Lực lượng nắm giữ tri thức sẽ là động lực phát triển của xã hội và là tầng lớp quyết định vận mệnh của mỗi dân tộc;
Sự không thuần nhất cấu trúc của nền kinh tế tri thức trên phạm vi toàn cầu. Trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, vẫn tồn tại những mảng, vùng cấu trúc (khu vực, quốc gia, ngành) có trình độ phát triển thấp xa các mảng, vùng khác. Do đó, sự bình đẳng về nguyên tắc của các bộ phận cấu trúc mạng không có nghĩa là sự bình đẳng trên thực tế giữa chúng tại từng thời điểm xác định và trong những quan hệ xác định.
Ngày nay, một chiếc máy tính hay điện thoại, hay một chiếc xe hơi có thể được lắp ráp tại Trung Quốc, tuy nhiên tranh thiết bị và linh kiện điện tử, động cơ thì được chế tạo tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Đĩa cứng máy tính thì được lắp ráp tại Việt Nam…. Thiết kế của những con chíp, trang thiết bị,…thì xuất phát từ Châu Âu, Mỹ, Nhật. Những thành phẩm chế tạo tại Trung Quốc, Việt Nam lại xuất khẩu trở lại các quốc gia mà trước đó là địa chỉ xuất xứ của các trang thiết bị rời, linh kiện….Điều này thể hiện ở những điểm cụ thể sau:
Thứ nhất, khả năng vượt bỏ hay tụt hậu của mỗi quốc gia (hay bất cứ yếu tố cấu
trúc nào) tùy thuộc vào vị trí - vị thế của nó trong mạng kinh tế toàn cầu, tức là tùy thuộc vào khả năng xác lập quan hệ với các nhân vật mới, công cụ mới để có được các điều kiện phát triển (các lợi thế phát triển do thời đại tạo ra). Có thể diễn đạt điều này như là năng lực “hòa” (hay “nhập”) mạng chủ thể đó. Điều đó có nghĩa rằng muốn phát triển thì phải gia nhập mạng toàn cầu, phải trở thành thành viên (yếu tố cấu trúc) của mạng.
Thứ hai, việc gia nhập mạng hàm chứa khả năng phải chịu “rủi ro” toàn cầu. Sự rủi
ro này có nguồn gốc từ tính không thuần nhất của cấu trúc mạng (vị thế không tương đương của các yếu tố) – nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng thực tế giữa các yếu tố khi tham gia mạng. Trình độ phát triển càng cách xa trình độ chung của mạng thì độ rủi ro càng lớn. Song kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng trong khi những rủi ro do tham gia mạng gây ra là mang tính tiềm thế thì rủi ro do không tham gia mạng là chắc chắn và lớn hơn bất kỳ rủi ro nào do tham gia mạng.
Điểm nhấn vào đặc điểm cấu trúc mạng toàn cầu của nền kinh tế tri thức là việc xác lập vị thế trong mạng và nâng cao năng lực “nhập” mạng phải được coi là những điểm trọng yếu nhất của nỗ lực phát triển trong cấu trúc kinh tế tri thức - mạng toàn cầu.