Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các nước đang phát triển dẫn đến tất yếu phát triển kinh tế tri thức

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế tri thức ở việt nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 57 - 59)

hiện đại hóa ở các nước đang phát triển dẫn đến tất yếu phát triển kinh tế tri thức

Thực tế lịch sử cho thấy, sự phát triển kinh tế - xã hội ở các nước, các khu vực khác nhau diễn ra không đều. Song, trong thời đại kinh tế tri thức, khi lực lượng sản xuất đã quốc tế hóa thì khả năng một nước chậm phát triển có thể bỏ qua những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định để tiến lên một trình độ phát triển cao hơn. Sự bỏ qua dưới hình thức rút ngắn đó hoàn toàn không nằm bên ngoài quá trình tự nhiên của sự phát triển lịch sử. Việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại phải đi đôi với việc xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Từng bước phát triển kinh tế tri thức một cách chủ động và hợp lý không những giúp cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá được rút ngắn, mà còn góp phần cải thiện quan hệ sản xuất theo hướng phù hợp với quá trình phát triển.

Khi loài người từ thời kỳ kinh tế tự nhiên hoang sơ bước vào nền văn minh nông nghiệp, thì việc chuyển đổi đó chỉ có nghĩa là thay săn bắt bằng chăn nuôi và thay hái lượm bằng trồng trọt, chứ hoàn toàn không phải là loại bỏ luôn mọi thứ cây trồng và vật nuôi quen thuộc. Công nghiệp hóa nền kinh tế là vừa tăng tỷ trọng riêng của ngành công nghiệp, vừa trang bị máy móc cho nông nghiệp, giảm nhẹ và thay thế lao động cơ bắp của con người. Hiện đại hoá cũng không có nghĩa là loại bỏ hẳn nông nghiệp và công nghiệp truyền thống. Trái lại, nội dung chủ yếu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, các tri thức mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế truyền thống, phát triển các ngành nghề mới với tốc độ nhanh hơn, chất lượng và hiệu quả hơn hẳn. Cũng với ý nghĩa tương tự như vậy, “tri thức hóa” và “tin học hóa” không có nghĩa là đem tri thức, thông tin thay cho tài nguyên thiên nhiên, mà chỉ là để sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, khoa học, có hiệu quả nhất; với ít nhất tài nguyên thiên nhiên có thể tạo ra sản phẩm có giá trị cao, giá trị tạo ra chủ yếu là do tri thức và thông tin. Với hệ thống công nghệ mới ngày nay, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ truyền thống đều có thể được “tri thức hoá”, “tin học hoá”; máy móc, phương tiện kỹ thuật do con người tạo ra không những thay thế lao động cơ bắp mà còn cả một phần lao động trí óc, làm cho con người thông minh hơn, có nhiều khả năng sáng tạo ra cái mới. Các nước đi sau có thể tận dụng những thành tựu mới đó của khoa học công nghệ để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa. Nếu có thể chế chính sách tốt, có nguồn nhân lực được đào tạo tốt, thì các nước đang phát triển có thể tạo ra những bứt phá ngoạn mục nhằm khắc phục hố sâu ngăn cách giàu - nghèo và sự tụt hậu về trình độ phát triển so với các nước công nghiệp tiên tiến.

Kinh tế tri thức cho phép các nước chậm và đang phát triển thực hiện chủ trương đa phương hoá quan hệ kinh tế cũng như mở rộng quan hệ về khoa học và công nghệ với thế giới. Trên nền tảng quan hệ kinh tế, các nước chậm và đang phát triển có thể chủ động khai thác các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của các cường quốc kinh tế trên thế giới. Xu hướng cấu trúc lại và chuyển dịch cơ cấu ngành đang diễn ra trong hệ thống kinh tế thế giới đã và sẽ tạo ra những “khoảng trống” mà các nước chậm và đang phát triển có thể dành lấy cơ hội, hội nhập để tạo lập vị thế mới. Nhìn lại kinh nghiệm tiến hành công nghiệp hoá của các nước và vùng lãnh thổ NICs châu Á, có thể thấy rõ việc nắm bắt nhanh nhạy xu thế phát triển khoa học công nghệ đã cho phép tạo ra các bước chuyển nhảy vọt để đi tới thành công. Hiện nay, cơ hội như vậy đang đến với các nước chậm và đang phát triển, đó chính là sự xuất hiện và phát triển của kinh tế tri thức - một xu thế lớn mang tính khách quan của thời đại.

Kinh nghiệm tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá của các nước phát triển và của các nước công nghiệp mới cho thấy có bốn điều kiện nền tảng để một nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiến kịp các nước phát triển: (1) Thứ nhất, giữ vững ổn định chính trị; (2) Thứ hai, phát triển kinh tế thị trường, phát huy tối đa sức mạnh của mọi chủ thể, giải phóng mọi lực lượng sản xuất; (3) Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực có tri thức, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ quốc gia; (4)

Thứ tư, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những

giá trị và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Phát triển kinh tế tri thức để phá vỡ và cải biến các cấu trúc kinh tế - xã hội cổ truyền, tiến tới một lực lượng sản xuất xã hội phát triển ở trình độ cao.

Khi tiếp cận đến nền kinh tế tri thức, các nước đang phát triển đối diện với những thuận lợi, thời cơ và thách thức. Thời cơ và thuận lợi tới cho mỗi nước nhưng nó không chỉ là mầu hồng mà còn kèm theo không ít những khó khăn, thách thức. Tất cả các nước, dù muốn hay không, đều phải tham gia vào cuộc cách mạng tri thức - tức là tham gia vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu, tham gia vào một thị trường toàn cầu, trong đó hàm lượng tri thức trong tất cả các lĩnh vực đều rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Các nước đi sau cần thiết phải có chiến lược thích hợp để truy cập vào kho tri thức toàn cầu,vận dụng có hiệu quả và tạo ra tri thức mới của riêng mình để tăng cường năng lực trong các khu vực truyền thống của mình và để tạo ra những khu vực mới có tính cạnh tranh cao, để khai thác các cơ hội, để đi tắt, đuổi kịp các nước phát triển.

Các nước đang phát triển cần có tư duy mới về công nghiệp hoá trên cơ sở ý thức đầy đủ về tác động khách quan từ sự phát triển của kinh tế tri thức: Coi tri thức là một nguồn lực kinh tế chủ yếu. Nguồn lực kinh tế thay đổi, điều kiện lịch sử thay đổi thì đương nhiên, nội hàm của công nghiệp hoá và cách thức thực hiện nó phải thay đổi. Thị trường toàn cầu và hội nhập quốc tế là điều kiện để thực hiện công nghiệp hoá kiểu mới. Công nghiệp hoá ngày nay không thể lặp lại mô hình công nghiệp hoá cổ điển, mà phải là công nghiệp hoá hiện đại, dựa trên tri thức mới của thời đại. Thay đổi thể chế là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thành công việc rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh kinh tế tri thức và toàn cầu hoá. Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc,... đều tìm cho mình những chiến lược phù hợp với bối cảnh mới của thế giới và thế mạnh riêng của mỗi nước.

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế tri thức ở việt nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)