Người biểu diễn, tuy không phải là người trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm, nhưng cũng được bảo hộ quyền bởi họ đã đóng góp một phần quan trọng trong việc đưa tác phẩm đến công chúng và làm tăng giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Trong quá trình thể hiện tác phẩm, người biểu diễn cũng đã thể hiện được sự sáng tạo thông qua việc “xử lí” các tác phẩm theo phong cách riêng của mình. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm khi được thể hiện, nó có thể trở nên hay nhờ tài năng diễn xuất của người biểu diễn. Cùng một tác phẩm, nhưng với những nghệ sĩ khác nhau thì công chúng tiếp nhận nó cũng khác nhau. Sự trình diễn của người biểu diễn càng hay bao nhiêu, thì công chúng sẽ càng tiếp nhận tác phẩm nồng nhiệt bấy nhiêu. Nhiều tác phẩm được biết đến một cách rộng rãi, và được yêu thích vì có công đóng góp của người biểu diễn.
Như vậy, bảo vệ quyền của người biểu diễn, có thể coi là gián tiếp bảo hộ quyền tác giả. Giống như quyền tác giả, quyền của người biểu diễn cũng bao gồm quyền nhân thân và
quyền tài sản.
Quyền nhân thân của người biểu diễn. Nhóm quyền này bao gồm quyền đối với tên tuổi và hình tượng của người biểu diễn, tuy không có trong quy định bắt buộc của Công ước Rome, nhưng lại được đề cập đến trong Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT).
Đối với tên tuổi của người biểu diễn. Người biểu diễn có quyền được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn. Bởi tên tuổi của một diễn viên gắn liền với hình tượng, phong cách biểu diễn của người đó. Về một góc độ nào đó có thể coi như là “thương hiệu” của họ. Đôi khi, chỉ cần nghe tên một nghệ sĩ nào đó, dù chưa biết nghệ sĩ đó sẽ thể hiện, trình diễn tác phẩm nào, cũng đã tạo nên một sự thu hút đối với công chúng.
Đối với hình tượng của người biểu diễn. Người biểu diễn có quyền bảo vệ toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác cắt xén, sửa chữa, xuyên tạc dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn. Ví dụ như việc bắt chước phong cách trình diễn, việc thổi phồng, bóp méo, cường điệu một số thói quen của một người biểu diễn... Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp các hành vi cắt
xén, sửa chữa, xuyên tạc hình tượng mà gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn mới tạo thành hành vi xâm phạm quyền nhân thân của người biểu
diễn.
Đây là hai quyền nhân thân quan trọng của người biểu diễn, đối tượng bảo vệ của nó là những yếu tố thuộc về nhân thân: danh dự, nhân phẩm của người biểu diễn. Các quyền này không thể chuyển giao cho người khác. Không giống như quyền nhân thân của quyền tác giả, quyền nhân thân của người biểu diễn có thể không gắn với một cuộc biểu diễn xác định.
Quyền tài sản của người biểu diễn. Nhóm quyền này bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
- Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;
- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm;
- Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
- Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kì phương tiện kĩ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Các quyền tài sản kể trên thường được chuyển giao cho các chủ thể khác thực hiện, và nó thường có mối quan hệ với các đối tượng khác của quyền liên quan, như nhà sản xuất ghi
âm, ghi hình hay tổ chức phát sóng. Tổ chức, cá nhân khai thác các quyền trên, thì phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn.
Cần lưu ý rằng nếu người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư đối với cuộc biểu diễn của mình thì mới có đầy đủ các quyền nhân thân và tài sản kể trên. Trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn chỉ có các quyền nhân thân, còn chủ đầu tư có các quyền tài sản liên quan đến cuộc biểu diễn đó.113