Trích Điều 9 Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐẠI HỌC CẦN THƠ HAY (Trang 30 - 31)

c.Tác phẩm khuyết danh

Khái niệm. Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không có tên tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.62

Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh. Tại Việt Nam, Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh. Ngoài Nhà nước, luật còn quy định thêm các tổ chức, cá nhân là người quản lí các tác phẩm khuyết danh cũng được hưởng tư cách chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh đó cho đến khi danh tính của người tác giả được xác định.63

Để giải thích quy định trên, cần phải phân tích thêm một số nguyên nhân hình thành nên tác phẩm khuyết danh. Dạng thông thường nhất, là một tác phẩm được phát hiện và công bố một cách ngẫu nhiên, người tác giả có thể đã chết và thông tin về việc người đó tạo nên tác phẩm cũng không được người nào khác biết đến. Dạng thứ hai, là dạng tác phẩm được tạo ra, nhưng vì lí do nào đó người tác giả không muốn (hoặc chưa muốn) công khai danh tính của mình trên tác phẩm, nhưng vẫn muốn công bố tác phẩm. Trong trường hợp thứ hai này, tác giả có thể thiết lập một giao ước với người công bố, theo đó, khi công bố tác phẩm, thì không công bố tên tác giả. Lúc này, người công bố tác phẩm có thể đại diện cho người tác giả bảo vệ các quyền nhân thân, cũng như thực hiện các quyền tài sản liên quan đến quyền tác giả đối với tác phẩm đó.

Công ước Berne cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho các tác phẩm khuyết danh khi quy định khá chi tiết về nội dung này. Theo nội dung Công ước, thì trừ khi có căn cứ xác định tác giả của tác phẩm khuyết danh đã chết được 50 năm, thì phải bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm đó.64 Theo điều 15 Công ước, thì đối với những tác phẩm khuyết danh và bí danh, thì Nhà xuất bản có ghi tên trên tác phẩm được xem là đại diện của tác giả, mà không cần bằng chứng gì khác, và có thẩm quyền bảo hộ và thực thi các quyền của tác giả, cho đến khi tác giả tiết lộ danh tính và chứng minh mình là tác giả của tác phẩm đó.

Tác phẩm có tính chất tương tự như tác phẩm khuyết danh. Đây là trường hợp một tác phẩm được công bố có tên tác giả xuất hiện trên tác phẩm, nhưng không xác định được người đó là ai (vì nhiều lí do, có thể tên trên tác phẩm là một tên giả, hoặc một tên bút danh sử dụng một lần của một tác giả nào đó). Trong tình huống này, mặc dù luật không có quy định điều chỉnh, nhưng chúng ta có thể áp dụng tương tự luật như quy định đối với tác phẩm khuyết danh.

Trước đây, trong Thông tư 27/2001/TT-BVHTT có đề cập đến dạng tác phẩm loại này, theo đó, “tác phẩm không rõ tác giả là tác phẩm khi công bố chưa xác định được tác giả”. Hiện nay, khái niệm này không được đề cập đến trong các văn bản hiện hành. Do đó, chúng ta cũng có thể áp dụng tương tự luật như đối với tác phẩm khuyết danh.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐẠI HỌC CẦN THƠ HAY (Trang 30 - 31)