Quy trình ra quyết định đạo đức

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (Trang 97 - 100)

CHƯƠNG 3 RA QUYẾT ĐỊNH ĐẠO ĐỨC TRONG KINH DOANH

3.1 QUY TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH ĐẠO ĐỨC KINH DOANH

3.1.2 Quy trình ra quyết định đạo đức

Cũng giống như quy trình ra quyết định kinh doanh, các doanh nghiệp khác nhau sẽ có những quy trình và các quy định riêng để hướng dẫn cho nhân viên về phạm vi mà nhân viên có thể ra quyết định và các bước phải thực hiện, quy trình ra quyết định đạo đức cũng được các doanh nghiệp áp dụng một cách phong phú, đa dạng. Laura Hartman P. và Joe Desjardins, trong giáo trình Đạo đức Kinh doanh, xuất bản lần thứ nhất năm 2008 đã mơ tả quy trình đưa ra quyết định đạo đức bao gồm bảy bước như sau:

1. Xác định dữ kiện

2. Nhận dạng các vấn đề đạo đức có liên quan

3. Nhận dạng các nhóm liên đới (các bên liên quan) và xem xét tình huống từ góc nhìn của họ

4. Xem xét các giải pháp sẵn có - còn được gọi là "trí tưởng tượng đạo đức" 5. Xem xét một quyết định có ảnh hưởng đến các bên liên quan như thế nào,

so sánh và cân nhắc các giải pháp dựa trên: a. Hậu quả

b. Trách nhiệm, quyền lợi, nguyên tắc c. Ý nghĩa đối với cá nhân liên quan 6. Ra quyết định

7. Quan sát kết quả

Bước đầu tiên trong việc đưa ra quyết định có trách nhiệm đạo đức là xác định

những dữ liệu của tình huống. Cần phải nỗ lực để hiểu tình huống và phân biệt những dữ liệu với ý kiến thuần túy. Mỗi cá nhân có sự trải nghiệm khác nhau và có cách hiểu tình huống khác nhau, dẫn đến mỗi cá nhân có sự nhận thức khác nhau; điều này lý giải cho nhiều sự bất đồng ý kiến đạo đức. Một sự đánh giá về đạo đức được thực

95 hiện với sự xác định cẩn thận các dữ kiện sẽ hợp lý hơn sự đánh giá về đạo đức của một người mà không dựa trên các dữ kiện. Một người hành động dựa trên sự xem xét cẩn thận các dữ kiện sẽ có hành vi hay cách cư xử có trách nhiệm đạo đức hơn là những người hành động không cần suy nghĩ cân nhắc yếu tố dữ liệu nào cả. Các ngành khoa học, đặc biệt nhất là khoa học xã hội, có thể giúp xác định các dữ kiện có liên quan đến các quyết định này. Ví dụ như trong kinh doanh, hãy xem xét những yếu tố nào có thể liên quan đến vấn đề lao động trẻ em. Xét xem bằng cách nào ngành khoa học xã hội về nhân loại học và kinh tế có thể giúp ta hiểu các dữ liệu thực tế liên quan đến vấn đề thuê mướn lao động trẻ em làm việc ở nước ngoài.

Bước thứ hai trong việc đưa ra các quyết định đạo đức đòi hỏi người ra quyết

định phải có khả năng nhận ra tính đạo đức trong các quyết định hay các vấn đề mình đưa ra. Rất dễ bị lạc hướng nếu không nhận ra yếu tố đạo đức trong một quyết định nào đó. Trong nhiều tình huống kinh doanh, điều tưởng chừng như là một vấn đề đạo đức đối với người này nhưng lại được người khác đánh giá chỉ là một quyết định thiên về mặt tài chính. Làm cách nào người ta có thể xác định được rằng một vấn đề nào đó lại là một vấn đề đạo đức? Khi nào thì một quyết định kinh doanh lại trở thành một quyết định đạo đức? Đầu tiên, tất nhiên chúng ta cần nhận thấy rằng các quyết định kinh doanh hay kinh tế và các quyết định đạo đức không phải bao giờ cũng loại trừ lẫn nhau. Bởi vì một quyết định được đưa ra trên nền tảng kinh tế không có nghĩa rằng nó không bao gồm những sự xem xét về mặt đạo đức và ngược lại. Nhạy cảm với các vấn đề đạo đức là một đặc điểm quan trọng rất cần thiết trong việc xây dựng nên con người có trách nhiệm đạo đức. Ngoài ra, chúng ta cũng cần hỏi xem các quyết định của mình sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến những người có liên quan. Mức độ một quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của những người có liên quan, bao gồm hạnh phúc, sức khỏe, nhân phẩm, tính chính trực, tự do, sự tôn trọng phản ánh mức độ đạo đức của quyết định đó. Trong bối cảnh kinh doanh, người ta dễ đi đến việc quá chú trọng đến các khía cạnh tài chính trong khi quyết định mà quên đi các khía cạnh đạo đức. Một số tác giả đã gọi sự bất lực trong việc nhận ra những vấn đề đạo đức là chứng cận thị đạo đức, hay còn được hiểu là sự thiển cận trong cách nhìn nhận và đánh giá các giá trị. Thật không may là chứng cận thị đạo đức không chỉ xuất hiện trong kinh doanh.

Bước thứ ba là xác định và cân nhắc tất cả những người sẽ bị ảnh hưởng (thường

được gọi là “nhóm liên đới”) bởi quyết định của chúng ta. Nhóm liên đới bao gồm tất cả các nhóm và/hoặc các cá nhân mà chịu ảnh hưởng bởi một quyết định, một chính sách hay hoạt động của một doanh nghiệp hay cá nhân. Xem xét các vấn đề từ nhiều cách nhìn nhận khác nhau (chứ không chỉ từ ý kiến chủ quan của bản thân) và áp dụng nhiều quy tắc (chứ không chỉ mỗi quy tắc địa phương cục bộ) sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định có tính hợp lý hơn và có trách nhiệm hơn. Trái lại, suy nghĩ và lập luận từ cách nhìn hạn hẹp mang tính cá nhân sẽ đưa chúng ta đến việc hiểu

96 tình huống một cách khơng đầy đủ. Từ cách nhìn hạn hẹp như vậy sẽ chắc chắn đưa chúng ta đến việc có thể đưa ra một quyết định mà không xem xét đến những người khác và những quan điểm khác.

Sau khi kiểm tra lại các sự kiện, xác định được các khía cạnh đạo đức có liên quan, và xác định rõ các nhóm liên đới là ai, bước thứ tư là phải cân nhắc các phương án có thể thực hiện. Tính sáng tạo trong việc xác định các lựa chọn còn được gọi là trí tưởng tượng đạo đức (moral imagination) là một yếu tố phân biệt những người tốt dám đưa ra những quyết định có trách nhiệm và những người tốt nhưng lại không dám đưa ra các quyết định đạo đức. Việc quan trọng cần làm là không những phải xem xét những giải pháp rõ ràng cho một tình thế khó xử cụ thể mà còn phải lưu tâm đến cả những giải pháp khác có thể khơng có tính khả thi lắm khi mới nhìn qua.

Bước thứ năm trong quá trình đưa ra quyết định là so sánh và cân nhắc giữa các

giải pháp; đánh giá ảnh hưởng của mỗi giải pháp đối với các nhóm liên đới. Để xem xét ảnh hưởng của một quyết định lên những người khác thì chúng ta hãy thử bài tập thay đổi vị trí; hãy đặt mình vào vị trí của các bên liên quan và thử hình dung quyết định đưa ra sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào. Truyền thống lâu đời trong triết lý đạo đức cho rằng cách kiểm tra chủ yếu xem một quyết định nào đó có phù hợp đạo đức hay không là bằng cách xem quyết định đó có nhận được sự chấp thuận của tất cả các bên liên quan hay không. Cho dù chúng ta ở bất cứ quan điểm nào, nếu thấy quyết định đó là hợp lý và chấp nhận được, thì quyết định đó có thể nói là công bằng, không thiên vị và có đạo đức. Thực tế đã cho thấy có nhiều quyết định (của một cá nhân hay một tổ chức) đụng chạm đến quyền lợi của các bên liên đới, điều này giúp chúng ta hiểu thêm về các thách thức mỗi khi chúng ta đưa ra các quyết định đạo đức. Mỗi một quyết định đưa ra thường liên quan đến nhiều quan điểm khác nhau và nhiều mối quan tâm khác nhau, điều đó có nghĩa là các quyết định có đạo đức có thể kéo theo các tình huống khó xử. Mỗi giải pháp có thể sẽ làm một số bên liên đới phải trả giá và mang đến lợi ích cho những nhóm liên đới khác. Quyết định theo một cách có lợi cho một nhóm thường có nghĩa những nhóm liên đới khác bị tước bỏ lợi ích. Việc cân nhắc giữa các giải pháp để chọn lựa sẽ bao gồm cả việc dự đoán, tiên đoán những hậu quả có thể xảy cho những bên có liên quan. Ngoài ra còn phải xem xét các cách để làm nhẹ, giảm thiểu hay đền bù cho bất cứ hậu quả có hại nào cho các nhóm liên đới và/hoặc xem xét các cách để làm tăng và kích thích các kết quả có lợi cho các nhóm này. Quyết định có trách nhiệm là những quyết định có thể giải thích được một cách rõ ràng, minh bạch cho tất cả mọi người có liên quan. Những quyết định mà chúng ta muốn che giấu thường là những quyết định thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên việc xem xét sự ảnh hưởng cũng như tính tường minh của mỗi giải pháp/quyết định không phải là phương tiện duy nhất để so sánh những giải pháp này với nhau. Khi đưa ra một quyết định người ta còn phải lưu tâm đến các vấn đề khác như các nguyên tắc, quyền lợi hay nghĩa vụ bên ngoài kết quả. Trong kinh doanh, mỗi cá nhân ở mỗi

97 vị trí cụ thể thì có một bổn phận nhất định. Một trưởng phòng mua hàng cho một cửa hàng bán lẻ lớn có trách nhiệm gắn với vai trò của mình là quản lý giúp tránh xung đột về quyền lợi khi làm việc với các nhà cung cấp. Những bổn phận, trách nhiệm đó có được ghi rõ trong các qui định của doanh nghiệp, các chuẩn mực về quy tắc ứng xử nghề nghiệp, vai trò kinh doanh hay các văn bản trách nhiệm pháp lý kèm theo không? Để cân nhắc lựa chọn một giải pháp cần có một bước nữa: đó là việc xem xét các ảnh hưởng của quyết định đó lên chính cá nhân người ra quyết định và tính cách của cá nhân đó. Hiểu tính cách và các giá trị của cá nhân có một vai trò nhất định trong việc ra quyết định. Một người có trách nhiệm sẽ tự đặt cho mình những câu hỏi như: “Loại người nào sẽ ra những quyết định như thế này? Bằng cách quyết định kiểu này chứ không phải kiểu khác thì sẽ giúp phát triển thói quen nào trong tôi? Loại văn hóa nào tôi đang tạo ra và khuyến khích người khác làm theo? Tơi hay gia đình tơi sẽ mơ tả như thế nào về một người quyết định theo cách này? Liệu tôi có thể sẵn sàng bảo vệ quyết định này trước công luận không?” Những câu hỏi này thực sự đi vào tâm khảm những nhà lãnh đạo kinh doanh có đạo đức.

Một khi bạn đã cân nhắc tất cả các yếu tố lựa chọn trên, bước thứ sáu là ra quyết định. Tuy nhiên, đến đây thì quy trình này vẫn chưa thể gọi là hoàn tất. Để hoàn tất trách nhiệm đối với quyết định mình đưa ra thì việc cân nhắc cẩn thận trong suốt quá trình ra quyết định vẫn là chưa đủ.

Bước thứ bảy là chúng ta nên có thái độ học tập từ những trải nghiệm của mình rút ra sau khi áp dụng các quyết định đó. Việc làm này giúp chúng ta có trách nhiệm đánh giá ý nghĩa của những quyết định mình đưa ra, để chúng ta có thể quan sát và học tập từ những kết quả có được sau mỗi quyết định và từ đó mà điều chỉnh hành động của chúng ta một cách hợp lý khi đối diện với những thử thách tương tự trong tương lai.

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)