- Trong giai đoạn 2011-2020, các đơn vị nghiên cứu KHCN trong ngành đã tích cực triển khai các hợp đồng dịch vụ, sản xuất kinh doanh cung cấp cây giống lâm nghiệp, trồng rừng cung cấp nguyên liệu, tỉa thưa; hoạt động dịch vụ giám định thực vật, sản phẩm gỗ; xác định tính chất cơ, lý gỗ; khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; phòng chống mối cho công trình xây dựng; điều tra thành phần thực vật; xác định giá trị môi trường rừng, sản xuất kinh doanh các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (nấm linh chi, nấm ăn, đông trùng hạ thảo,...) cung cấp cho thị trường.
- Đã đẩy mạnh chuyển giao giống gốc, công nghệ mô - hom, công nghệ xây dựng các vườn giống và rừng giống cho gần 40 đơn vị sản xuất giống với số lượng trung bình 500.000 giống gốc mỗi năm. Thông qua kết quả nghiên cứu và phát triển và sự hỗ trợ của các chương trình dự án như Chương trình giống, Chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất, các dự án khuyến lâm... đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng cây vô tính trong trồng rừng, bình quân trong cả nước là khoảng 30%.
- Thông qua triển khai các dự án khuyến lâm đã đẩy mạnh công tác chuyển giao TBKT cho các địa phương để ứng dụng rộng rãi, nhiều mô hình đã trở thành mô hình trình diễn cho các đoàn tham quan, học tập; đã xây dựng hơn 4.000 ha mô hình thâm canh rừng kinh tế Keo tai tượng, keo lai, Thông caribea, Tràm, Quế, Giổi ăn hạt,... ở các vùng sinh thái bằng các giống TBKT và biện pháp thâm canh bền vững rừng trồng.
- Từ các kết quả nghiên cứu nổi bật, để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, các đơn vị đã công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, các loại báo khác nhau như báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Thi đua khen thưởngvà Tạp chí Thanh tra Chính phủ và các phóng sự truyền hình về các hoạt động khuyến lâm. Đồng thời đã tổ chức các hội thảo khoa học ở các vùng sinh thái để chuyển giao các kết quả vào sản xuất.