Một số vấn đề nghiên cứu cần quan tâm

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp thành tựu và định hướng phát triển (Trang 104 - 105)

III. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU VỀ ĐIỀU TRA, QUY HOẠCH RỪNG GIAI ĐOẠN 2021

3.1.Một số vấn đề nghiên cứu cần quan tâm

Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá hoạt động nghiên cứu về điều tra, quy hoạch rừng giai đoạn trước đây, những vấn đề quan trọng cần nghiên cứu trong giai đoạn 2021-2030 sẽ

tiếp tục phát huy các thế mạnh của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng đã được khẳng định và

được xã hội sử dụng trong các lĩnh vực như: Nghiên cứu về điều tra, đánh giá tài nguyên rừng; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; lâm sản ngoài gỗ; ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS... Đồng thời tiếp tục định hướng các nghiên cứu trong giai đoạn tới như sau:

- Phát triển các ý tưởng nghiên cứu mới trên cơ sở thực hiện Luật Lâm nghiệp và Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) cũng như các định hướng phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, các hoạt động nghiên cứu trong điều tra, quy hoạch rừng trong giai đoạn tới phải được phối hợp một cách tổng hoà với các nghiên cứu chung trong lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phải đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu về điều tra, quy hoạch rừngtrong thời gian tới, ngoài những nghiên cứu cơ bản, cần tập trung các nghiên cứu ứng dụng phục vụ công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng, tích hợp được trong phát triển ngành lâm nghiệp và phát triển kính tế - xã hội ở các địa phương, các vùng sinh thái và nhu cầu của đất nước.

- Tăng cường nghiên cứu cơ sở lý luận phục vụ quản lý ngành lâm nghiệp, bao gồm những quy luật về kết cấu của lâm phần, các quy luật sinh trưởng, tăng trưởng của cây rừng và lâm phần, mô hình lâm phần rừng ổn định, làm cơ sở cho quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, xây dựng chính sách và chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia dài hạn. Nghiên cứu sâu hơn nữa các đặc điểm cấu trúc, tăng trưởng, sản lượng, tái sinh rừng, quá trình suy thoái rừng của từng trạng thái rừng ở các quy mô khác nhau từ cấp vi mô ở địa phương, cấp vùng, cấp quốc gia để xác định các yếu tố kỹ thuật cho các hoạt động can thiệp của con người trong bảo tồn các hệ sinh thái rừng, bảo vệ rừng, phục hồi và phát triển rừng, kinh doanh lợi dụng rừng, theo dõi diễn biến diện tích và trữ lượng rừng.

- Tăng cường các nghiên cứu phục vụ nhu cầu của xã hội, nhu cầu kinh doanh rừng, nhu cầu sử dụng rừng phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng, cụ thể như: Nghiên cứu cơ sở lý luận, kết hợp với các nguyên lý cơ bản của toán học, vật lý... để xây dựng phương pháp đánh giá tài nguyên gỗ rừng tự nhiên cũng như rừng trồng. - Tăng cường hơn nữa nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại vào điều tra rừng như công nghệ viễn thám, công nghệ GIS, thiết bị Drone/Flycam,... đồng thời nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tính toán hiện đại trong điều tra rừng.

- Nghiên cứu về định giá rừng và dịch vụ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái. Tăng cường nghiên cứu vai trò rừng (theo các trạng thái rừng ở các kiểu lập địa, các địa phương, vùng, toàn quốc) với chế độ thuỷ văn làm cơ sở xây dựng các phương án phòng chống lũ lụt, chống xói lở đất rừng, xói lở bờ biển.... Đồng thời tiến hành song song với các nghiên cứu về năng lực phòng hộ ở các trạng thái rừng tự nhiên, các trạng thái rừng trồng đầu nguồn và rừng ven

biển trong bối cảnh ứng phó với tình hình càng ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Từ những kết quả đó sẽ làm cơ sở xác định đúng các giá trị của rừng để xây dựng các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chi trả dịch vụ hệ sinh thái.

- Nghiên cứu về sinh khối, trữ lượng carbon rừng (theo các trạng thái rừng ở các kiểu lập địa, các địa phương, vùng, toàn quốc) tiếp tục đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

- Nghiên cứu sâu về đặc điểm lập địa ở cấp vĩ mô và vi mô xác định các vùng thích nghi cho từng loài cây trồng có năng suất và sản lượng cao phục vụ kinh doanh rừng trồng một cách hiệu quả. Bổ sung nghiên cứu tăng trưởng và sinh trưởng các loài cây gỗ mới đưa vào trồng rừng kinh tế, các giống mới được trồng rừng kinh tế, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rừng trồng phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản.

- Nghiên cứu sâu xác định tập đoàn cây trồng rừng bản địa phục vụ cho công tác trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có kết cấu bền vững, cũng như gây trồng và phát triển các loài cây cho lâm sản ngoài gỗ trong và dưới tán rừng để kết hợp bảo tồn rừng với hưởng lợi từ phát triển vốn rừng.

- Tăng cường nghiên cứu các mô hình quản lý rừng bền vững, các mô hình nông lâm kết hợp, các mô hình lâm ngư kết hợp để ứng dụng một cách hiệu quả và tối ưu nhất trong quản lý tài nguyên rừng và kinh doanh rừng.

- Nghiên cứu xác định tiêu chuẩn nền môi trường lâm nghiệp, các nghiên cứu phục vụ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điều tra, quy hoạch rừng.

- Tăng cường hơn nữa các nghiên cứu về đa dạng sinh học, bào gồm: Đặc điểm của các hệ sinh thái có giá trị bảo tồn cao; phân loại động vật, thực vật; phát hiện các loài mới cho khoa học hoặc ghi nhận bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam; đánh giá phân bố, đặc điểm cư trú của các loài; nghiên cứu đánh giá mức độ đe dọa của các loài nguy cấp, quý, hiếm và đặc điểm cấu trúc quần thể của chúng làm. Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trong việc xây dựng các chương trình bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn loài (nôi vi và ngoại vi), bảo tồn nguồn gen cây rừng...

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về điều tra, quy hoạch rừng làm tư liệu đầu vào cho công tác quản lý ngành lâm nghiệp cũng như các hoạt động quản lý tài nguyên của các ngành liên quan.

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp thành tựu và định hướng phát triển (Trang 104 - 105)