BÁO CÁO TẠI HỘI NGHỊ NHÓM CÁC NHÀ TÀI TRỢ

Một phần của tài liệu Báo cáo Hội Nghị Giữa Kỳ Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ (Trang 151 - 154)

VI. Cảnh sát phụ trách điểm du lịch

63 Ly Thai To, Hoan Kiem District, Hano

BÁO CÁO TẠI HỘI NGHỊ NHÓM CÁC NHÀ TÀI TRỢ

Hà Nội, 07/12/2010

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam họp ngày 02/12/2010 tại Hà Nội thảo luận về các giải pháp xây dựng sức cạnh tranh và phát triển kinh tế dài hạn nhằm giúp Việt Nam tiếp tục củng cố vị trí là điểm đến của đầu tư thế giới.

Các đại biểu chúc mừng Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình, và bày tỏ mong muốn Đại hội Đảng sắp tới sẽ đưa ra những quyết sách phù hợp và cần thiết cho chiến lược phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của Việt nam trong thập kỷ tới.

Cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh nhu cầu tập trung vào chuyển đổi từ nền sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang các ngành sản xuất có độ phức tạp và giá trị gia tăng cao hơn để kinh tế Việt nam có thể cạnh tranh về dài hạn. Doanh nghiệp đồng thời cũng kêu gọi phải chú trọng hơn vào chất lượng đầu tư; nguồn lực và ưu tiên cần dành cho các dự án có giá trị gia tăng cao và tiêu hao ít tài nguyên và năng lượng. Một vấn đề quan trọng khác là cần nâng cao tính minh bạch và rõ ràng trong quá trình ra quyết định và thực thi quyết định của chính phủ. Quá trình ra quyết định kéo dài về thời gian cũng như việc thiếu rõ ràng trong khung thể chế và pháp lý sẽ ngăn cản các nhà đầu tư hoạt động tại Việt nam.

Doanh nghiệp nhận thấy tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước trong thời gian gần đây đã bị chậm lại và mong muốn có những bằng chứng rõ hơn nữa về quyết tâm cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực này. Một sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác, thực hành quản trị công ty tốt, và áp dụng cơ chế giám sát chặt chẽ hơn là những vấn đề mấu chốt đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước nhằm cải thiện việc phân bổ nguồn lực, nhất là vào giai đoạn hiện nay, khi đất nước cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc sử dụng vốn. Doanh nghiệp cũng hối thúc Chính phủ cần rõ ràng và nhất quán hơn trong việc bình ổn kinh tế và thi hành chính sách tiền tệ nhằm duy trì lòng tin của nhà đầu tư đối với đồng bản tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Dưới đây là những chủ đề chính được thảo luận chi tiết tại Diễn đàn:

Ngân hàng

Trong năm 2010, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý cho ngành ngân hàng thông qua việc ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức Tín dụng. Bước quan trọng tiếp theo là xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi luật. Những hướng dẫn này cần phải rõ ràng, phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất và tạo điều kiện cho sáng tạo phát triển, đồng thời giảm bớt tệ quan liêu cũng như dỡ bỏ các rào cản hành chính – đặc biệt trong lĩnh vực cấp phép.

Đại diện các ngân hàng cũng thúc giục Chính phủ xử lý các vấn đề kém hiệu quả của thị trường ngoại hối nhằm khôi phục lòng tin vào đồng tiền Việt nam và tăng tính thanh khoản cho thị trường

ngoại hối. Thị trường trái phiếu chính phủ cũng cần phải cải thiện, đặc biệt là quá trình phát hành trái phiếu cần được thực hiện minh bạch hơn cho phép thị trường có đầy đủ thông tin để có thể định giá trái phiếu phù hợp.

Để tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tiêu dùng, cần thiết lập các quy định hướng dẫn rõ ràng và bãi bỏ các hạn chế phát triển ngành Tài chính Tiêu dùng. Cần xây dựng khung pháp lý cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp các sản phẩm quản lý tài sản cho khách hàng cũng như tiếp tục phát triển hạ tầng và hệ thống báo cáo của các văn phòng thông tin tín dụng.

Thị trƣờng vốn

Chính phủ đã có những bước đi đúng đắn trong việc đẩy mạnh việc xây dựng hành lang pháp lý của hoạt động chứng khoán, nâng cao chất lượng công bố thông tin cũng như tăng cường vai trò kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán. Những điều này sẽ tạo nền tảng tốt cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Nhằm đẩy nhanh tiến trình khôi phục tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam, cần thực hiện các giải pháp như mở rộng quy mô và nâng cao tính thanh khoản của thị trường trái phiếu thông qua việc xây dựng trái phiếu chuẩn, mở cửa thị trường cho các hoạt động kinh doanh mới đa dạng và các cho phép thành lập các hình thức tổ chức đầu tư mới. Việc tăng cường trao đổi thông tin giữa Chính phủ và doanh nghiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ cũng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của thị trường. Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống các quy định về thuế riêng, đồng bộ cho hoạt động chứng khoán là thực sự cần thiết, xét trong bối cảnh phát triển nhanh chóng và đa dạng của các hoạt động chứng khoán.

Thị trường cũng sẽ hưởng lợi từ việc tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể. Việc điều chỉnh cơ chế định giá cổ phần trong các cuộc phát hành lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước cần gắn với điều kiện thị trường hơn nữa.

Sản xuất & Phân phối

Trong khi ghi nhận yêu cầu và mong muốn kiềm chế lạm phát của Chính phủ, các doanh nghiệp lưu ý rằng quy định mới về kiểm soát giá cả đã tạo thêm gánh nặng hành chính đáng kể cho doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả và nguồn cung hàng hóa, chính phủ nên xem xét các biện pháp tự do hóa chuỗi cung ứng.

Về dự thảo bộ luật lao động mới, bên cạnh việc duy trì sự bảo vệ đối với người lao động, luật cũng cần linh hoạt hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới cán bộ quản lý trong doanh nghiệp, là những người hiểu biết luật pháp và có thể tự bảo vệ được mình. Hơn nữa, luật cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa thêm các yêu cầu làm tăng chi phí của doanh nghiệp đặc biệt tại thời điểm vừa ra khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Doanh nghiệp hoan nghênh việc cải thiện các quy định triển khai các dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) nhằm phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường Tuy nhiên, những dự án này vẫn vấp phải rất nhiều rào cản quan liêu hành chính và vẫn khó triển khai.

Cảng biển

Các cải thiện về cơ sở hạ tầng cảng biển trong năm vừa qua, như việc đưa cụm cảng nước sâu Cái Mép đi vào hoạt động, và việc sắp hoàn thành chương trình nạo vét luồng dẫn ở khu vực này là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để các cảng biển hoạt động có hiệu quả cần giải quyết một số vấn đề cơ bản. Đó là, cần cập nhật cho các doanh nghiệp xuất khẩu và vận hành cảng tiến độ thực hiện một số dự án cảng chính đã được phê duyệt và các dự án cơ sở hạ tầng kết nối trên bộ để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, cần nâng cao tính minh bạch trong quy trình thông quan và đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho các cảng nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và lịch ra vào lấy hàng của tàu không bị trì hoãn.

Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng công nghiệp ở phía Bắc, cần triển khai thực hiện chương trình phát triển cụm cảng phía Bắc, đi đôi với việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối từ cảng biển đến các khu công nghiệp.

Khai thác Khoáng sản

Đầu tư vào khai thác khoáng sản đòi hỏi nguồn vốn ổn định và lâu dài. Vì thế, điều quan trọng là Chính phủ phải đưa ra được một chính sách đầu tư khoáng sản rõ ràng, với kế hoạch phát triển trung và dài hạn cũng như lộ trình đánh thuế và chính sách tài chính phù hợp. Những thay đổi liên tục gần đây về chính sách khai thác khoáng sản cũng như chính sách thuế đối với ngành này khiến nhiều công ty khoáng sản gặp khó khăn.

Các công ty khai thác khoáng sản hoan nghênh một số tiến bộ trong luật Khoáng sản sửa đổi mới thông qua gần đây nhưng vẫn quan ngại về những vấn đề có thể nảy sinh trong việc triển khai thực thi luật này. Vì vậy Chính phủ cần tiếp tục tích cực tham vấn cộng đồng doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản thực thi luật nhằm đảm bảo các văn bản dưới luật rõ ràng, phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao. Chính phủ cũng cần xem xét lại chính sách cấm hay hạn chế xuất khẩu khoáng sản xét trong bối cảnh là hiện nay công nghiệp trong nước chưa có nhu cầu hay khả năng sử dụng các khoáng sản này. Cấm xuất khẩu hoặc đánh thuế xuất khẩu cao đối với một số loại khoáng sản mà doanh nghiệp trong nước không thể tiêu thụ được thực sự là không hiệu quả và không phát huy tác dụng.

Du lịch

Nhằm tăng tỷ lệ khách du lịch quay trở lại, cần giải quyết một số vấn đề chủ chốt. Quy trình cấp thị thực tại cửa khẩu cần được giải quyết theo cách thức minh bạch và hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch cần chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng cao và đồng bộ xuyên suốt chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch, từ khách sạn đến vận chuyển và hướng dẫn. Ngoài ra, việc tiếp thị điểm đến cần được thiết kế và triển khai một cách đồng bộ và có tổ chức chặt chẽ nhằm thực sự đưa Việt Nam trở thành một điểm đến của du lịch toàn cầu.

Kết luận

Các thành viên tham dự Diễn đàn tin rằng đối thoại cởi mở và xây dựng chính là điểm nổi bật trong hoạt động của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và sẽ góp phần giúp Chính phủ tìm ra những giải pháp dài hạn nhằm đạt được sự cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Chính phủ và tin chắc rằng sự hợp tác này, đã từng góp phần mang lại tăng trưởng kinh tế và giúp xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam trong nhiều năm qua, sẽ tiếp tục là một trong những yếu tố cơ bản góp phần làm nên thành công trong tương lai.

Một phần của tài liệu Báo cáo Hội Nghị Giữa Kỳ Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ (Trang 151 - 154)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)