Giữ vững và ổn định chính trị xã hội, từng bước thực hiện dân chủ

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 148 - 149)

Một trong những yêu cầu thiết thực nhất của các nước đang phát triển nhằm phát triển kinh tế làổn định an ninh chính trị và môi trường xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này, các nước đang phát triển cần phải cố gắng giải quyết các vấn đề ngay chính trong bản thân mỗi nước. Thực tế cho thấy, nếu không giữ vững chủ quyền an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự ổn định và tạo môi trường dân chủ trong đời sống chính trị xã hội, thì không thể nói đến sự phát triển đất nước. Đây là những vấn đề chung mà các nước đang phát triển đều phải đối mặt sau khi giành độc lập về mặt chính trị.

Là một quốc gia từng là thuộc địa của thực dân Anh trong hơn 2 thế kỷ, Ấn Độ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về kinh tế- xã hội cũng như sự phức tạp trong tôn giáo, đẳng cấp, sắc tộc, văn hóa. Do vậy, những mầm móng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như chia rẽ, ly khai, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc… cũng bắt đầu xuất hiện, nhất là trong thời kỳ cải cách lãnh thổ, hành chính. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ổn định tình hình an ninh xã hội, trong hơn một thập niên của nền Cộng hòa, Chính phủ Ấn Độ luôn đề cao vấn đề ổn định chính trị xã hội và sử dụng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu đó.

Trong giai đoạn 1950- 1964, chính quyền của Thủ tướng J. Nehru chú trọng ổn định chính trị xã hội thông qua các chính sách về hòa nhập bộ lạc vào dòng chủ lưu chính theo hướng “thống nhất trong đa dạng”, về thống nhất ngôn ngữ quốc gia,

hoàn thiện hệ thống pháp lý (Hiến pháp), kiện toàn nền hành chính liên bang, kiềm chế sự chống đối của các đảng đối lập… Về cơ bản, Ấn Độ tỏ ra là một thể chế ổn định về chính trị hiếm thấy ở các nước đang phát triển. Chính phủ ổn định trong lúc các cuộc bầu cử tự do được tổ chức đều đặn, duy trì thế cân bằng và tính độc lập giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, tôn trọng các quyền tự do được ghi trong Hiến pháp.

Mặt khác, để đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết, ổn định trong một quốc gia có xã hội đa dạng như Ấn Độ, việc xây dựng một thể chế dân chủ là điều tối quan trọng. Thủ tướng J. Nehru từng phát biểu vào năm 1960: “Ở Ấn Độ lúc này, bất kỳ sự đảo lộn nào của các phương pháp dân chủ cũng có thể dẫn tới bạo loạn và đổ vỡ” [102, tr.48]. Chính quyền của Thủ tướng J. Nehru không lợi dụng quyền lực để phá bỏ nền dân chủ, không sử dụng vị trí trong đảng cầm quyền là Đảng Quốc đại vào những mục đích cá nhân, ngược lại sử dụng sức mạnh này để củng cố và phát triển tiến trình dân chủ trong quốc gia. Tại một đất nước rộng lớn như Ấn Độ đã tạo ra cấu trúc thể chế dân chủ theo hướng quyền lực bị phân tán. Một Hiến pháp với các quyền tự do dân chủ cơ bản, một Quốc hội được lập ra dựa trên các cuộc bỏ phiếu định kỳ cùng một nội các chính phủ và Bộ Tư pháp độc lập. Bên cạnh đó, chính phủ luôn ý thức rõ rằng, để phát triển kinh tế quốc gia phải dựa trên một cấu trúc chính trị tự do, dân chủ. Tính đến thời điểm đó, chưa có một quốc gia nào làm được điều này. Trong khi đó hầu hết các quốc gia đều sử dụng các biện pháp hành chính, độc tài trong quá trình phát triển kinh tế.

Những kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề ổn định chính trị - xã hội, từng bước thực hiện dân chủ của Ấn Độ sẽ là bài học kinh nghiệm cần thiết, có giá trị thực tiễn đối với các nước đang phát triển.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 148 - 149)