Trước cuộc khủng hoảng công nghiệp những năm đầu tự trị buộc Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng đề ra một chính sách kinh tế phù hợp với lợi ích giai cấp và dân tộc, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, từng bước thay đổi tính chất phụ thuộc của nền kinh tế, xây dựng và phát triển đường lối kinh tế độc lập. Nhiệm vụ hoạch định đường lối phù hợp không những là điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn thể hiện rõ tínhđộc lập của quốc gia, bản chất giai cấp và sự tiến bộcủa đảng cầm quyền.
Sau khi giành được quyền tự trị, bản Cương lĩnh kinh tế của Đảng Quốc đại dự kiến sẽ có những thay đổi lớn trong cơ cấu, trong đó nêu rõ quan điểm rằng: “Chính phủ sẽ quốc hữu hóa các nguồn lợi và những ngành công nghiệp chủ yếu; việc đẩy mạnh quốc hữu hóa như thế được coi là cần thiết không những kiến thiết có tính chất tiến bộ mà cònđể trừ bỏ xâm nhập của tư bản nước ngoài vào nền kinh tế Ấn Độ” [16, tr.320]. Tuy nhiên, ngay từ khi mới ra đời, bản Cương lĩnh đã không có chỗ đứng trong nền kinh tế Ấn Độ, và đã bị bãi bỏ, bởi cho dù là cấp tiến nhưng nó đụng chạm tới lợi ích của giai cấp tư sản- giai cấp đang cầm quyền.
Trước tình hìnhđó, ngày 17/2/1948, J. Nehru tuyên bố: “sẽ không có sự thay đổi đột ngột trong cơ cấu kinh tế. Chúng ta sẽ cố gắng không quốc hữu hóa các ngành công nghiệp hiện có trong 10 năm tới” [16, tr.320]. Cụ thể hóa tuyên bố của J. Nehru, ngày 6/4/1948, tại Quốc hội lập pháp, Chính phủ Ấn Độ chính thức công
bố “Tuyên ngôn về chính sách công nghiệp”, lịch sử thường gọi theo nội dung là Tuyên ngôn về “Nền kinh tế hỗn hợp”.Điểm căn bản nhất của Tuyên ngôn là nhà nước nắm độc quyền một số ngành công nghiệp quan trọng: sản xuất vũ khí đạn dược, sản xuất và quản lý năng lượng nguyên tử; làm chủ và quản lý đường sắt; tất cả các ngành phục vụ quốc phòng. Đối với các ngành công nghiệp quan trọng, mạch máu của nền kinh tế, chính phủ cho phép: “Các xí nghiệp hiện có trong các ngànhấy hoạt động trong thời gian 10 năm; rằng chính phủ sẽ quốc hữu hóa ngành điện; và các ngành khác trong lĩnh vực công nghiệp thì xí nghiệp tư nhân sẽ hoạt động bình thường” [16, tr.320].
Đây thực sự là nền kinh tế hỗn hợp theo hướng mở. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng nó đã mang lại cho kinh tế Ấn Độ một diện mạo mới, chính thức xóa bỏ những rào cản của chế độ thuộc địa, mở đường cho giai cấp tư sản Ấn Độ phát triển.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời kỳ 1947- 1950 và nhiều năm sau đó, nền kinh tế Ấn Độ vẫn chịu sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế lớn từ nước ngoài. Tư bản Anh tiếp tục kiểm soát các ngành lọc dầu, khai thác mỏ, chè, cao su, nhiều xí nghiệp cơ khí vẫn giữ vị trí hàng đầu trong số các nước đầu tư vào Ấn Độ. Nước Anh vẫn chiếm 85% tổng số vốn đầu tư của tư bản nước ngoài vào các cơ sở quốc doanh và chiếm 70% tổng số tư bản tư nhân ngoại quốc đầu tư dài hạn trên thị trường Ấn Độ. Tổng số vốn ấy chiếm 1/4 tổng số vốn Anh đầu tư vào nước ngoài và chiếm 2/5 tổng số vốn Anh đầu tư vào các nước thuộc khối Liên hiệp Anh [16, tr.327]. Mỹ mặc dù không có cơ sở vững chắc bằng Anh, nhưng cũng đã từng bước chiếm lĩnh thị phần Ấn Độ. Trong 5.190 triệu rupee vốn đầu tư của tư bản tư nhân vàoẤn Độ thì Mỹ chỉ chiếm 300 triệu rupee (khoảng 6%) nhưng phần lớn số vốn nấp dưới danh nghĩa tài sản của Pháp, Bỉ và Ấn Độ rất khó xác định [21, tr.403]. Trong thương mại, Mỹ từng bước hạn chế vị trí độc quyền của Anh ở thị trường Ấn Độ(xem Phụ lục 1).
Như vậy, mặc dù vẫn giữ vị trí cao nhất trong cán cân nhập khẩu vàoẤn Độ, nhưng Anh đã không còn là quốc gia độc quyền lũng đoạn nền thương nghiệp Ấn Độ. Sự cạnh tranh Anh - Mỹ là điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế dân tộc Ấn Độ phát triển. Bên cạnh việc mở rộng quan hệ với Anh và Mỹ, Ấn Độ cũng tăng cường
quan hệ kinh tế với các nước tư bản khác như Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… và các nước đang phát triển. Chính phủ bước đầu thiết lập mối quan hệ kinh tế với Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu.
Sự khủng hoảng trong nông nghiệp ở Ấn Độ thời kỳ tự trị là hậu quả của chính sách khai thác thuộc địa mà thực dân Anh mang lại cho nền kinh tế. Ấn Độ dưới thời kỳ thuộc địa được biết đến như là “trung tâm chết đói của thế giới”. Mặc dù là quốc gia có hơn 90% cư dân hoạt động trong nông nghiệp, nhưng vấn đề thiếu lương thực là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Ấn. Để giải quyết vấn đề trên, tháng 5/1948,Ủy ban Chính sách nông nghiệp đã vạch ra chương trình 5 năm, với mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn trong 1 năm và tăng diện tích đất canh tác được tưới lên 19 triệu mẫu đất. Theo đó, chính phủ phê chuẩn một dự án dài hạn nhằm phục vụ tưới tiêu và thủy điện với số vốn khổng lồ 192.750.000 bảng [11, tr.63]. Trước mắt, chính phủ cho khôi phục và sử dụng toàn bộ hệ thống tưới tiêu cho khoảng 23% diện tích đất canh tác, tập trung vào sản xuất nông nghiệp giải quyết nạn đói.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong nông nghiệp giai đoạn này là vấn đề sở hữu ruộng đất. Cuộc khủng hoảng trong nông nghiệp chấm dứt sớm hay muộn phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc cải cách ruộng đất của chính phủ. Chính sách cải cách ruộng đất được chính phủ ban hành cuối năm 1947, áp dụng thực tế ở một số địa phương năm1948 và mở rộng quy mô trên cả nước, kết thúc vào năm 1954.
Trên lãnh thổ Ấn Độ từ lâu tồn tại hai chế độ sở hữu đất đai. Chế độ Daminda có từ thời trung đại, thừa nhận quyền sở hữu của đại địa chủ. Theo đó, các chủ đất có quyền thừa kế đất đai và họ có trách nhiệm nộp thuế theo quy định. Còn chế độ Raiyatvari là chế độ thuế đất do thực dân Anh thực hiện từ thế kỷ XIX ở Ấn Độ, quyền sở hữu tối cao ruộng đất thuộc về nhà nước, còn nông dân và chủ phong kiến có quyền chiếm hữu theo chế độ lĩnh canh vô thời hạn. Sau năm 1947, hình thức Raiyatvari vẫn được bảo lưu bởi Chính phủ Ấn Độ tự trị. Luật cải cách ruộng đất chỉ thực hiện ở những vùng theo chế độ Daminda nên gọi là “Luật thay thế Daminda”. Nguyên tắc chung của đạo luật này là nhà nước quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất, xóa bỏ sở hữu địa chủ trên cơ sở bồi thường sòng phẳng căn cứ vào mức tô hiện hành.
Phong trào này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ quần chúng nhân dân, song gặp phải sự chống đối quyết liệt của bọn chủ đất, tạo nên bầu không khí căng thẳng trong nông thôn của Ấn Độ. Bởi lẽ, giai cấp địa chủ mất gần 60% ruộng đất trước đây, ở một số bang tỷ lệ lên tới trên 85% [55, tr.144]. Vì thế, một bộ phận cơ bản của địa chủ kiểu Daminda bị suy yếu đi do cải cách. Bên cạnh đó, luật này còn quyđịnh chính phủ bồi thường một khoản tiền lớn, ước tính trên toàn quốc là 7 tỷ rupee.
Cùng với nhiều điều khoản khác, vị trí của Daminda có phần suy giảm nhưng tầng lớp này vẫn giữ được một vị thế kinh tế chính trị nhất định. Còn những người nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít quyền lợi do cải cách đưa lại. Họ đã trở thành người lĩnh canh, và nộp thuế cho nhà nước.
Như vậy, mặc dù có một vài hạn chế, song cải cách ruộng đất ở Ấn Độ có ý nghĩa lịch sử tiến bộ. Cải cách đã thu hẹp phạm vi bóc lột theo lối phong kiến của giai cấp địa chủ, góp phần mở đường cho phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, bước đầu thay đổi bộ mặt nông thôn của Ấn Độ.
Bên cạnh áp dụng Luật thay thế chế độ Daminda, một số đạo luật về nông nghiệp cũng được chính phủ soạn thảo, trong đó quan trọng nhất là Luật sở hữu tối đa về ruộng đất. Dự luật này, như tên gọi của nó, nhằm quy định diện tích đất đai tối đa mà chủ đất có quyền sở hữu. Luật này gây phản ứng lớn trong giới địa chủ, tư sản nông nghiệp, thậm chí cả trong nội bộ đảng cầm quyền. Do vậy, trong hơn 10 năm, Luật sở hữu tối đa mới được thông qua ở hầu hết các bang của Ấn Độ. “Mức tối đa” được định ra tùy theo ruộng đất và từng bang: đối với vùng ruộng nước là 15 đến 30 mẫu, vùng khô là 80 đến 100 mẫu. Quy định này làm tăng đáng kể bình quân đất đai của người nông dân có ruộng: 5 mẫu ở vùng ruộng nước và 10 mẫu ở vùng ruộng khô [55, tr.145].
Nhìn chung, trên lĩnh vực kinh tế, với những đối sách mang tính chiến lược và sách lược của chính phủ, tuy chưa mang lại một kết quả triệt để, làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của nền kinh tế Ấn Độ, nhưng nó đãđịnh hình vàđặt nền tảng quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế tự chủ của Ấn Độ sau ngày độc lập cũng như nền Cộng hòa trong giaiđoạn kế tiếp.