Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, những thay đổi căn bản về tương quan lực lượng của cục diện thế giới đã dẫn tới sự hình thành nên Trật tự hai cực với hai hệ thống chính trị- quân sự đối lập nhau trong quan hệ quốc tế. Các nước phát xít Đức, Italia, Nhật Bản bị đánh bại hoàn toàn. Anh và Pháp bước ra khỏi chiến tranh với tư thế của người thắng trận nhưng chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng. Cán cân quyền lực chỉ còn là sự đối trọng giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô. Từ Hội nghị Ianta (Liên Xô) tháng 2/1945 đến Hội nghị Potsdam (Đức) tháng 7/1945, thế giới đã phân thành hai cực do Liên Xô và Mỹ đứng đầu, đặt nhân loại đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Với sự lớn mạnh về mọi mặt của Liên Xô và Mỹ sau chiến tranh đã làm gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của hai nước này, tạo điều kiện vươn lên vị trí siêu cường, chi phối mạnh mẽ tình hình chính trị quốc tế. Liên Xô bước ra khỏi chiến tranh với những thiệt hại nặng nề về người và của. Tuy vậy, Liên Xô vẫn là quốc gia có nhiều ưu thế đặc biệt. Liên Xô có lực lượng quân sự hùng mạnh với nền công nghiệp quân sự quy mô, đứng đầu thế giới về lục quân, chế tạo thành công bom nguyên tử năm 1949, tổng thể thực lực quân sự chỉ đứng sau Mỹ. Ngoài ra, cống hiến có tính chất quyết định của Liên Xô trong chiến thắng vĩ đại trước chủ nghĩa phát xít khiến nước này dành được uy tín rất cao đối với tất cả các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả trong lòng chủ nghĩa tư bản và trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào cộng sản, công nhân và giải phóng dân tộc trên thế giới.
Mỹ không những không bị chiến tranh phá hoại mà còn là kẻ trục lợi trên sự đổ nát của châu Âu và thế giới với hơn 114 tỷ USD lợi nhuận do buôn bán vũ khí. Hơn nữa, sau chiến tranh, Mỹ trở thành quốc gia giàu mạnh nhất, chiếm ưu thế
tuyệt đối trong thế giới tư bản chủ nghĩa về kinh tế tài chính, khoa học kỹ thuật và quân sự. Sản lượng công nghiệp Mỹ chiếm 56,4% sản lượng công nghiệp thế giới, dự trữ vàng chiếm 3/4 lượng vàng thế giới. Về quân sự, Mỹ đứng đầu thế giới về hải quân, không quân và là nước duy nhất có vũ khí hạt nhân [66, tr.288-289]. Với thế mạnh ấy, Mỹ từng bước lũng đoạn, tìm mọi cách chi phối chính sách đối nội và đối ngoại các nước Tây Âu, Nhật Bản, vươn lên vị trí đứng đầu trong các nước tư bản chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, Mỹ đã vạch ra “Chiến lược toàn cầu” với tham vọng bá chủ thế giới.
Từ bài diễn văn của nguyên Thủ tướng Anh W. Churchil ở Fulton (3/1946) đến bài phát biểu trước Quốc hội của Tổng thống H. Truman (3/1947) kêu gọi viện trợ 400 triệu USD cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, trên thực tế Mỹ đã khởi đầu quá trình “ủng hộ các dân tộc tự do” chống lại phong trào cách mạng mang tính chất cộng sản và chống sự can thiệp của Liên Xô [70, tr.54-55]. Sự ra đời của “Học thuyết Truman” cộng với kế hoạch Marshall ồ ạt đổ tiền vào châu Âu (6/1947), thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO, 4/1949), đưa ra “Kế hoạch 4 điểm” viện trợ các nước chậm tiến, dựng chính quyền tay sai ở Triều Tiên… Mỹ đã gây ra bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng trong quan hệ quốc tế.
Tham vọng của Mỹ và thế giới tư bản chủ nghĩa gặp phải lực cản lớn nhất đến từ Liên Xô. Liên Xô cũng tìm cách để củng cố vị thế của mình bằng việc ký hàng loạt các hiệp ước hữu nghị, hợp tác, liên minh và tương trợ song phương với các nước Đông Âu, thành lập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV, 1/1949), Tổ chức Warsaw (5/1955)… Như vậy, trong thời gian này, hàng loạt các công cụ, biện pháp, thiết chế, chiến lược, nguồn lực… được cả hai phe huy động để phục vụ cho cạnh tranh ảnh hưởng về quyền lực. Sự thay đổi về tương quan lực lượng, sự khác nhau về lợi ích và ý thức hệ giữa một bên là Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, với một bên là Mỹ và các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây đã đưa nhân loại bước vào thời kỳ Chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm, toàn bộ đời sống quốc tế bị bao phủ bởi không khí đối đầu căng thẳng.
Bối cảnh quốc tế ấy đã biến thế giới thứ ba- các nước mới được giải phóng- trở thành đối tượng trực tiếp của cuộc chạy đua nhằm lắp đầy “khoảng trống quyền lực”, chiếm giữ vị trí xung yếu và tạo ảnh hưởng giữa hai cường quốc Xô - Mỹ
nhằm lôi kéo các nước này về phía mình. Họ buộc phải đứng trước sự lựa chọn mang tính sống còn trên conđường phát triển:hoặc là ngã hẳn về khối các nước tư bản chủ nghĩa, hoặc là đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, hoặc là tìm kiếm một hướng đi thích hợp mới. Tình hìnhđó ảnh hưởng trực tiếp đến con đường đấu tranh