Thực hiện cải cách lãnh thổ hành chính

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 66)

Sau ngày độc lập, ở Ấn Độ tồn tại rất nhiều công quốc (601), bên cạnh các bang trực tiếp do trung ương quảnlý. Trong những năm 1947 - 1949, 555 trong số 601 công quốc lần lượt được sáp nhập vào Ấn Độ, số còn lại nhập vào Pakistan. Đây được coi là công cuộc cải cách hành chính đầu tiên, giáng một đòn chí mạng vào các thế lực phong kiến, củng cố chính quyền nhà nước và nền độc lập.

Trải qua quá trình đấu tranh từ tự trị đến Cộng hòa, sự ra đời của bản Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 26/1/1950 đưa Ấn Độ trở thành nước Cộng hòa có chủ quyền, đồng thời khẳng định đây là một “Nhà nước liên bang”. Căn cứ vào Hiến pháp năm 1950, nguyên tắc phân chia đơn vị hành chínhở Ấn Độ rất phức tạp. Ấn Độ tổ chức chia hành chính lãnh thổ tất cả thành 28 bang theo 3 nhóm đặc trưng lớn A, B, C. Theo đó:

- Các bang thuộc nhóm A gồm: Tây Bengal, Orissa, Madras, Bombay, Madhya Pradesh, Punjab, Assam, Bihar, Uttar Pradesh. Những bang này đều có nghị viện riêng và thuộc quyền điều khiển của các thủ hiến do nghị viện bầu ra.

- Các bang thuộc nhóm B gồm: Hydarabad, Travacore - cochin, Mysore, Vindhya, Saurastra, Rajasthan, Patiana và Đông Punjab, Jammu và Kashmir, Madhya Bharat. Những bang này có nghị viện riêng của mình, nhưng không có thủ hiến, và do các công tước cha truyền con nối cai trị.

- Những bang thuộc nhóm C gồm: Ajmer, Bhopal, Bilaspur, Cooch Behar, Coorg, Delhi, Himachal Pradesh, Cutch, Manipur, Tripura (những bang nhỏ và các công quốc). Họ không có nghị viện riêng của mình và do trungương trực tiếp điều khiển.

Các đơn vị hành chính mới này phản ánh một thực tế là những vương quốc nhỏ không còn tồn tại. Tuy nhiên hệ thống các bang mới này vẫn không phản ánh được tính chất ngôn ngữ, tộc người vốn rất phức tạp, hình thành từ lâu đời ở Ấn Độ. Cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề dân tộc từ sự phức tạp trong các phân chia này phát triển mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, đặc biệt làở Telengana và Andhra.

Do áp lực quần chúng, sau cuộc bầu cử năm 1951 - 1952, chú ý đến tâm trạng của nhân dân các khu vực miền Bắc bang Madras, Chính phủ Ấn Độ có nhiều nhượng bộ bằng cách đã hợp nhất những khu vực này lại thành một đơn vị riêng biệt và lập ra bang Andhra. Việc thành lập bang Andhra vào ngày 19/12/1952 là một bước tiến nhất định trên con đường giải quyết vấn đề dân tộc ở vùng có cư dân Telugu sinh sống. Đến tháng 12/1953, vì phong trào đòi thành lập các bang theo nguyên tắc ngôn ngữ được tăng cường trong nhiều khu dân tộc, chính phủ đã thành lập một Ủy ban nghiên cứu về vấn đề này, gọi làỦy ban Cải cách Hành chính Nhà nước (StatesReorganisation Commission (SRC)) do thẩm phán Fazal Ali đứng đầu. Đến năm 1955, sau gần hai năm nghiên cứu, Ủy ban này công bố bản báo cáo. Theo đó: 1. Việc tổ chức chia hành chính lãnh thổ theo 3 nhóm đặc trưng A, B, C sẽ bãi bỏ. 2. Tước vị Rajapramukh (thủ hiến) và thỏa thuận đặc biệt trước đây với các tiểu vương sẽ bãi bỏ. 3. Sự kiểm soát chung được trao cho Chínhphủ Ấn Độ theo điều 371 của Hiến pháp sẽ bãi bỏ. 4. Có 3 tiểu bang sau sẽ là vùng lãnh thổ hợp nhất:

Andaman Nicobar, Delhi và Manipu. Các vùng khác của nhóm C có thể sáp nhập với các bang lân cận [131, tr.312-313].

Bản báo cáo này được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Ấn Độ vào ngày 14/12/1955. Đến ngày 31/8/1956, dự luật dựa trên báo cáo của Ủy ban SRC được thông qua bởi Quốc hội và tiến hành những sửa đổi cần thiết trong tháng 9 để ghi vào Hiến pháp. Ngày 1/10/1956, đạo luật mới liên quan đến các đơn vị hành chính lãnh thổ của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc cải tổ các bang. Kết quả là để thay thế cho tình trạng có nhiều bang với dân cư thuộc các dân tộc khác nhau, chính phủ đã thành lập 14 bang mới trên cơ sở các công quốc cũ. Những bang đó là: Madras, Kerala, Mysore, Assam, Andhra Pradesh, Orissa, Madhya Pradesh, Bombay, Tây Bengal, Bihar, Uttar Pradesh, Punjab, Rajasthan, Jammu và Kashmir [2; tr.577] cùng 6 vùng lãnh thổ hành chính trực thuộc trung ương: Himachal Pradesh; quần đảo Andaman và Nicobar; Delhi; vùng đảo Laccadive, Minicoy và Amindivi; Manipur; Tripura.

Việc cải cách lãnh thổ hành chính có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhà nước sau độc lập. Về cơ bản hình thức công quốc phong kiến lỗi thời do thực dân Anh duy trì trênđất nước Ấn Độ đã bị xóa sạch, đồng thời cũng thủ tiêu triệt để sự tồn tại của các tiểu quốc, tạo điều kiện ổn định cho sự quản lý tập trung hơn từ chính quyền nhà nước. Điều này cũng được coi là một bước quan trọng tiến tới hội nhập quốc gia.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 66)