Nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, có kế hoạch của Ấn Độ, chúng tôi nhận thấy rằng, chính phủ đã đề ra đường lối chiến lược phát triển kinh tế phù hợp điều kiện đặc thù quốc gia gắn với các kế hoạch 5 năm bằng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn. Việc xây dựng chiến lược phát triển đó phụ thuộc vào tầm vĩ mô và trong từng phương án cụ thể nhằm thoát khỏi sự phụ
thuộc vào sức mạnh kinh tế và chính trị từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, khi Ấn Độ vừa giành độc lập.
Kinh nghiệm của Ấn Độ chỉ ra rằng, quốc gia này đã lựa chọn xây dựng một mô hình “kinh tế hỗn hợp” với hai thành phần: kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, trong đó kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Thành phầnkinh tế nhà nước nắm những ngành công nghiệp then chốt có tầm quan trọng về kinh tế và an ninh quốc phòng. Kinh tế tư nhân chỉ tham gia vào một số lĩnh vực nhất định và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước thông qua các đạo luật nhằm ngăn chặn xu hướng tập trung hóa dẫn tới tư bản độc quyền. Tất cả nằm trong một cơ chế quản lý tập trung, kế hoạch hóa (còn gọi là nền kinh tế kế hoạch hóa mềm) - mô hình phát triển Mahalanobis. Ấn Độ chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. J. Nehru cho rằng công nghiệp nặng là điều kiện cơ bản cho công nghiệp hóa. Công nghiệp nhẹ được phát triển rộng khắp nhằm đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng trong nước. Với đường lối độc lập và tự lực cánh sinh, Ấn Độ đã thực hiện chính sách đóng cửa và chính sách thay thế nhập khẩu (import substitution). Nông nghiệp cũng được ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về lương thực và nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp được coi như một trong hai chân của nền kinh tế. Từ sự lựa chọn trên, các kế hoạch ngắn hạn phát triển kinh tế 5 năm ở Ấn Độlần lượt ra đời và quốc gia này đã thật sự thành công.
Mô hìnhđó giúp Ấn Độ đứng vững trong hơn một thập kỷ của nền Cộng hòa đầy khó khăn và thử thách. Ấn Độ đã xây dựng một nền kinh tế đồng bộ với mạng lưới công nghiệp khá hoàn chỉnh, có khả năng đáp ứng được hầu hết các nhu cầu trong nước. Từ một nước với nạn đói triền miên,Ấn Độ đã tự túc lương thực và có dự trữ, bước đầu đem lại sự thay đổi lớn đối với dân cư trong các khu vực khác nhau. Nội dung này vẫn tiếp tục được Chính phủ Ấn Độ chú trọng trong thời kỳ tiếp theo. Biểu hiện rõ nhất là từ kế hoạch 5 năm đầu tiên, đến nay, Ấn Độ vẫn đang thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 (2012- 2017).
Đây là kinh nghiệm thực tiễn cần thiết đối với các nước đang phát triển. Thực tế cho thấy, ngay khi giành được độc lập, phần lớn các nước đang phát triển nhanh chóng lại rơi vào sự phụ thuộc về kinh tế từ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Có
nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế này. Trước hết, các quốc gia này phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ chính sách thực dân, nhiều nước chính phủ thiếu một chiến lược phát triển kinh tế xã hội đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Mặt khác, các nước này luônở trong tình trạng bất ổn về chính trị xã hội, không có môi trường ổn định cho phát triển kinh tế… Do vậy, kinh nghiệm của Ấn Độ về chiến lược xây dựng nền kinh tế tự chủ, độc lập, có kế hoạch với những chính sách ưu tiên cho từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn vẫn có giá trị đối với các nước đang phát triển trong mục tiêu định hình chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, dân tộc mình.