Thu hồi các vùng lãnh thổ thuộc Bồ Đào Nha

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 75 - 80)

Song song với việc đấu tranh thu hồi những vùng đất thuộc Pháp, sự kiên quyết của Chính phủ J. Nehru trong bối cảnh vị thế Ấn Độ ngày càng cao, áp lực trong và ngoài nước ngày càng mạnh đã tiếp thêm sức mạnh cho Ấn Độ tiếp tục sáp nhập lãnh thổ còn lại thuộc Bồ Đào Nha. Điều này phù hợp với tư tưởng“độc lập hoàn toàn” mà nhân dânẤn Độ kiên trì giành được hơn 200 năm dưới ách thống trị của Anh. Đối với vấn đề thu hồi Goa và các vùng đất khác thuộc Bồ Đào Nha, sau khi giành được độc lập, Chính phủ J. Nehru vẫn chủ trương thực hiện giải pháp hòa bình thông qua thương lượng. Ấn Độ nhiều lần đàm phán với Chính phủ Bồ Đào Nha như cách đã từng thực hiện với Pháp. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người Ấn đều bị từ chối.

Ngày 27/2/1950, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu Bồ Đào Nha mở cuộc đàm phán về tương lai của các thuộc địa ở Ấn Độ. Điều này theo sau tuyên bố của Thủ tướng J. Nehru rằng,Goa là một phần của lãnh thổ Ấn Độ độc lập và nhất định phải được thu hồi lại.Tuy vậy, “dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được sử dụng vũ lực” [91, tr.190]. Ngày 15/7/1950, Chính phủ Bồ Đào Nha phản ứng trở lại bằng một tuyên bố cứng rắn rằng: “…Sẽ không thể tranh luận và cũng không chấp nhận các giải pháp đã được đề xuất” [143]. Họ khẳng định, lãnh thổ của mình ở Ấn Độ không phải là một xứ thuộc địa mà là một phần của đất nước Bồ Đào Nha và vì thế nó không thể được thương lượng, và rằng Ấn Độ không có quyền kiếm soát đối với

lãnh thổ này. Việc bảo vệ chủ quyền Goa ở Ấn Độ cũng như những vùng khác tại châu Phi thực sự là cần thiết. Điều đó được Hiến pháp Bồ Đào Nha xác nhận.

Trong tháng 1/1953, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục gửi một văn bản tới Chính phủ Bồ Đào Nha, chỉ ra rằng: “Những rào cản về chính trị và lịch sử trước đây không thể ngăn nổi sức mạnh của sự hợp nhất quốc gia ở thời điểm hiện tại” [143]. Mặt khác, Ấn Độ cũng đảm bảo sẽ: “Duy trìvăn hóa và các quyền cơ bản khác như ngôn ngữ, pháp luật, phong tục tập quán của cư dân ở Goa” [143]. Tuy nhiên, điều này bị Bồ Đào Nha từ chối. Đáp trả lại, ngày 11/6/1953,Ấn Độ rút cơ quan đại diện ngoại giao ở Lisbon về nước.

Vấn đề Goa vẫn chưa lắng xuống bởi những bất đồng từ hai bên. Đến đầu năm 1954, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu hạn chế thị thực đi lại từ Goa đến Ấn Độ cũng như từ Goa đến các vùng khác của Bồ Đào Nhaở Ấn Độ. Trong lúc đó, công nhân Ấn Độ đã bắt đầu tẩy chay những chuyến hàng vận chuyểntừ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ. Từ ngày 22/7 đến ngày 2/8/1954, các hoạt động vũ trang khác nhau được cho là của một số thành viên thuộc tổ chức Liên minh Mặt trận Goans, dưới sự lãnh đạo của Francis Mascarenhas và được hỗ trợ bởi các phong trào dân tộc khác, cùng với lực lượng quân đội, cảnh sát có cuộc tấn công và buộc các lực lượng quân đội Bồ Đào Nha đóng quân ở các thành phố Dadra và Nagar Haveli phải đầu hàng. Đồng thời, Ấn Độ ngăn chặn Bồ Đào Nha điều lực lượng vũ trang từ Daman đến hỗ trợ. Trước hành độngnày của Ấn Độ, ngày 30/11/1954, tại Quốc hội Bồ Đào Nha, Thủ tướng Antonio Salaza đã đặt Goa vào vị trí quan trọng trong các hoạt động ngoại giao và quân sự của đất nước, đồng thời cũng bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ về các vùng lãnh thổ của Bồ Đào Nha.

Ngày 15/8/1955, nhân kỷ niệm Ngày độc lập của Ấn Độ, khoảng 3.000 người, bao gồm 49 nhà hoạt động bất bạo động và đông đảo nhân dân không vũ trang đã diễu hành vào Goa, kéo lá cờ Ấn Độ lên ở pháo đài Tiracol Fort. Tuy nhiên, cảnh sát Bồ Đào Nha dưới sự hỗ trợ của binh lính tại các thuộc địa của Bồ Đào Nha ở châu Phi đã nổ súng vào đoàn diễu hành. Kết quả là dẫn đến cái chết của hơn 30 người, hàng trăm người khác bị thương. Khi tin tức về sự việc được biết đến qua báo chí đã tạo nên một làn sóng căm phẫn và phản đối mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Nhân dânẤn Độ bắt đầu chỉ trích vào chính sách “mềm” của chính phủ và yêu cầu cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Ngày 16/8/1955, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng J. Nehru lên án hành động của Bồ Đào Nha là “tàn bạo và thiếu văn minh trong sự quá khích”.

Sau sự việc trên, Chính phủ Ấn Độ dần hạn chế đối với người Ấn tới Goa hoạt động biểu tình bất bạo động. Ngày 1/9/1955,Ấn Độ đóng cửa văn phòng lãnh sự ở Goa. Mặt khác, Chính phủ Ấn Độ thực thi chính sách rõ ràng về vấn đề vận động để chấm dứt chế độ thực dân Bồ Đào Nha tại Goa, đặc biệt tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm vũ trang hoạt động từ các căn cứ nằm dọc theo biên giới Ấn Độ- Goa vũ khí, hậu cần và tài chính. Từ năm 1955 đến 1961, lần lượt 6 đảng phái chính trị được thành lập tại Goa: Azad Gomantak Dal (Đảng Tự do Goa); Đảng Nhân dân Goa, Mặt trận Goans; Quân đội giải phóng Goa; Tổ chức Rancour Patriota và Tổ chức Quit Goa (Cút khỏi Goa). Thông qua đó, từng bước làm suy yếu các hoạt động của Bồ Đào Nha và tạo điều kiện cho những hoạt động về sau. Sau những nỗ lực ngoại giao không thành, Chính phủ Bồ Đào Nha - với tư cách là một trong những thành viên sáng lập NATO- tiếp tục tìmđến sự giúp đỡ của các nước phương Tây cũng như các quốc gia đang tranh chấp với Ấn Độ là Pakistan và Trung Quốc để gây áp lực đối với Ấn Độ về vấn đề Goa. Đáp lại những hành động này, Ngoại trưởng Anh Alec Douglas-Home bày tỏ quan điểm: “Liên minh quân sự NATO không muốn liên quan tới những vướng mắc của Bồ Đào Nhaở bên ngoài biên giới và cũng đừng mong đợi bất cứ điều gì hơn là một vai trò trung gian hòa giải” [100, tr.317]. Ông cũng cảnh báo rằng, nếu Bồ Đào Nha viện dẫn liên minh Anh - Bồ Đào Nha trong quá khứ thì Anh cũng sẽ đáp lại một cách miễn cưỡng, tuy nhiên sẽ không có ý định thamgia vào chiến sự với một thành viên của Khối Liên hiệp Anh.

Trong khi đó, năm 1955, Ngoại trưởng Mỹ A. Dulles tuyên bố coi Goa là “lãnh thổ Bồ Đào Nha” nên Mỹ và tất cả các thành viên của NATO phải quan tâm đến việc bảo vệ Goa theo điều 6 của Hiệp ước này. Thái độ này của Mỹ đặt Ấn Độ vào tình thế bị cô lập trong vấn đề giải phóng Goa, càng làm cho vấn đề này lâm vào bế tắc. Trong điều kiện đó, Ấn Độ khó có thể thực hiện được nguyện vọng chính đáng của mình, khiđất nước này chưa thể được coi là một quốc gia hùng mạnh.

Đúng vào lúc này, Liên Xô đã công khai tuyên bố lập trường ủng hộ Ấn Độ thu hồi Goa. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 12/1955, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khrushchev tuyên bố:

Lập trường dứt khoát của Liên Xô là phải xóa bỏ những tàn tích của chủ nghĩa thực dân thối nát. Chúng tôi cho rằng, các dân tộc ở những vùng đất bao năm nay bị thực dân xâm chiếm một cách phi pháp và bóc lột dã man phải được quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Goa là một phần lãnh thổ của Ấn Độ. Điều đó ai cũng biết. Mọi người điều biết rằng nhân dân Goa gắn liền với tổ quốc của mình như máu với thịt, không thể nào sống tách rời khỏi nước Ấn Độ… Bọn thực dân sẽ phải bước ra khỏi những đất đai không phải của chúng [53, tr.96].

Thái độ cương quyết của Liên Xô có thể coi như một cái phao cứu mệnh trong những điều kiện ngặt nghèo của Ấn Độ thời gian này. Mặt khác, Ấn Độ tiếp tục sử dụng vai trò của mình trong Phong trào không liên kết nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước Á, Phi cho việc thu hồi lãnh thổ Goa. Biểu hiện rõ nét nhất là trong Hội nghị đoàn kết các nước Á - Phiở Loke (họp từ ngày 26/12/1957 đến 1/1/1958) với sự tham gia của đại biểu 45 nước. Hội nghị kiên quyết và nhất trí lên án chủ nghĩa đế quốc với tất cả mọi biểu hiện của nó, đòi trao trả độc lập hoàn toàn cho tất cả các thuộc địa, các xứ bảo hộ và các xứ ủy trị. Nghị quyết về chủ nghĩa đế quốc của hội nghị ủng hộ những yêu sách dân tộc về việc trao trả vùng Goa của Ấn Độ, miền tây Irian của Indonesia, và đảo Okinawa củaNhật Bản, hiện đang nằm trong tay bọn thực dân cho các nước nói trên.

Ngày 14/12/1960, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1514 (XV) về việc trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện từng bước đặt hệ thống các thuộc địa và vùng lãnh thổ theo hướng tự quyết như quy định tại điều 73 của Hiến chương (Chú giải 5). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thuộc địa còn lại của chủ nghĩa thực dân nói chung và của Bồ Đào Nha nói riêng tiếp tục đấu tranh để độc lập. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao các nước không liên kết lần thứ nhất ở Belgrade (từ ngày 1 đến 6/9/1961) về vấn đề phi thực dân hóa, Thủ tướng J. Nehru coi cuộc khủng hoảng ở Angola chống lại thực

dân Bồ Đào Nha càng phát triển càngảnh hưởng tới chính sách của Ấn Độ đối với Goa. J. Nehru coi Goa và Angola trở thành một vấn đề duy nhất - đó là chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha.

Có thể nói, những Nghị quyết trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cũng như tính hợp pháp cho Chính phủ Ấn Độ hoàn tất quá trình giải phóng Goa bằng vũ lực mà không phải bận tâm về dư luận quốc tế. Mặt khác, sự phản đối của dư luận thế giới đối với chủ nghĩa thực dân châu Âu thông qua các sự kiện tại Congo và Angola như tiếp thêm sức mạnh cho Ấn Độ buộc phải hành động sớm đối với Goa. Việc sáp nhập Goa vàoẤn Độ sẽ là chương cuối cùng của thời phục hưng ở Ấn Độ, và một phần của “sự logic trong tiến trình lịch sử”[91, tr.195].

Về phía Ấn Độ, ngày 18/12/1961, sau nhiều nỗ lực ngoại giao cũng như hòa giải quốc tế không thành, chính phủ buộc phải sử dụng vũ trang giải phóng đối với Goa, Daman và Diu. Quân đội Bồ Đào Nha nhanh chóng thất bại. Ấn Độ tuyên bố Goa, Daman và Diu là một phần lãnh thổ thuộc quản lý của chính phủ liên bang. Mỹ và Anh lập tức tuyên bố đứng về phía Bồ Đào Nha và đặt NATO trong tình trạng chiến tranh. Tại Hội đồng Bảo an, Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhỹ Kỳ đưa ra dự thảo nghị quyết lên án Ấn Độ xâm lược, yêu cầu quân đội Ấn Độ rút khỏi Goa. Với tư cách là một thành viên của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Liên Xô Zorin nhanh chóng phủ quyết đề nghị này và tuyên bố:

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với tuyên bố của Thủ tướng J. Nehru, Ấn Độ thu hồi Goa là điều đúng đắn, là điều tất yếu, là điều có tính chất lịch sử… Nếu vấn đề này được đưa ra xem xét tại Liên hợp quốc, nó là vấn đề Bồ Đào Nha đã vi phạm tuyên ngôn Liên hợp quốc trong điều khoản thừa nhận quyền độc lập của nhân dân các nước thuộc địa. Bồ Đào Nha đã không thi hành tuyên ngôn này và dođó đang tạo nên sự đe dọa lớn tới hòa bình và an ninhở nhiều khu vực khác của thế giới [77, tr.115]. Đồng thời Khrushchev cũng gửi thư tới Thủ tướng J. Nehru khẳng định sẽ hoàn toànủng hộ về vật chất lẫn tinh thần cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân Ấn Độ.

Cùng với tuyên bố cứng rắn của Liên Xô, các nước Á, Phi đi đầu là Liberia, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cũng ủng hộ hành động của Ấn

Độ, kịch kiệt lên án Bồ Đào Nha và Anh, Mỹ đi ngược lại điều 1 khoản 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Trước sức ép từ nhiều phía và thắng lợi quân sự nhanh chóng của Ấn Độ, Bồ Đào Nha buộc phải nhượng bộ. Sự kiện này chấm dứt hoàn toàn 451 năm thống trị vùng đất này của chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha nói riêng và phương Tây trên lãnh thổ Ấn Độ nói chung. Năm 1963, Quốc hội Ấn Độ thông qua luật sửa đổi Hiến pháp, một lần nữa chính thức xác nhận các vùng lãnh thổ này được sáp nhập thuộc chủ quyền của Ấn Độ.

Như vậy, quá trình thu hồi lãnh thổ của Pháp và Bồ Đào Nha được tiến hành tuy theo kiểu thức khác nhau nhưng kết quả cuối cùng là chấm dứt sự hiện diện của chủ nghĩa thực dân trên lãnh thổ Ấn Độ. Bước đầu, cuộc đấu tranh toàn vẹn lãnh thổ của Chính phủ Ấn Độ đã giành thắng lợi. Trên thực tế, Chính phủ Ấn Độ đã kết hợp hài hòa những nhân tố bên trong và bên ngoài, thậm chí phải hy sinh con đường hòa bình cho mục tiêu và lý tưởng chống chủ nghĩa thực dân. Điều đó góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc trong bối cảnh sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của Cộng hòa Ấn Độ đang gặt hái những thành tựu to lớn. Mặt khác, nó cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóngdân tộc trên thế giới, từng bước làm tan rã hoàn toàn chủ nghĩa thực dân tại các thuộc địa.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 75 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)