Với Pakistan

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 81)

Trong số các quốc gia láng giềng, Pakistan là một trường hợp đặc biệt trong quan hệ với Ấn Độ. Hậu quả từ chính sách“đi mà ở” của thực dân Anh đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước Pakistan, đồng thời tạo nên những bất ổn, mâu thuẫn trong cộng đồng tôn giáo, dân tộc ở hai quốc gia, nhất là vấn đề Kashmir trở thành tâm điểm trong quan hệ giữa hai nước.

Từ khi Ấn Độ giành quyền tự trị, các cuộc xung đột vũ trang 1947 - 1948, chiến tranh thương mại 1949 - 1950, thái độ đối với cộng đồng tôn giáo đối lập làm cho mâu thuẫn giữa quốc gia này và Pakistan thêm sâu sắc. Tuy nhiên,Ấn Độ thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, trái với thái độ cực đoan của những thế lực muốn tạo nên sự chia rẽ giữa hai dân tộc bằng việc Thủ tướng J. Nehru thông qua đại diện tối cao của Pakistan tại New Delhi chuyển cho chính phủ này đề nghị của Ấn Độ ký một tuyên ngôn chung chối từ chiến tranh như là biện pháp giải quyết các cuộc tranh chấp. Vì vậy, ngày 2/4/1950, kết quả cuộc gặp giữa J. Nehru và Thủ tướng Pakistan Liacata là Hiệp ước Nehru- Liacata được ký kết. Nội dung của Hiệp ước lịch sử này là cần phải chặn đứng hiểm họa tôn giáo cộng đồng, cho phép đi lại tự do, hồi hương của những người di tản nếu họ muốn. Hai thủ tướng còn kêu gọi nhân dân và báo chí hai nước góp phần tạo ra không khí hòa bình và hữu nghị.

Sau đó, mặc dù sự căng thẳng trong quan hệ hai nước có giảm, song nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết. Trong đó, vấn đề Kashmir tưởng chừng đã có thể được

giải quyết trong giai đoạn 1953 - 1954, khi Mohammed Ali Bogra trở thành Thủ tướng Pakistan vào năm 1953. Sau cuộc gặp mặt thân thiện giữa hai thủ tướng, cả hai bên đã ký kết một thông cáo chung vào ngày 20/8/1953, trong đó J. Nehru đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân ở Kashmir. Nhưng những hy vọng hòa bình sớm bị dập tắt vì những hệ lụy của cuộc Chiến tranh lạnh đang xảy ra (xem thêm mục 4.1.2.3).Sau những động thái của Ấn Độ về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, nước Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự cho Pakistan. Kết quả là hiệp định quân sự Mỹ- Pakistan được ký vào ngày 10/11/1953. Điều này bị phía Ấn Độ phản đối kiên quyết. Đến cuối năm 1953, quan hệ Ấn Độ- Pakistan càng trở nên xấu đi. Từ khi Pakistan gia nhập các khối quân sự SEATO, CENTO, tham gia ký kết hiệp ước Baghdad trong những năm 1954 - 1955 và nhận viện trợ từ Mỹ, quan hệ Ấn Độ - Pakistan bị tác động mạnh. Tháng 5/1955, khi hội đàm với Thủ tướng Pakistan, Ấn Độ đưa ra đề nghị giải quyết vấn đề Kashmir trên cơ sở công nhận đường ngừng bắn ngày 1/1/1949 với tư cách là biên giới quốc gia Ấn Độ- Pakistan. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Ấn Độ đều không mang lại kết quả. Trong tình thế đó, việc giải quyết ổn thỏa được vấn đề Kashmir đối với Ấn Độ thực sự là một thách thức lớn.

Về phía Ấn Độ, với những nỗ lực trong đường lối ngoại giao của mình, Liên Xô ngày càng hiểu rõ giá trị và bản chất của con đường không liên kết, từ đó ủng hộ hoàn toàn lập trường Ấn Độ về vấn đề Kashmir trên các diễn đàn. Từ năm 1956, Liên Xô sử dụng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an, ngăn chặn tất cả các nghị quyết phi lý đối với Ấn Độ về chủ quyền trên lãnh thổ Kashmir. Đến cuối thập niên 50, đầu 60, bằng sự hỗ trợ của Liên Xô, Ấn Độ lẽ ra có thể tránh được mọi áp lực quốc tế về vấn đề Kashmir. Tuy nhiên, quan hệ Ấn Độ - Pakistan càng trở nên phức tạp hơn kể từ năm 1962, khi Pakistan bắt tay với Trung Quốc hòng đe dọa, cô lập Ấn Độ. Chính sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Pakistan đẩy Ấn Độ vào thế gọng kìm. Những nỗ lực đàm phán sau đó của Ấn Độ với Pakistan đều không có kết quả. Tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước tiếp tục tiếp diễn đến tháng 4/1965 bùng nổ cuộc chiến tranh Ấn Độ- Pakistan lần thứ hai.

Như vậy, quan hệ Ấn Độ - Pakistan trong giai đoạn 1950 - 1964 vẫn chưa thật sự cải thiện, thậm chí là phải giải quyết những tranh chấp bằng các cuộc chiến

tranh. Hậu quả của chính sách “đi mà ở” của thực dân Anh không chỉ làm tổn thương cho nhân dân hai nước mà cònđể lại sự thù hằn giữa hai dân tộc về sau, ảnh hưởng rõ nétđến tiến trình củng cố độc lập dân tộc của Cộng hòaẤn Độ.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 81)