Chiến lược và sách lược cho nền kinh tế Ấn Độ

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 57 - 59)

Để xây dựng Ấn Độ thành một nước công nghiệp giàu mạnh, tự lực tự cường, theo quan điểm của các nhà lãnhđạo Ấn Độ, vấn đề then chốt là phải thực hiện một cuộccải biến căn bản trong khoa học - kỹ thuật, phải đưa nền khoa học- kỹ thuật của Ấn Độ từ tình trạng lạc hậu lên trìnhđộ tiên tiến.

Ngày 23/5/1956, phát biểu tại Quốc hội về kế hoạch 5 năm lần thứ hai, Thủ tướng J. Nehru đã nhấn mạnh:

Khi nói về kế hoạch hóa, chúng ta phải nghĩ tới nghĩa công nghiệp của khái niệm đó, vì chính sự phát triển của khoa học và công nghệ đã cho phép con người có thể sản xuất ra được những của cải mà không một ai có thể mơ ước được. Đó chính là cái đã làm cho các nước khác hùng mạnh và giàu có, và chỉ có thông qua sự phát triển của quá trình công nghệ mà chúng ta có thể lớn lên và trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh; không có con đường nào khác… Do đó, nếu Ấn Độ muốn tiến lên,Ấn Độ phải tiến lên trong khoa học và công nghệ, Ấn Độ phải sử dụng những kỹ thuật mới nhất [18, tr.9].

Và để bác bỏ quan điểm sự ưu tiên quá cao cho khoa học kỹ thuật có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khổ, Thủ tướng J. Nehru nói tiếp:

Phát triển khoa học kỹ thuật là một tất yếu, là không tránh khỏi, nhưng không vì thế mà gây ra sự bần cùng và bất hạnh… Sự nghèo khổ của chúng ta là do sự lạc hậu về khoa học và công nghệ gây ra, do đó bằng cách cải tạo sự lạc hậu đó, chúng ta không những tạo ra được sự giàu có mà còn tạo ra được việc làm [18, tr.9].

Quan điểm này được quán triệt qua các kế hoạch phát triển 5 năm cũng như trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, kể cả trong giáo dục và đào tạo.

Tiếp đến là vấn đề nông nghiệp. Đối với đất nước mà nạn đói thường xuyên xảy ra như ở Ấn Độ, không thể không dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề thiếu thốn lương thực. Bước đi đầu tiên là tiến hành cải cách ruộng đất (bắt đầu từ năm 1947, kết thúc vào năm 1954). Bên cạnh đó, nhà

nước cònủng hộ phong trào “hiến đất” (Bhudan) và “hiến làng” (Gramdan). So với phong trào “hiến làng” thì “hiến đất” có kết quả hơn. Riêng ở hai bang Pradesh, Bihar, trong năm 1955, chủ đất đã tự nguyện hiến 4,3 triệu mẫu.

Chính nhờ kết quả bước đầu từ hai phong trào trên, diện tích gieo cấy ở Ấn Độ được mở rộng đã đưa sản lượng nông nghiệp tăng lên, mặc dù năng suất cây trồng vẫn như cũ. Bên cạnh đó, vai trò nhà nước cũng hết sức quan trọng. Các tổ chức nhà nước quản lý khoản 7,5 triệu mẫu đất khai hoang, xây dựng những công trình thủy lợi lớn nhỏ (tăng diện tích được tưới nước, từ năm 1951 đến năm 1965, lên gấp 2 lần), sửa sang đường sá, tổ chức mạng lưới trại chăn nuôi, trại giống, phổ biến kinh nghiệm nông học tiên tiến, lập các hợp tác xã… Đặc biệt, thấy được sự cần thiết phải chuyển hướng phát triển nông nghiệp từ quảng canh sang thâm canh, Chính phủ Ấn Độ đã có kế hoạch nghiên cứu và thực hiện thí điểm nhằm tăng sản lượng lương thực ở giai đoạn sau. Đến đầu những năm 60, kết quả thu được từ cải cách ruộng đất và mở rộng diện tích canh tác làm cho tổng sản phẩm nông nghiệp tăng 65%. Chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp của Ấn Độ vừa mang ý nghĩa sách lược, vừa có ý nghĩa chiến lược. Nó không chỉ nhằm giải quyết nạn đói trước mắt, tạo việc làm và cải thiện mức sống cho 2/3 tổng số dân sống nhờ nông nghiệp mà tạo cơ sở vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa.

Cuối cùng là phát triển một nền công nghiệp đa dạng và vững mạnh. Mức tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc dân là thước đo phản ánh mức độ công nghiệp hóa của đất nước. Mức tăng này có thể đạt được tương đối nhanh nhờ quá trình “đa dạng hóa” các ngành công nghiệp của đất nước. Nhưng mức tăng đó chưa phản ánh được sức mạnh của nền công nghiệp nếu trong số các ngành công nghiệp “đa dạng” đó không có vai trò chủ lực của các ngành công nghiệp trụ cột (sắt thép, luyện kim…) và các ngành mũi nhọn thể hiện trìnhđộ phát triển mới, năng động của khoa học - kỹ thuật (điện tử, tự động hóa…). Chính vì vậy, phát triển một nền công nghiệp đa dạng và vững mạnh được coi là mục tiêu cơ bản của chiến lược công nghiệp hóa tự lực tự cường của Ấn Độ.

Năm 1956, khi bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ hai, Chính phủ Ấn Độ công bố Nghị quyết về chính sách công nghiệp hóa, quyết định tăng cường đầu tư cho các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản. Trong các ngành này, sắt thép

được Thủ tướng J. Nehru coi là biểu tượng sức mạnh của nền kinh tế và là ngành đem lại vinh quang cho Ấn Độ trong tương lai, tiếp đó là các ngành luyện kim màu, dầu lửa, than, phân bón và cơ khí nặng. Những ngành công nghiệp trụ cột ở trên chủ yếu tập trung trong khu vực kinh tế nhà nước. Các ngành khác cũng được chú trọng và khuyến khích, nhưng chủ yếu để khu vực tư nhân tự do phát triển dựa trên những chính sách, biện pháp điều tiết và kích thích của nhà nước.

Ngoài ra,ở một đất nước như Ấn Độ, trải qua hàng thế kỷ dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, nền tảng ban đầu của hạ tầng cơ sở còn nhỏ yếu. Do vậy, cơ sở hạ tầng cũng là một lĩnh vực được ưu tiên phát triển. Nhà nước dành sự quan tâm rất cao cho việc phát triển hệ thống thủy lợi, đường bộ, đường sắt, bến cảng và cả hệ thống giáo dục, y tế. Giống như các công trình công nghiệp nặng, phần lớn các công trình cơ sở hạ tầng được khu vực kinh tế nhà nước đảm nhận.

Như vậy, những ưu tiên chiến lược về khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp và hạ tầng cơ sở cho cả quá trình công nghiệp hóa đãđược khẳng định, nhưng không phải lúc nào chúng cũng dành được những vị trí ưu tiên như nhau, mà tùy theo tình hình vàđiều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, lĩnh vực này có thể được coi trọng hơn lĩnh vực kia. Điều này được phản ánh cụ thể trong các kế hoạch phát triển 5 năm của Ấn Độ.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 57 - 59)