2.2.1. Kế hoạch Mountbatten và sự chia cắt Ấn Độ
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, từ kết quả đấu tranh của nhân dân Ấn Độ, thực dân Anh đã phải lo lắng và tự nhận thấy rằng khó có thể giữ vững được địa vị thống trị của mình ở Ấn Độ như trước. Ngày 20/2/1947, Thủ tướng Anh Attlee tuyên bố trước Hạ viện: “Chính phủ Hoàng gia loan báo rằng, chính phủ có ý định dứt khoát là dùng mọi biện pháp cần thiết để tiến hành việc chuyển giao quyền hành cho một Chính phủ Ấn Độ có trách nhiệm, chậm nhất là tháng 6/1948”[16, tr.310].
Để thực hiện sứ mệnh này, Phó vương Weywell bị triệu hồi về nước, Huân tước Mountbatten được bổ nhiệm làm Phó vương mới ở Ấn Độ.
Ngày 22/3/1947, Mountbatten đến Ấn Độ. Ngày 31/3/1947, Phó vương bắt đầu thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với M. Gandhi và M. Jinnah nhằm thảo luận về giải pháp cho vấn đề Ấn Độ. Thái độ của hai vị lãnh tụ khiến cho Mountbatten nhanh chóng nhận thức được trách nhiệm tất yếu của mình về tương lai của tiểu lục địa: M. Jinnah muốn lập nên xứ Pakistan gồm 6 tỉnh Bengal, Assam, Sind, Punjab, Beluchistan, Northwest Province; còn M. Gandhi thì kiên quyết giữ nguyên sự thống nhất Ấn Độ bằng mọi giá, kể cả việc duy trì quyền thống trị của người Anh hoặc người Anh rút quân để cho nhân dân Ấn Độ tự quyết định tương lai của mình. Bất đồng quan điểm giữa lãnh tụ hai đảng làm cho tình thế chia cắt ngày càng lộ rõ.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh quần chúng và cuộc vận động rầm rộ của Liên đoàn Hồi giáo được sự ủng hộ của người Anh nhằm thành lập quốc gia Hồi giáo Pakistan, Đảng Quốc đại hiểu rằng không thể bảo toàn sự thống nhất Ấn Độ được nữa. Ngày 8/4/1947, Uỷ ban lâm thời Đảng Quốc đại công khai ra Nghị quyết chấp nhận chia cắt Ấn Độ thành hai xứ tự trị. Tiếp theo đó, J. Nehru tuyên bố:“Liên đoàn Hồi giáo có thể có Pakistan nếu họ muốn, nhưng với điều kiện họ sẽ không tách khỏi Ấn Độ các vùng không muốn sáp nhập vào Pakistan”, nghĩa là Punjab và Bengal phải được chia cắt thành hai vùng theo cộng đồng nguời Hồi và người Hindu [113, tr.20]. M. Jinnah mặc dù tuyên bố việc chia cắt Punjab và Bengal là một động thái tồi tệ nhưng vẫn chấp nhận để đạt tới tận cùng mục đích là thành lập Pakistan.
Trước sự thỏa hiệp từ hai phía, đầu tháng 5/1947, những điểm căn bản nhất trong giải pháp về Ấn Độ đãđược Mountbatten soạn thảo và thông qua tại London vào ngày 15/5/1947. Ngày 3/6/1947 tại Simla, bản kế hoạch do Phó vương soạn thảo, lịch sử thường gọi là “Kế hoạch Mountbatten”, được công bố trong cuộc họp của các đảng phái chính trị Ấn Độ (Chú giải 1). Ngày 15/8/1947, “Kế hoạch Mountbatten” với tư cách là “Đạo luật về nền độc lập của Ấn Độ” được Nghị viện Anh biểu quyết thông qua. Cũng trong ngày này, tại Thành Đỏ lịch sử ở Delhi, J. Nehru đã trịnh trọng kéo quốc kỳ Ấn Độ đánh dấu sự ra đời quốc gia Ấn Độ tự trị.
Sự kiện này đã tạo nên bước ngoặt căn bản chấm dứt hơn 200 năm cai trị trực tiếp Ấn Độ của thực dân Anh, mở ra một giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ. Lần đầu tiên,Ấn Độ mới bắt đầu thật sự làm chủ vận mệnh của mình - dù còn rất nhiều hạn chế - dưới sự lãnh đạo của một Chính phủ Liên bang tự trị của chính nguời Ấn với toàn quyền về đối nội. Nó đánh dấu thắng lợi đầu tiên trên con đường từ tự trị đến độc lập, tạo bước đệm nền tảng để Ấn Độ vươn lên giành độc lập hoàn toàn.
Tuy nhiên, đằng sau ý nghĩa to lớn ấy, Kế hoạch Mountbatten không phải là một thắng lợi trọn vẹn của Ấn Độ và cũng chưa hẳn là sự thất bại hoàn toàn của người Anh ở thuộc địa béo bở này. Kế hoạch đó đã chia cắt Ấn Độ thành hai nhà nước Ấn Độ và Pakistan trên cơ sở tôn giáo. Nó không phản ánh được nguyện vọng của nhân dân Ấn Độ, chính vì thế đãđể lại những hậu quả nghiêm trọng:
Thứ nhất, đã tạo ra một cuộc di cư chưa từng thấy trong lịch sử Ấn Độ. Ngay sau tuyên bố của Chính phủ Anh, tại tiểu lục địa Ấn Độ đã diễn ra một cuộc di dân ồ ạt của khoảng “9 triệu người Hồi giáo chạy sang Pakistan và gần 8 triệu người Ấn Độ giáo di cư sang Ấn Độ” [27, tr.78]. Cuộc di dân này đã tạo nên một cục diện hỗn độn, mất ổn định đối với cả hai quốc gia, khiến cho đời sống của người dân Ấn Độ bị xáo trộn, đi kèm với nó là những xung đột sự phân biệt giữa người Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
Thứ hai, là nguyên nhân gây tình trạng mâu thuẫn gay gắt và tranh chấp thường xuyên giữa hai chính phủ Ấn Độ và Pakistan, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề Kashmir đến tận ngày nay vẫn chưa tìmđược lối ra.
Thứ ba, việc chia cắt này đã để lại những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế của cả hai nước. Nhiều vùng công nghiệp và nông nghiệp tuỳ thuộc lẫn nhau đã bị chia cắt, những hệ thống đường sắt và thủy lợi cũng bị phân chia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của Ấn Độ và Pakistan.
Như vậy, thông qua kế hoạch Mountbatten, mọi ý đồ của người Anh đãđược thực hiện. Đây là sự thể hiện rõ nét của âm mưu của người Anh trong những cụm từ mà họ đã có tính toán từ lâu:chia để trị, tự trị (Dominion) và đi mà ở. Hậu quả của chia cắt - sự phản ánh sinh động âm mưu của thực dân Anh - là vết thương nhứt nhối đối với lịch sử Ấn Độ cận hiện đại. Nó đặt Chính phủ Ấn Độ đứng trước
những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đó là đấu tranh nhằm xoá bỏ những hậu quả do chia cắt mang lại, đồng nghĩa với việc triệt tiêu những tàn dư của chủ nghĩa thực dân, giành và củng cố độc lập hoàn toàn. Mặt khác, thông qua việc phân chia, thực dân Anh cũng tạo cơ hội thuận lợi cho các cường quốc bên ngoài khai thác các vấn đề về tôn giáo và quan hệ giữa hai nước, làm sâu sắc hơn mâu thuẫn từ hai dân tộc, tăng cường ảnh hưởng của họ ở khu vực này.
2.2.2. Đấu tranh bước đầu trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao củaquốc gia Ấn Độ tự trị (1947- 1950)