Tăng cường xây dựng và củng cố nền quốc phòng an ninh

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 104 - 108)

Nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh quốcphòng - an ninh đối với sự nghiệp bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc, trong giai đoạn 1950 - 1964, Ấn Độ

tập trung tăng cường xây dựng và củng cố trên nhiều phương diện khác nhau. Một mặt, vừa đảm bảo an ninh biên giới phía Bắc trước các hành động xâm lấn của Trung Quốc, mặt khác mang lại sự ổn định cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, phát triển kinh tế, xã hội của Ấn Độ. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quốc phòngở biên giới phía Bắc cũng như phát triển lực lượng vũ trang Ấn Độ được chính phủ chú trọng quan tâm.

Sau khi Trung Quốc đưa quân vào Tây Tạng, ngày 20/11/1950, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng J. Nehru đã tuyên bố: “Mặc dù tham vọng của Trung Quốc về chủ quyền trên các vùng ở Assam (phía Nam đường biên giới McMahon), nhưng McMahon là ranh giới của chúng tôi, cho dù là có hay không có bản đồ, chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai đi qua ranh giới đó” [101, tr.47]. Ngày 23/11/1950, J. Nehru khẳng định một lần nữa tại Quốc hội rằng: “Việc bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn liên tục được giám sát và sẽ không có lực lượng xâm lược nào được phép qua biên giới” [101, tr.47].

Vấn đề ổn định lâu dài an ninh biên giới dọc dãy Himalaya đã được nghiên cứu cụ thể bởi một Ủy ban Quốc phòng Biên giới Bắc và Đông Bắc của Ấn Độ (NEFA) được thành lập tháng 2/1951 theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng. Các báo cáo của Ủy ban này trình lên chính phủ vào đầu năm 1953, bao gồm một số lượng lớn các khuyến nghị. Theo đó, cần tổ chức lại và mở rộng lực lượng bán quân sự của Ấn Độ, phát triển mạng lưới tình báo quân sự dọc theo biên giới, phát triển lực lượng cảnh sát vũ trang dân sự, hệ thống thông tin liên lạc và các trạm thông tin [101; tr.46]. Năm 1953, Cục Hành chính Biên giới Ấn Độ (IFAS) được thành lập trong Bộ Ngoại giao để quản lý các NEFA.

Năm 1954, chính phủ phê duyệt việc mở rộng lực lượng an ninh cho biên giới phía Đông và phía Bắc, đặc biệt chú trọng các NEFA. Trước tiên cần cải thiện hệ thống thông tin liên lạc trên toàn bộ khu vực các bộ lạc khu vực biên giới. Hệ thống cũ gần như bị phá hủy nặng nề bởi trận động đất vào năm 1950. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông được nhấn mạnh trong kế hoạch phát triển 5 năm và được phê chuẩn trong năm 1953.

Tháng 6/1954, các nhà chức trách của bang Uttar Pradesh công bố một chương trình xây dựng hệ thống giao thông với 5,6 triệu USD để liên kết các khu vực có tầm quan trọng chiến lược trong Kumaon Hills liền kề biên giới với Nepal và Tây Tạng. Các đường bay đầu tiên nối với thung lũng Kulu được mở cửa vào ngày 18/1/1956, và ngày 25/5/1956, một đoạn đường 7 dặm nối Sainwala đến Kandaiwala (bang Himachal Pradesh) cũng chính thức được đưa vào sử dụng. Việc thông tuyến cây cầu Rohin ngày 5/11/1956 cũng mở ra một tuyến đường quan trọng nối liền vùng Gorakhpur (bang Uttar Pradesh) và phía Đông Nepal. Trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1956- 1961), chính quyền bang Punjab cũng cho xây dựng 9 dặm đường kết nối Grampjoo và Keylong (bang Himachal Pradesh).

Trước những hành động từ phía Bắc Kinh, Chính phủ Ấn Độ lần lượt đưa ra một số biện pháp về hành chính, đảm bảo giữ vững an ninh vùng biên giới như: thành lập 6 huyện biên giới vào năm 1960 gồm: Pithoragarh, Chamoli, và Uttarkashi trong bang Uttar Pradesh, Lahaul, Spiti trong bang Punjab, và Kinnaur trong bang Himachal Pradesh. Các sĩ quan dày dạn kinh nghiệm trong Cục Hành chính Biên giới được ủy quyền đứng đầu các huyện mới này, được trao quyền hành chính và tài chính. Một viên tướng quân đội đã về hưu- ngài S. M. Shrinagesh được bổ nhiệm làm thống đốc của bang Assam ngày 14/11/1959. Trong năm 1960, NEFA, Naga Hills và khu vực Tuensang được thống nhất dưới một chính quyền duy nhất.

Năm 1960, một Ủy ban được thành lập trong văn phòng Nội các Chính phủ Ấn Độ để đảm bảo phối hợp hiệu quả của chính phủ trong các chương trình phát triển trong khu vực biên giới chiến lược. Trong giai đoạn ba của kế hoạch 5 năm lần thứ 3, một kinh phí 50 triệu rupee được dự kiến cho xây dựng đường giao thông, cơ sở hạ tầng và một số công trình thủy lợi trong Ladakh. Chính quyền bang Punjab tăng cường phân bổ cho các chương trình phát triển ở huyện Lahaul, Spiti trong năm 1960 là 20 triệu rupee và có kế hoạch phát triển 100 dặm đường ước tính khoảng hơn 600 triệu rupee ở lĩnh vực này trong kế hoạch thứ ba. Chính quyền bang Uttar Pradesh tiến hành 12 dự án làm đường tại các khu vực đồi giáp Tây Tạng. Chi phí của NEFA cho kế hoạch lần thứ ba ước tính khoảng 72,1 triệu rupee

(tăng gấp đôi trong kế hoạch lần thứ hai), kế hoạch được soạn thảo để xây dựng sân bay và tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất thuận tiện cho các bãi đáp, đường giao thông. Tháng 3/1960,Ủy ban Phát triển đường biên giới (BRDB) được thành lập để phối hợp cùng với nhà nước xây dựng chương trìnhđường riêng của quân đội trong khu vực biên giới chiến lược. Tất cả kế hoạch trên là xây dựng gần 4.000 km và cải thiện gần 2.400 km đường cũ, với chi phí ước tính 1.200 triệu rupee trong khoảng thời gian 3 năm. Việc thực hiện chương trình này được giao cho các đơn vị khác nhau như: Vartak ở Assam và NEFA, Dhantokở Bhutan, Dragon ở Sikkim, Deepak ở Himachal Pradesh và Beaconở Ladakh.

Từ khi thành lập đến năm 1963, Ủy ban BRDB đã thực hiện được hơn 2.500 km đường, phát triển giao thông gần 1.000 km, khảo sát khoảng hơn 4.000 km đường về sau. Hơn 150 km đường từ Dirrang (bang Assam) đến Along (bang Arunachal Pradesh) được hoàn thành trong năm 1960 và một con đường mới được xây dựng ở chân đồi phía Bắc của Sadiya (bang Assam). Hơn 120 km đường ở Mokokchung (bang Nagaland) được hoàn thành vào mùa xuân năm 1962. Ngày 13/1/1960, việc xây dựng bắt đầu trên con đường hơn 170 km từ Phuntsholing ở Tây Bengal đến Paro (Bhutal) và chính thức hoàn thành vào ngày 13/2/1962, rút ngắn thời gian di chuyển từ 6 ngày đi bộ xuống còn 10 giờ đi bằng xe quân sự. Thông tin liên lạc cũng được cải thiện dọc theo tuyến biên giới Ấn Độ- Nepal.

Trong giai đoạn 1950 đến 1962, sức mạnh của nền quốc phòng Ấn Độ đã được tăng cường mạnh mẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc ở khu vực biên giới phía Bắc dần hoàn thiện, đảm bảo ổn định tuyến hành lang chiến lược quan trọng này. Mặt khác, việc nâng cao sức mạnh quốc phòng được coi là một trong những nguồn “sức mạnh cứng” của Ấn Độ trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc. Trong hơn một thập kỷ của nền Cộng hòa, ngoài các khoản kinh phí phục vụ cho các kế hoạch phát triển kinh tế, kinh phí đầu tư xây dựng và trang bị quốc phòng hiện đại các lực lượng quân đội Ấn Độ trong nền kinh tế quốc dân ngày một tăng(xem Phụ lục 5).

Về trang bị quốc phòng, sau thất bại trong cuộc chiến năm 1962 với Trung Quốc, Ấn Độ đã mở rộng mạng lưới đối tác của mình rộng khắp, vượt qua những

phân chia chiến tuyến thời kỳ Chiến tranh lạnh. Phát biểu trước Quốc hội ngày 3/9/1963, Thủ tướng J. Nehru nhấn mạnh: “Việc xây dựng sức mạnh cho quân đội là biện pháp đảm bảo an ninh duy nhất” [81, tr.166]. Trong thời kỳ này, Ấn Độ trang bị cho không quân 104 máy bay Toofani (bão tố) từ Pháp, 182 máy bay Hunters (kẻ đi săn) và 80 máy bay ném bom Canberra từ Mỹ, 110 chiếc Mysters của Pháp, 55 chiếc Fairchild Packets của Mỹ, 16 máy bay vận tải AN-12s và 26 trực thăng chiến đấu Mi-4 của Liên Xô. Ngoài ra còn có 230 máy bay Vampire được Anh cấp phép sản xuất ngay tại Ấn Độ. Đối với hải quân và quân đội nói chung, số lượng vũ khí được mua vào cũng rất đáng kể. Thêm vào đó, những nỗ lực nhằm củng cố nền quốc phòng bằng việc mua lại bản quyền rồi tựsản xuất những vũ khí, thiết bị quân sự đãđược Ấn Độ triển khai. Ví dụ như các mẫu máy bay đánh chặn Gnat và máy bay vận tải HS-748 của Anh, mẫu trực thăng Allouette của Pháp, máy bay đánh chặn MiG của Liên Xô, súng phòng không L-70 từ Thụy Điển, Xe tăngVijayanta của Mỹ, các xe tăng Shaktiman từ Đức, Xe bọc thép Nissan từ Nhật, súng cối Brandt từ Pháp, súng chống giật 106mm từ Mỹ, Cabin thép từ Anh, cùng nhiều loại thiết bị không dây từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều này góp phần nâng cao hơn nữa “sức mạnh cứng” trong sự nghiệp bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc, cũng như vị thế của Ấn Độ ở khu vực và quốc tế.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 104 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)