TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓ A XÃ HỘI 1 Vấn đề thống nhất ngôn ngữ quốc gia

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 115 - 117)

3.5.1. Vấn đề thống nhất ngôn ngữ quốc gia

Với một quốc gia rộng lớn, đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo như Ấn Độ, những người sáng lập ra nhà nước Cộng hòađều nhận thức rằng, trên thực tế, vấn đề thống nhất quốc gia dân tộc, trước hết về ngôn ngữ là một thách thức lớn nhất. Bởi lẽ, nếu không giải quyết căn bản, nó sẽ dẫn tới những vấn đề chính trị liên quan tới việc phát triển giáo dục và các cơ hội về kinh tế, việc làm và tiếp cận về chính trị. Đúng như J. Nehru nhận định vào năm 1952: “Vấn đề quan trọng nhất trong các vấn đề quan trọng là sự thống nhất Ấn Độ”[81, tr.84]. Hiến pháp Ấn Độ 1950 công nhận 14 ngôn ngữ chính thức bên cạnh hàng trăm ngôn ngữ khác. Theo cuộc tổng điều tra năm 1951, Ấn Độ có khoảng 1.652 ngôn ngữ mẹ đẻ, gần 92% dân số nói một trong 14 thứ tiếng được đề cập trong Hiến pháp (Chú giải 11); 32% nói một trong 23 ngôn ngữ bộ lạc chính và khoảng 5% sử dụng ngôn ngữ hoặc phương ngữ khác. Như vậy, một ngôn ngữ quốc gia cho đại đa số người dân trong một đất nước đa ngôn ngữ như Ấn Độ là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp mà Chính phủ Ấn Độ cần phải giải quyết để đảm bảo sự“thống nhất trong đa dạng”.

Theo Hiến pháp Ấn Độ năm 1950, tiếng Hindi trong hệ thống chữ viết Devanagari(Chú giải 12) là ngôn ngữ chính thức của liên bang và tiếng Anh vẫn sẽ được sử dụng như là ngôn ngữ chính thức thứ hai của đất nước trong thời gian 15 năm (tức là đến ngày 26/1/1965). Đến tháng 6/1955, Tổng thống Ấn Độ thành lập một Ủy ban ngôn ngữ chính thức, đứng đầu là luật sư B. G. Kher. Ủy ban đã gửi đến Tổng thống những khuyến nghị liên quan tới việc sử dụng rộng rãi tiếng Hindi ở Cộng hòa Ấn Độ trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi lẽ, trên thực tế, tiếng Hindi là ngôn ngữ được người dân Ấn Độ sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là khu vực miền Bắc, từ bang Bengal đến bang Punjap, từ bang Maharashtra đến bang Gujarat. Mặt khác, nó vốn là ngôn ngữ của người bản địa, có bề dày lịch sử, là tiếng nói thông dụng của các tổ chức xã hội. Trong khi đó, tiếng Anh và nền giáo dục Anh trong suy nghĩ của nhiều người Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc là biểu tượng của “chế độ nô lệ vĩnh viễn” (The Eternal slavery).

Đến tháng 8/1956, sau một quá trình khảo sát trong thực tế, Ủy ban đã kết luận rằng: “Không thể sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy rộng rãi

cho người dân Ấn Độ, tiếng Hindi được coi là phù hợp cho ngôn ngữ chính thức vì nó là ngôn ngữ được nói bởi phần lớn dân số” [76,tr.293]. Tuy vậy, vấn đề trên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các bang ở miền Nam vốn không coi tiếng Hindi là ngôn ngữ chính thức như Tamil Nadu, Tây Bengal, Puducherry, Andhra Pradesh. Do đó, nhiều cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra.

Nhận thức rõ về tình trạng bất ổn do vấn đề ngôn ngữ chính thức mang lại cho chính thể Cộng hòa, cũng như để xoa dịu mâu thuẫn đang lên caoở miền Nam Ấn Độ, vì lợi ích của sự đoàn kết và thống nhất dân tộc, ngày 7/8/1959, tại Quốc hội, Thủ tướng J. Nehru đưa ra một sự đảm bảo nhất định rằng: “Tôi bằng lòng khi coi tiếng Anh như là một ngôn ngữ thay thế miễn là họ cần đến nó, và nếu họ không muốn học tiếng Hindi, hãyđể cho họ thực hiện” [81, tr.94]. Tiếp đó, tại một phiên họp Quốc hội vào năm 1962, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định: “Hoãn việc thay thế tiếng Anh bằng tiếng Hindi vô thời hạn, đồng thời tiếng Hindi được sử dụng trong giảng dạy ở bậc đại học” [76, tr.293]. Kết quả là, ngày 10/5/1963, Quốc hội đã ban hành Luật Ngôn ngữ chính thức, trong đó tiếp tục cho phép sử dụng tiếng Hindi và tiếng Anh vào các mục đích chính thức, ngay cả sau năm 1965. Theo đó, tiếng Anh và tiếng Hindi sử dụng cho các nghị quyết, các điều luật, thông báo hành chính, hoặc các thông cáo báo chí phát hành từ Trung ương hoặc các Bộ, Sở, văn phòng, các hợp đồng, thỏa thuận… Tuy nhiên, đạo luật trên vẫn chưa tạo ra chuyển biến mới trong cuộc tranh luận về ngôn ngữ quốc gia ở Ấn Độ.

Sau khi J. Nehru qua đời, Thủ tướng kế nhiệm L.B. Shastri tiếp tục đối mặt với phong trào phản đối áp đặt tiếng Hindi làm ngôn ngữ chính thức ở Ấn Độ. Trong thời gian này, dưới sức ép của các đảng phái chính trị, L.B. Shastri buộc phải thông qua vấn đề ngôn ngữ bằng một sự thỏa hiệp với những khu vực không nói tiếng Hindi rằng: tiếng Hindi sẽ không bao giờ bị ép buộc. Điều này chính thức cụ thể hóa trong đạo luật thông vào năm 1967 trên cơ sở sửa đổi Luật Ngôn ngữ chính thức năm 1963, với sự ủng hộ của các bang ở khu vực miền Nam. Như vậy, sau nhiều cuộc tranh luận, Chính phủ Ấn Độ đã có một bước đi quan trọng trong giải quyết vấn đề ngôn ngữ.

Về cơ bản, đến đây, ngôn ngữ quốc gia được giải quyết trên cơ sở dân chủ và theo phương thức thúc đẩy sự hợp nhất quốc gia. Tiếng Hindi và tiếng Anh vẫn sử

dụng cho các hoạt động của nhà nước vàở các bang cùng với tất cả các ngôn ngữ địa phương. Việc pháp lý hóa ngôn ngữ là sự lựa chọn phù hợp trong điều kiện một quốc gia đa ngôn ngữ như Ấn Độ. Thực hiện chính sách song ngữ Hindi - Anh được coi là giải pháp tốt nhất lúc bấy giờ, qua đó vừa giữ được những giá trị truyền thống riêng biệt của nền văn hóa bản địa, vừa tạo điều kiện cho các hoạt động giao thương ở các bang miền Nam Ấn Độ phát triển.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 115 - 117)