Tham gia sáng lập Phong trào không liên kết

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 94 - 96)

Là một trong những thành viên sáng lập, Ấn Độ đã cóđóng góp to lớn cho sự ra đời và phát triển của Phong trào không liên kết. Trong bối cảnh phức tạp giữa những năm 50, Ấn Độ lại càng có nhiều nỗ lực trong việc triệu tập Hội nghị các nước Á, Phi. Trước cuộc gặp gỡ các nguyên thủ Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Ceylan tháng 12/1954 ở Bogor (Indonesia), J. Nehru đã thông báo sơ bộ dự kiến của mình: Hội nghị Á - Phi sẽ mời khoảng 30 nước ở cấp Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; chương trình nghị sự không gồm những vấn đề đang tranh cãi mà là những vấn đề chung như hữu nghị, “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình”, thành lập Ban thư ký để chuẩn bị Hội nghị.

Sau thời gian 3 tháng kể từ cuộc gặp trên, tình hình thế giới, nhất là khu vực châu Á trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi phải có sự đoàn kết của các nước Á- Phi. Việc Mỹ ký với Đài Loan hiệp ước đảm bảo an ninh ngày 2/12/1954 và Tổng thống Eisenhower đòi Quốc hội Mỹ trao cho ông toàn quyền sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ cho Đài Loan, tạo ra nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn. Ở Trung Cận Đông, ngày 24/2/1955, khối quân sự Baghdad ra đời. Bốn ngày sau, Israel thực hiện cuộc tấn công xâm lược dải Gaza.

Từ năm 1954 đến tháng 4/1955, Thủ tướng J. Nehru và Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều hoạt động năng động chuẩn bị cho Hội nghị Bandung bằng một loạt các cuộc tiếp xúc quan trọng với Tổng thống Nasser của Ai Cập (2/1955); Tổng thống Tito của Nam Tư, và đặc biệt là với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Thông cáo chung của cuộc hội đàm giữa J. Nehru và Chu Ân Lai (29/4/1954) đề ra 5 nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, về sau được gọi là Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (Panch Sheel).

Hội nghị các nước Á- Phi diễn ra từ ngày 18 đến 24/4/1955 với sự tham gia của 29 quốc gia, trong đó 23 quốc gia châu Á và 6 của châu Phi(Chú giải 9) thành công rực rỡ. “Panch Sheel” được phát triển thành 10 nguyên tắc Bandung. Kết quả lớn nhất của Hội nghị Bandung là thúc đẩy tiến trình đấu tranh giành độc lập của các nước và dân tộc thuộc địa. Về thực chất, 10 nguyên tắc Bandung khẳng định các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị- xã hội khác

nhau và được dùng làm cơ sở cho chính sách đối ngoại của các nước Á - Phi mới độc lập, cũng như những nguyên tắc của Phong trào không liên kết sau này. Đại đa số các nước thuộc thế giới thứ ba đã khẳng định lý tưởng của chính sáchkhông liên kết. Thành công của hội nghị chứng tỏ rằng các nước có chế độ xã hội và khuynh hướng chính trị khác nhau có thể vượt qua các bất đồng nếu họ có chung nguyện vọng bảo vệ hòa bình thế giới, độc lập tự do của các dân tộc, bìnhđẳng và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia.

Sau Hội nghị Bandung, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Mỹ giật dây để lập ra các khối quân sự do Mỹ lãnhđạo, phá hoại phong trào giải phóng dân tộc. Mặc dù vậy, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vẫn đạt được những thắng lợi quan trọng: cuộc cách mạng ở Iraq thành công, một loạt các nước châu Phi giành được độc lập, đặc biệt là Ai Cập đã đánh thắng cuộc xâm lược của Anh, Pháp và Israel, quốc hữu hóa kênh đào Suez. Trước tình hình này, Ấn Độ cùng các nhà lãnhđạo của một số nước như Indonesia, Nam Tư, Ai Cập, Ghana, đã có những cuộc tiếp xúc với nhau để tìm biện pháp cụ thể nhằm thực hiện nguyện vọng chung là: đoàn kết trong các vấn đề quốc tế nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, ủng hộ các dân tộc đang đấu tranh thoát khỏi ách thực dân, không để bị lôi kéo vào các liên minh quân sự, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, tạo một môi trường quốc tế hòa bìnhđể tồn tại và phát triển [72, tr.36].

Bằng những hoạt động con thoi để thúc đẩy phong trào đoàn kết Á- Phi, tiến tới thành lập Phong trào không liên kết, tại Hội nghị đoàn kết nhân dân Á - Phi được tổ chức ở Cairo (12/1957), Ấn Độ đã cùng với 44 nước quyết định thành lập Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi (AAPSO). Tổ chức đã trở thành diễn đàn quan trọng để các phong trào giải phóng dân tộc tranh thủ đồng tình rộng rãi của quốc tế, đồng thời cũng là một tổ chức tích cực ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc về tinh thần và vật chất [59, tr.55]. Tiếp theo cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng J. Nehru, Tổng thống Nasser và Tổng thống Tito tại đảo Brioni (Nam Tư) tháng 7/1956, trong cuộc họp lần thứ 15 của của Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/1960), Thủ tướng J. Nehru tiếp tục gặp các nguyên thủ quốc gia của Ai Cập, Indonesia, Nam Tư, Ghana

để đi đến thống nhất triệu tập một hội nghị của tất cả các nước không liên kết Á, Phi, Mỹ latinh.

Tháng 6/1961, hội nghị trù bị của phong trào được tổ chức tại Cairo. Nhờ chuẩn bị chu đáo, tháng 9/1961, hội nghị cấp cao các nước không liên kết lần thứ nhất được tổ chức tại Belgrade (Nam Tư) với sự tham gia của 25 thành viên chính thức, 3 quan sát viên, 15 thành viên phong trào giải phóng dân tộc và 11 Đảng công nhân và xã hội châu Âu - Á - Phi - Mỹ latinh và một số tổ chức khác, được coi là mốc khai sinh ra Phong trào không liên kết.

Hội nghị Belgrade đãđề cập một cách toàn diện các vấn đề mục tiêu, nguyên tắc, vị trí và vai trò của Phong trào không liên kết. Tham gia tổ chức hội nghị và xây dựng chương trình nghị sự, Thủ tướng J. Nehru có những đóng góp không nhỏ về lý luận của phong trào này. Theo J. Nehru, tiêu chuẩn cơ bản của một nước không liên kết là thực hiện chính sách độc lập trên những nguyên tắc chung sống hòa bình và không liên kết, luôn ủng hộ phong trào độc lập dân tộc, không tham gia liên minh quân sự. Không liên kết không phải là trung lập một cách thụ động, mà cần phải có thái độ rõ ràng trong các vấn đề như chạy đua vũ trang, chính sách xâm lược của các nước đế quốc.

Như vậy, với tư cách là quốc gia khởi xướng và đi tiên phong, Ấn Độ có những đóng góp quan trọng cho phong trào trong giai đoạn đầu. Sự đóng góp đó gắn liền với tên tuổi của Thủ tướng J. Nehru từ ý tưởng đến sự hoàn thiện về tư tưởng, và từ tư tưởng đến hiện thực thông qua những nỗ lực hoạt động thực hiện sôi nổi. Tư tưởng đó mang ý nghĩa một sự tiếp cận có tính nguyên tắc đối với những vấn đề có tầm vóc quốc tế. Về sau, Indira Gandhi- con gái của ông, ba lần làm Thủ tướng Ấn Độ đã kế tục xuất sắc sự nghiệp của cha mình, tiếp tục đóng góp vào sự lớn mạnh của Phong trào không liên kết.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 94 - 96)