Chiến tranh Đông Dương

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 98)

Tình hình thế giới đầu những năm 50 có nhiều thay đổi quan trọng. Cùng với Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký kết ngày 27/3/1953, Chính phủ Ấn Độ

bắt đầu có những hoạt động tích cực nhằm góp phần chấm dứt chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương. Tháng 12/1953, Thủ tướng J. Nehru tuyên bố: “Chính phủ không cho phép sự có mặt của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ấn Độ trong bất cứ hoàn cảnh nào; chấm dứt việc sử dụng sân bay của Ấn Độ để vận chuyển vũ khí và binh lính Pháp sang Đông Dương qua không phận Ấn Độ” [35, tr.68]. Tiếp đó, ngày 22/4/1954, tại Hạ viện Ấn Độ, J. Nehru đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Có thể nói, lời tuyên bố và kêu gọi trên đánh dấu bước chuyển biến đáng kể của Ấn Độ trong nỗ lực của mình nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương.

Đi xa hơn, J. Nehru và Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành một loạt hoạt động, kiên trìđấu tranh nhằm lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 24/4/1954, trước Hạ viện Ấn Độ, J. Nehru đưa ra tuyên bố về tình hình Đông Dương, trong đó nêu lên nhận định về những diễn biến ở khu vực này từ năm 1940- 1950 và về cuộc chiến tranh xâm lược lầnthứ hai của Pháp. Trong phần cuối tuyên bố, J. Nehru đưa ra đề nghị hòa bình 6 điểm. Đề nghị này được coi là cơ sở của “Đề nghị Colombo về Đông Dương” được những người đứng đầu chính phủ 5 nước: Ấn Độ, Sri Lanca, Pakistan, Indonesia, Miến Điện đưa ra ngày 2/5/1954 [37, tr.25]. Một trong 6 điểm được nêu ra tại Hội nghị Colombo là các cường quốc không được can thiệp vào công việc nội bộ Đông Dương. Hội nghị ra tuyên bố cuối cùng đề nghị ngừng bắn lập tức ở Đông Dương và tiến hành đàm phán trực tiếp giữa các bên tham chiến có các cường quốc Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô, Anh chứng kiến.

Khi Hội nghị Geneve về Đông Dương được tổ chức (từ ngày 8/5/1954), những nhà lãnhđạo Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm mong muốn hiệp nghị được ký kết, hòa bình được lập lại. Phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ ngày 15/5/1954, J. Nehru đã khẳng định: “những vấn đề lớn hiện đang được xem xét ở Geneve, vấn đề Triều Tiên và vấn đề Việt Nam, là những vấn đề của châu Á… thật ra thì chúng ta còn liên quan mật thiết hơn nữa với vấn đề Đông Dương vì về địa lý, ta ở gần Đông Dương hơn” [37, tr.26]. Nhận thấy rõ vai trò,ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới, Ấn Độ cũng có nhiều cuộc gặp gỡ nhằm tranh thủ lẫn nhau, đồng thời cũng mong có tiếng nói, vị trí ở châu Á và thế giới của hai nước. Vào

cuối tháng 6/1954, trong thời gian tạm dừng của Hội nghị Geneve, J. Nehru đã có cuộc gặp với Chu Ân Lai vào ngày 26/6/1954 tại Delhi, cùng những cuộc gặp với các lãnhđạo quốc gia khác để đi đến thống nhất nhằm ngăn cản sự quốc tế hóa về cuộc xung đột trên bán đảo Đông Dương. Kết quả của cuộc hội đàm J. Nehru - Chu Ân Lai là cơ sở của Năm nguyên tắc chung sống hòa bình nổi tiếng sau này. Điều đó, dĩ nhiên đã làm tăng thêm “sức mạnh châu Á” tại Hội nghị.

Ấn Độ cử đại sứ V.K. Krishna Menon tại Liên hợp quốc đến Hội nghị Geneve để trình bày quan điểm của châu Á về tình hình bán đảo Đông Dương (Ấn Độ không được mời tham gia vào Hội nghị này). K. Menon đã có nhiều cuộc gặp gỡ với lãnhđạo các đoàn đại biểu của hội nghị và đưa ra những đề nghị tích cực. Trên thực tế, Ấn Độ có đóng góp xứng đáng vào thành công của Hội nghị Geneve về Đông Dương dù không phải là thành viên chính thức của hội nghị. Ấn Độ đãđề nghị Liên Xô và Anh làm đồng Chủ tịch Hội nghị Geneve về Đông Dương. Ấn Độ được Trung Quốc cam kết sẽ không can thiệp vào tình hình của Lào và Campuchia, đồng thời Ấn Độ cũng được Anh, Pháp và Trung Quốc cam kết sẽ không để cho Hoa Kỳ thiết lập các căn cứ quân sự ở hai quốc gia này.

Đêm ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bìnhở Đông Dương được ký kết. Về hình thức, Ấn Độ không tham gia, song đã có đóng góp to lớn vào công việc của hội nghị. Vai trò quan trọng của Ấn Độ trong cuộc đàm phán lớn đến mức mà Thủ tướng Pháp Pierre Mendes - France gọi Hội nghị Geneve là: “Cuộc hội nghị của 10 bên - 9 ở bàn làm việc - và Ấn Độ” [81, tr.154]. Cũng bởi lập trường được coi là trung lập của mình, dođược Trung Quốc đề xuất, Ấn Độ đãđược bổ nhiệm làm Chủ tịch của Ủy ban quốc tế (gồm cả Ba Lan và Canada) kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Geneve về Đông Dương, với công việc giám sát nhập khẩu vũ khí nước ngoài vào Lào, Campuchia và Việt Nam. Điều đó chẳng những xác nhận uy tín quốc tế cao mà còn ghi nhận đóng góp của Ấn Độ vào thành công của Hội nghị Geneve năm 1954. Vào thời điểm đó, nguy cơ Trung Quốc can thiệp vào Đông Dương, những viện trợ tăng cường của Hoa Kỳ dành cho thực dân Pháp, ý đồ đưa vũ khí hạt nhân vào sử dụng ở chiến trường Đông Dương của thực dân Pháp đều bị ngăn chặn.

Ngày 25/8/1954, trong tuyên bố trước Hạ viện Ấn Độ về kết quả của hội nghị quốc tế này, J. Nehru nói: “Chúng ta gửi đến nhân dân Đông Dương những lời chúc mừng chân thành, nồng nhiệt và nhiều hy vọng về hòa bình, thống nhất và thịnh vượng. Nhờ giải phóng Đông Dương mà châu Á tăng thêm hòa bình và sự ổn định” [35, tr.69]. Thái độ của chính phủ Ấn Độ với vấn đề Đông Dương được J. Nehru khẳng định trong tuyên bố ngày 27/9/1954 là: “Phương châm chính thức của chúng ta là nỗ lực cho hòa bình ở Đông Dương. Chúng ta sẽ dùng tất cả trí não, lòng kiên nhẫn và tinh thần cương quyết để thực hiện nhiệm vụ đó” [37, tr.26-27]. Như vậy, chính sách đối ngoại của Chính phủ Ấn Độ và Thủ tướng J. Nehru trong quá trình vận động chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương là phù hợp với ý nguyện của nhân dân Ấn Độ, nhờ đó giúp sức vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, châu Á và thế giới.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc của cộng hòa ấn độ trong giai đoạn 1950 1964 (full) (Trang 98)