Trong cuộc sống cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào đều tiềm ẩn khả năng xảy ra những sự việc mà chúng ta không mong đợi, không thể tránh khỏi hoàn toàn, người ta gọi đó là rủi ro. Rủi ro có thể được hiểu là một thuật ngữ
dùng để chỉ khả năng xảy ra những biến cố bất thường với hậu quả thiệt hại và mang lại kết quả không mong đợi.
Con người không thể biết chắc chắn rủi ro có xảy ra hay không, không định lượng được rủi ro, bởi rủi ro là sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, không chắc chắn, không thể đoán trước được và không xác định trước được thiệt hại. Chỉ khi nào rủi ro xảy ra người ta mới tính toán được mức độ thiệt hại do nó gây ra, đôi khi con số thống kê chỉ mang tính chất tương đối vì rủi ro không chỉ là thiệt hại về vật chất - những thứ mà con người có thể đo đếm được, mà còn gây ra thiệt hại về tinh thần…
Hiểu theo nghĩa thông thường thì rủi ro là hậu quả hoặc tổn thất có thể xảy ra trong tương lai đối với các chủ thể có liên quan mà nguyên nhân là những sự kiện phát sinh trong thực tế. Sự kiện phát sinh (nguyên nhân của hậu quả, tổn thất) có thể do ý chí chủ quan của những người tham gia, cũng có thể từ khách quan.
Theo quan điểm hiện đại (Chuẩn mực quốc tế ISO/IEC Guide 73 hướng dẫn về quản lý rủi ro) thì “Rủi ro là sự kết hợp của một sự kiện có thể xảy ra mà hệ quả của nó mang lại lợi ích hoặc gây ra tổn thất”. Ở các lĩnh vực hoạt động đặt ra mức độ an toàn thì hệ quả rủi ro gây ra chỉ là mặt bất lợi, vì vậy quản lý rủi ro gây ra trong lĩnh vực này thường tập trung vào việc phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại mà rủi ro có thể gây ra. Rủi ro về thuế thuộc nhóm này.
Có thể thấy rủi ro là một phạm trù trừu tượng và không biết chắc được mức độ ảnh hưởng của nó tới cuộc sống của con người. Vì vậy, các nhà quản lý cần nghiên cứu nội dung cũng như tác động của rủi ro trong các lĩnh vực cụ thể để có các biện pháp xử lý phù hợp. Mỗi lĩnh vực khác nhau đều có những rủi ro khác nhau, do đó cách thức nghiên cứu cũng khác nhau. Các nhà quản lý phải nghiên cứu cụ thể từng loại rủi ro tiềm ẩn trong các lĩnh vực hoạt động của mình để có thể đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng đến từng hoạt động.
Tóm lại, từ những phân tích trên có thể khái quát khái niệm rủi ro như sau: Rủi ro là một sự kiện hoặc một điều kiện không chắc chắn nếu xảy ra sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực (hoặc tích cực) đến mục tiêu hoạt động.
Căn cứ vào mỗi loại rủi ro khác nhau mà có các cách thức quản lý rủi ro tương ứng. Có một số khái niệm về quản lý rủi ro của các nhà khoa học quản lý được đưa ra như sau:
- Quản lý rủi ro là quy trình quản lý có hệ thống và tính chu kỳ theo nguồn nhân lực, vật lực được phân bố để triển khai giải quyết rủi ro nhằm hạn chế tối đa tổn thất.
- Quản lý rủi ro là một quá trình theo đó các yếu tố rủi ro được xác định, phân tích, đánh giá (phân loại) để có phương án giải quyết một cách có hệ thống nhằm tối đa khả năng xảy ra khi hệ quả có tính tích cực hoặc giảm thiểu khả năng xảy ra khi hệ quả có tính tiêu cực.
- Quản lý rủi ro là quá trình thực hiện các biện pháp để giải quyết những rủi ro phát sinh gắn với hoạt động của mình theo mục tiêu đạt được lợi ích bền vững trong mỗi hoạt động và trong tất cả các hoạt động có liên quan khác.
- Quản lý rủi ro là quá trình lựa chọn thực hiện giải pháp hiệu quả, giảm thiểu chi phí và nguy cơ xấu đe dọa đến thành công.
Từ các khái niệm trên, ta có thể khái quát khái niệm về quản lý rủi ro như sau: Quản lý rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro.