- Thông tin thu thập từ
= Tổng doanh thu thuần
4.1.1.2. Những khó khăn – thách thức
Với sự hội nhập vào kinh tế toàn cầu, hàng rào thương mại bị tháo dỡ và sự di chuyển vốn quốc tế gia tăng trong khi năng lực quản lý thuế còn hạn chế và nguồn thu của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tức là phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại quốc tế. Điều này dẫn đến việc bắt buộc phải bù đắp nguồn thu giảm sút từ hoạt động thương mại quốc tế bằng nguồn thu từ hệ thống thuế nội địa. Những điều chỉnh chính sách này một mặt mang lại những thuận lợi cho quản lý thuế, song mặt khác cũng tạo ra những khó khăn cho quản lý thuế. Chuyển hướng thu ngân sách của Nhà nước cũng luôn đi kèm với chuyển hướng hoạt động kinh doanh của các DN. Quá trình chuyển hướng liên tục này sẽ tạo ra những khó khăn cho việc thu thập và đánh giá thông tin về DN phục vụ cho hoạt động phân tích rủi ro. Thêm vào đó, cùng với việc mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế quốc tế, các DN nước ngoài đến đầu tư và tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam ngày càng nhiều. Cùng với những lợi ích mà các DN này mang lại cho nền kinh tế Việt Nam thì những bất lợi và những thách thức gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ ở Việt Nam cũng không nhỏ. Hoạt động chuyển giá của
các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho công tác thanh tra người nộp thuế ở Việt Nam.
Sự cạnh tranh thuế trong quá trình thu hút vốn ngày càng gia tăng trong bối cảnh vốn tự do chu chuyển. Việc gia tăng cạnh tranh thuế cũng đòi hỏi CQT phải tham mưu để có một chính sách thuế tốt, đồng thời, phải thực hiện công tác quản lý thuế sao cho vừa chặt chẽ, lại phải vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một thách thức đối với hoạt động thanh tra người nộp thuế nói chung và đối với hoạt động ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào thanh tra thuế nói riêng.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế cũng gia tăng mạnh mẽ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân là những lĩnh vực phát triển mạnh nhất trong những năm qua và sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cùng với sự gia tăng đầu tư, số lượng các DN cũng tăng lên nhanh chóng, các mối quan hệ kinh tế cũng trở nên ngày một đa dạng và phức tạp. Thêm vào đó, quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường là sự biến động liên tục của các DN trong nền kinh tế. Những DN mới liên tục được ra đời khi người dân có nhu cầu thành lập pháp nhân để tiến hành hoạt động kinh doanh. Những DN làm ăn không hiệu quả bị giải thể, phá sản cũng thường xuyên diễn ra. Ngoài ra, rất nhiều người kinh doanh không chân chính, tổ chức thành lập những DN “ma” chỉ để trốn thuế, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân cũng đã, đang và sẽ tiếp diễn. Những yếu tố này gây ra rất nhiều khó khăn thách thức cho quản lý thuế. Tình hình này vừa đặt ra yêu cầu phải tăng cường áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế với DN, đồng thời, cũng đặt ra những khó khăn không nhỏ cho việc áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế đối với DN do sự biến động thông tin và tình trạng thông tin phi chính thức gia tăng.
Mức lương của cán bộ, công chức nhà nước ở Việt Nam còn thấp. Lương của công chức thuế cũng nằm trong tình trạng như vậy. Tình hình này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân sau:
Quy mô của nền kinh tế nhỏ và năng suất lao động thấp nên thu ngân sách thấp trong khi đó mọi nhu cầu chi tiêu đều rất lớn, tỷ lệ chi ngân sách dành cho lương công chức cũng vì thế bị hạn chế; cơ chế tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức trong một thời gian dài trước đây không hợp lý dẫn đến bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả, vừa thừa vừa thiếu – thừa nhiều người không có năng lực và kỹ năng, thiếu người thực sự làm được việc. Muốn giải quyết triệt để vấn đề thu nhập của công chức phải giải quyết được bài toán biên chế và cơ chế tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức. Bài toán này không thể giải được trong một sớm một chiều. Như vậy, có thể thấy, trong tương lai gần thu nhập của công chức nói chung và công chức thuế nói riêng vẫn là một vấn đề chưa có lời giải. Thu nhập không được đáp ứng thỏa đáng và hợp lý thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề như: động lực lao động, tính liêm chính.... Đây chính là yếu tố tác động đến quản lý thuế nói chung và đến áp dụng quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra thuế đối với DN nói riêng.