Hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữcho trẻ 5-6 tuổi tại các trường mẫu giáo

Một phần của tài liệu ĐẠI học đà NẴNG (Trang 28 - 29)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3. Hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữcho trẻ 5-6 tuổi tại các trường mẫu giáo

mẫu giáo

1.3.1. Đặc điểm tâm sinh lý của trẻ 5-6 tuổi

Đặc điểm phát triển thể chất

Đây là giai đoạn trẻ tăng trưởng nhanh cả về cân nặng và chiều cao. Tốc độ tăng trưởng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên trong cũng như bên ngoài: yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng, bệnh tật, môi trường sống của trẻ... lứa tuổi trẻ phát triển rất nhanh về hình thái và hoàn thiện chức năng các cơ quan, đồng thời trẻ rất nhạy cảm với các yếu tố thuận lợi cũng như bất lợi tác động đến bản thân [15, tr 121].

Để theo dõi và điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của trẻ, cần phải căn cứ vào biểu đồ tăng trưởng của trẻ theo công bố của WHO năm 2007; phấn đấu giữ cho trẻ có tốc độ tăng trưởng nằm trong kênh A. Đây là giai đoạn mà trẻ đang bước đầu hình thành những thói quen hành vi cơ bản. Do đó, trong quá trình giáo dưỡng, GV và các bậc cha mẹ trẻ cần kiên trì dạy và rèn luyện cho trẻ những thói quen, hành vi cần thiết; Từng bước nâng cao sự khéo léo trong việc phối hợp các hoạt động của các bộ phận cơ thể, đặc biệt là khả năng linh hoạt của chân, tay và khả năng biểu đạt nhận thức của trẻ bằng ngôn ngữ [20, tr.191].

Đặc điểm phát triển nhận thức

Theo Nguyễn Ánh Tuyết (2014), quá trình phát triển nhận thức của trẻ 5-6 tuổi là sự phát triển nối tiếp của giai đoạn 4-5 tuổi với các hiện tượng tâm lý như: tri giác, trí nhớ, tưởng tượng. Ở mức độ cao hơn, thể hiện ở các điểm như: Mức độ phong phú của các kiểu loại nhận thức; mức độ chủ định các quá trình tâm lý rõ ràng, có ý thức hơn; tính mục đích hình thành và phát triển ở mức độ cao hơn; độ nhạy cảm của các giác quan tinh nhạy hơn; Khả năng kiềm chế các phản ứng tâm lý phát triển.

Đặc điểm phát triển ngôn ngữ

Đối với trẻ từ 5-6 tuổi, các hình thức ngôn ngữ có kết cấu chặt chẽ được hình thành, tính biểu cảm của ngôn ngữ được phát triển. Chức năng điều khiển của ngôn ngữ được phát triển, biểu hiện ở việc hiểu các tác phẩm văn học, sự thực hiện hướng dẫn và yêu cầu của người lớn. Chức năng lập kế hoạch của ngôn ngữ được hình thành khi giải quyết các nhiệm vụ thực hành và nhiệm vụ trí tuệ. Ngôn ngữ của trẻ trở thành hoạt động đặc biệt dưới các hình thức như: sự lắng nghe, đàm thoại, thảo luận và kể chuyện. Theo Nguyễn Ánh Tuyết (2014), những biểu hiện cụ thể của quá trình phát triển ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ từ 5-6 tuổi thể hiện ở các hướng: Trẻ nắm vững ngữ âm và ngữ điệu khi sử dụng tiếng mẹ đẻ (biết đọc diễn cảm, biết dùng điệu bộ bổ sung cho ngôn ngữ nói); vốn từ và cơ cấu ngữ pháp phát triển. Ngôn ngữ trẻ giai đoạn mang các tính chất đặc trưng:

(i) Ngôn ngữ giải thích: trẻ có nhu cầu nhận sự giải thích và cũng thích giải thích cho các bạn;

(ii) Ngôn ngữ tình huống (hoàn cảnh) do giao tiếp với người xung quanh bằng những thông tin mà trẻ trực tiếp tri giác được trong khung cảnh;

(iii) Trẻ có thể diễn đạt mạch lạc, do vốn từ danh từ chiếm 50% nên câu nói của trẻ thường ngắn gọn, rõ ràng;

(iv) Tính địa phương trong ngôn ngữ nền văn hóa của địa phương, cộng đồng thể hiện rõ trong ngôn ngữ của trẻ (nói ngọng, nói mất dấu...);

(v) Tính cá nhân bộc lộ rõ qua các sắc thái khác nhau của trẻ, đặc biệt ở chức năng ngôn ngữ biểu cảm.

Đặc điểm phát triển tự ý thức

Trẻ từ 5-6 tuổi bắt đầu hiểu được mình là người như thế nào, có những phẩm chất gì, những người xung quanh đối xử với mình ra sao, tại sao mình lại có hành động này hay hành động khác... Sự tự ý thức (ý thức bản ngã) được thể hiện rõ nhất trong sự tự đánh giá về thành công hay thất bại của mình, về những ưu điểm hay khuyết điểm của bản thân, về những khả năng và cả sự bất lực. Ngoài ra, nó còn được biểu hiện rõ trong sự phát triển giới tính của trẻ. Ở tuổi này, trẻ không chỉ nhận ra mình là trai hay gái mà còn biết rõ ràng nếu mình là trai hay gái thì hành vi phải thể hiện như thế nào cho phù hợp với giới tính của mình. Sự tự ý thức được xác định rõ ràng giúp trẻ điều khiển và điều chỉnh hành vi phù hợp với các chuẩn mực và quy tắc xã hội, từ đó mà hành vi của trẻ mang tính xã hội, tính nhân cách đậm nét hơn trước.

Đặc điểm giao tiếp

Giao tiếp của trẻ Mẫu giáo là quá trình tiếp xúc tâm lý của trẻ với những người khác nhằm mục đích truyền đạt, tiếp nhận, trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm và hành động của trẻ với các chủ thể qua việc hiểu ngôn ngữ và diễn đạt ngôn ngữ bằng lời nói, nét mặt, cử chỉ và điệu bộ. Thông qua giao tiếp, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển..

Ở trẻ Mẫu giáo có 4 hình thức giao tiếp được thay thế nhau: giao tiếp nhân cách tình huống, giao tiếp công việc tình huống, giao tiếp nhận thức ngoài tình huống và giao tiếp nhân cách ngoài tình huống. Ở cuối giai đoạn tuổi Mẫu giáo đã xuất hiện hình thức giao tiếp nhân cách ngoài tình huống với người lớn. Trẻ tập trung vào “thế giới con người” chứ không phải thế giới đồ vật. Trong các cuộc trò chuyện của trẻ, các chủ đề về cuộc sống, về công việc của người lớn và các mối quan hệ qua lại của họ chiếm ưu thế chứ không phải là các đồ vật hay các động vật và thiên nhiên. Nhờ sự hướng dẫn của người lớn, trẻ nắm được những chuẩn mực đạo đức, đánh giá những hành vi của mình và hành vi của mọi người xung quanh. Trẻ biết đòi hỏi mọi người công nhận thành tích của bản thân, vạch ra sự thất bại của trẻ khác và giấu giếm những thất bại của bản thân. Trẻ thường hay kể về bản thân, về cái gì trẻ thích và không thích, chúng chia sẻ với bạn các nhận thức, “kế hoạch cho tương lai”.

Một phần của tài liệu ĐẠI học đà NẴNG (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)