7. Cấu trúc của luận văn
3.1.5. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi
Tính khả thi là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá được hiệu quả của một biện pháp quản lý được đưa ra, để đảm bảo tính khả thi đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng của chủ thể quản lí, giúp cho việc áp dụng các biện pháp vào thực tiễn một cách thuận lợi, có hiệu quả thiết thực. Các biện pháp đề xuất cần phát huy được các ưu điểm sẵn có, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lí hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo ở các trường mẫu giáo ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Tính khả thi yêu cầu các biện pháp quản lí phải được xây dựng theo quy trình khoa học, đảm bảo chính xác, phù hợp đối tượng, điều kiện; chú trọng đến các yêu cầu thống nhất trong quản lí giáo dục; đảm bảo tốt cho việc xây dựng môi trường vật chất và môi trường tâm lý để phát triển ngôn ngữ cho trẻ; có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Nguyên tắc này đòi hỏi các biện pháp đưa ra phải dựa trên cơ sở thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Bắc Trà my, tỉnh Quảng Nam và có khả năng vận dụng trong quá trình quản lý. Các biện pháp quản lý phải đi đến đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi tại các trường mẫu giáo, trẻ đạt được các mục tiêu về ngôn ngữ cuối độ tuổi và giúp trẻ phát triển toàn diện. Để đảm bảo tính khả thi của biện pháp cần tránh đưa ra các biện pháp xa rời thực tiễn; tránh áp đặt các ý kiến chủ quan; phải căn cứ vào tình hình cụ thể, căn cứ vào các mục tiêu cụ thể của nhà trường đề tiến hành, đề xuất biện pháp cho phù hợp và đạt được mục đích đề ra. Trong quá trình thực hiện, hiệu trưởng cần cân nhắc và tham mưu với lãnh đạo ngành, địa phương, các đoàn thể trong nhà trường để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong trường mẫu giáo cũng như trong ngành giáo dục mầm non huyện Bắc Trà My để đảm bảo các biện pháp được thực hiện có hiệu quả và thành công.