Tiến bộ công nghệ

Một phần của tài liệu NĂNG SUẤT HỢP TÁC TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ (Trang 26 - 32)

Trong mỗi thời kỳ công nghiệp hóa, một số tiến bộ công nghệ quan trọng có tác động đặc biệt đến tăng năng suất. Bresnahan, T. F và đồng nghiệp gọi các tiến bộ công nghệ quan trọng này là các “công

nghệ có tính toàn cầu” (General Purpose Technologies, GPTs). Đây là

các công nghệ cho phép sự xuất hiện các cơ hội mới về tăng trưởng năng suất [Bresnahan, T. F.; Trajtenberg, M. (1995) General purpose

technologies „Engines of growth‟? In Journal of Econometrics 65 (1), pp. 83-108].

Bresnahan, T. F cho rằng một GPT nên có các đặc điểm sau: có sức lan tỏa trong các lĩnh vực khác nhau; có thể được phát triển theo thời gian; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới.

GPTs có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và tăng trưởng kinh tế mang tính chất toàn cầu. Động cơ hơi nước, điện khí hóa là các GPTs có vai trò quan trọng trong quá khứ, trong khi đó, các chất bán dẫn và máy tính là các GPTs có vai trò quan trọng trong thời đại hiện nay.

GPTs được đặc trưng bởi tính phổ biến, tính tiềm năng để cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ mang tính “cách mạng” (Hình 1.3). GPTs có thể mang lại lợi nhuận gia tăng cao, lan tỏa rộng khắp mọi lĩnh vực kinh tế, mang lại hiệu quả tăng năng suất tổng quát.

Qua đó, 03 tiến bộ công nghệ có tác động đặc biệt đến việc tăng năng suất trong các cuộc cách mạng công nghiệp. Cụ thể như sau:

- Động cơ hơi nước là hiện thân của bước đột phá công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên vào thế kỷ XVIII. Với việc sử dụng năng lượng hơi nước, máy móc đã được đưa vào sản xuất, cho phép cơ giới hóa nền kinh tế. Với mức độ cơ giới hóa cao, nền kinh tế nói chung đã đạt được “năng suất” cao hơn. [Allen, R. C. (2006) The British Industrial Revolution in Global Perspective. How Commerce Created The Industrial Revolution and Modern Economic Growth. Nuffield College]

- Một trong những yếu tố chính thúc đẩy công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai là việc sử dụng điện rộng rãi. Điện khí hóa là động lực cho sản xuất hàng loạt và có tác động đáng kể đến năng suất của nền kinh tế vào đầu thế kỷ XX [Jorgenson, D. W (1984) The Role of Energy in Productivity Growth. In The American Economic Review 74 (2), pp. 26-30].

- Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 tập trung vào sự chuyển đổi từ công nghệ analog sang công nghệ số và còn được gọi là cuộc cách mạng kỹ thuật số. Một động lực công nghệ đằng sau cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 là phát minh ra các mạch tích hợp cho phép tăng sức mạnh tính toán và giảm chi phí liên tục và theo hàm mũ. Điều này dẫn đến sự thích ứng rộng rãi của ngành công nghệ thông tin và có tác động đáng kể đến sự tăng trưởng của hiệu quả kinh tế cho đến ngày hôm nay [Rai, L.; Lal, K. (2000) Indicators of the information revolution. In Technology in Society 22 (2), pp. 221-235].

GPTs, như động cơ hơi nước, điện khí hóa hoặc công nghệ thông tin… thường là những yếu tố hết sức quan trọng tác động trực tiếp đến tăng trưởng năng suất. Tuy nhiên, GPTs cũng là các yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp.

Ví dụ, động cơ hơi nước cho phép thay thế phương thức tổ chức sản xuất theo lao động thủ công thành máy móc; điện khí hóa cho phép thay thế phương thức tổ chức sản xuất máy móc sang sản xuất hàng loạt [Davis, P. A (1990) The dynamo and the computer. In The American Economic Review 80 (2), pp. 355-361] (Hình 1.4).

Hình 1.4. Ví dụ về đổi mới phương thức tổ chức ảnh hưởng bởi công nghệ

Tốc độ chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất thường không thể bắt kịp tốc độ tiến bộ công nghệ, do đó năng suất tổng thể thường tăng ít hơn so với dự kiến [Papp, R. (1999) Business-IT alignment: productivity paradox payoff? In Industrial Management & Data Systems 99 (8), pp. 367-373].

Sự khác biệt này được gọi là “nghịch lý năng suất” (Productivity Paradox), trong đó sự phát triển vượt bậc theo cấp số nhân của công nghệ thông tin không tương ứng với sự tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung [Brynjolfsson, E. (1993) The productivity paradox of information technology. In Communications of the ACM 36 (12), pp. 66-77].

“Nghịch lý năng suất” đề cập đến sự “chậm lại” trong tăng trưởng năng suất ở Mỹ trong những năm 1970-1980, mặc dù có sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở giai đoạn đó. Tăng trưởng năng suất đã chậm lại ở cấp độ của toàn bộ nền kinh tế Mỹ, và trong các lĩnh vực cụ thể được đầu tư nhiều vào công nghệ thông tin, có những tiến bộ mạnh mẽ về công nghệ máy tính.

Xu hướng tương tự đã được nhìn thấy ở nhiều quốc gia khác [Dewan, Sanjeen; Kraemer, Kenneth L. (1998). "International dimensions of the productivity paradox". Communications of the ACM. 41 (8): 56-62]. Trong khi khả năng tính toán của nước Mỹ đã tăng gấp trăm lần vào những năm 1970-1980, tăng trưởng năng suất lao động đã chậm lại từ hơn 3% trong những năm 1960 lên khoảng 1% trong những năm 1980 [Jones, Spencer S.; et al. (2012). "Unraveling the IT Productivity Paradox-Lessons for Health Care". New England Journal of Medicine. 366 (24): 2243-2245].

Những nguyên nhân để giải thích cho vấn đề “nghịch lý năng suất” này vẫn đang được các chuyên gia nghiên cứu. Từ “nghịch lý năng suất”, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi đầu tư vốn, tri thức, kiến thức cần thiết để thích ứng với công nghệ mới mà còn cần đầu tư về thời gian [Greenwood, J. (1999) The Third Industrial Revolution. Technology, Productivity, and Income Inequality. In American Enterprise Institute for Public Policy Research. ISBN: 0-8447-7093-0].

Do đó, khi có sự xuất hiện của tiến bộ công nghệ mới, tốc độ tăng trưởng năng suất thường “bị trì hoãn”, không tăng tương ứng với tiến

bộ công nghệ mới. Hình 1.5 hiển thị sự tăng trưởng năng suất cho nền kinh tế Mỹ và sau phát minh về điện khí hóa và công nghệ thông tin. Mỹ cần rất nhiều thời gian để đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất sau khi xuất hiện các GPTs này. Đặc biệt, đối với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, tốc độ tăng năng suất của Mỹ không những không tăng mà còn giảm, sau đó mới tăng trở lại vào cuối thiên niên kỷ. [Jovanovic, B.; Rousseau, P. L (2005) General Purpose Technologies National Bureau of Economic Research (Working Paper Series #11093)]. Đó chính là hiện tượng điển hình về “nghịch lý năng suất”.

Hình 1.5. Tăng trưởng năng suất lao động hàng năm của Mỹ (giai đoạn 1874-2003)

Nguồn: [Schuh, G., Potente, T., Varandani, R., Hausberg, C., Fränken, B.: Collaboration moves productivity to the next level. Procedia CIRP

17, 3-8 (2014) 3]

Tuy nhiên, việc tăng năng suất có thể không dẫn đến sự tác động đối với tăng trưởng kinh tế. Bằng chứng về kinh tế lượng ở cấp độ doanh nghiệp cho thấy: lợi ích của đầu tư công nghệ thông tin thường “vô hình” và khó đo lường một cách tương xứng.

Phân tích của Brynjolfsson, E và cộng sự cho thấy mối liên hệ giữa công nghệ thông tin và tăng năng suất đã xuất hiện trước khi có sự gia tăng về năng suất và sự phục hồi kinh tế vĩ mô hiện tại. Đây là

sự phản ánh đóng góp của vốn vô hình tích lũy do đầu tư công nghệ thông tin trong quá khứ. [Brynjolfsson, E.; Hitt, L. M (2000) Beyond Computation: Information Technology, Organizational Transformation and Business Performance. In The Journal of Economic Perspectives 14 (4), pp. 23-48].

Tương tự, Evangelista, R và Vezzani tìm thấy bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp thực hiện đồng thời cả đổi mới công nghệ và phương thức tổ chức sản xuất có lợi thế lớn về mặt thương mại [Evangelista, R.; Vezzani, A. (2010) The economic impact of technological and organizational innovations. A firm-level analysis. In Research Policy 39 (10), pp. 1253-1263].

Một phần của tài liệu NĂNG SUẤT HỢP TÁC TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)