Về sản xuất thông minh

Một phần của tài liệu NĂNG SUẤT HỢP TÁC TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ (Trang 141 - 142)

Sản xuất thông minh là một giải pháp quản lý sản xuất hoàn chỉnh. Quá trình sản xuất được đặc trưng bởi việc áp dụng rộng rãi các thiết bị thông minh và thay thế lao động của con người bằng robot. Máy móc và thiết bị sẽ tự động thu thập dữ liệu liên quan đến sản xuất và kiểm soát chất lượng. Đơn vị bán hàng và nhà cung cấp sẽ được kết nối với hệ thống, sau đó họ sẽ được nhận báo cáo về thông tin và chi tiết làm việc để thực hiện các yêu cầu đặt hàng. Có 04 yếu tố về sản xuất thông minh trong doanh nghiệp:

- Yếu tố 1: Quản lý tinh gọn

Quá trình đồng bộ và liên tục được áp dụng cho dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Dây chuyền được chuẩn hoá theo nguyên tắc JIT (Just in time), đáp ứng nhu cầu cho các đơn đặt hàng tùy chỉnh hàng loạt. Doanh nghiệp thực hiện việc cắt giảm sự thừa thãi, chất thải liên quan đến sản xuất, đồng thời giảm thiểu thời gian lưu trữ và tỷ lệ hàng tồn kho. Cụ thể, doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất ổn định; sản xuất đồng bộ và liên tục; hệ thống sản xuất cung cấp sự linh hoạt đối với tất cả các quy trình (từ nhận đơn hàng đến vận chuyển sản phẩm).

- Yếu tố 2: Sản xuất thông minh

Sản xuất thông minh cho phép dữ liệu được liên kết trực tiếp với máy móc thông qua việc trang bị các cảm biến tự động, qua đó thu thập dữ liệu sản xuất và thực hiện quy trình báo cáo theo thời gian thực. Các thông số thiết bị được tự động điều chỉnh theo nhu cầu, do đó có thể đạt được trạng thái sản xuất tự động, chuyển đổi hoặc thay đổi các mô-đun, dây chuyền sản xuất. Yếu tố sản xuất thông minh được thực hiện thông qua: quản lý đơn hàng tùy chỉnh (đảm bảo tính minh bạch thông tin về tình trạng đơn hàng qua tất cả các giai đoạn từ nhận đơn hàng, mua nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển sản phẩm); tự động liên lạc giữa máy với máy (các máy tự động trao đổi với nhau

và đưa ra các quyết định liên quan đến sản xuất, từ đó tự động cấu hình các tham số sản xuất và hoàn thành việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất); phối hợp máy tự động nhằm thực hiện xử lý tự động, phát hiện, phản hồi và cảnh báo với cấu hình tham số tự động; xử lý vật liệu (nguyên liệu thô được tự động xử lý và sẽ tự động được tải và chuyển sang quy trình tiếp theo).

- Yếu tố 3: Dịch vụ thông minh

Dữ liệu bán hàng được cung cấp cho các nhà cung cấp và đối tác kinh doanh. Các nhà cung cấp nhận được thông tin thị trường theo thời gian thực và thực hiện việc lên lịch các hoạt động sản xuất, tiếp thị phù hợp. Mô hình dịch vụ tiếp thị và sản xuất tích hợp dựa trên chuỗi cung ứng có thể dự báo nhu cầu trong tương lai thông qua: hoạt động hợp tác và sản xuất trong doanh nghiệp; hoạt động giữa khách hàng và doanh nghiệp; hoạt động về nhu cầu thị trường.

- Yếu tố 4: Đánh giá hiệu suất

Doanh nghiệp đặt ra các mục tiêu trung và dài hạn phù hợp với tầm nhìn của doanh nghiệp và chuyển các mục tiêu đó thành một kế hoạch hành động hàng năm. Các chỉ số KPI được sử dụng để liên kết các mục tiêu của doanh nghiệp với giá trị của từng bộ phận, qua đó cho phép phân tích và cải thiện hiệu suất theo thời gian thực. Văn hóa thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp cần phải được thiết lập để phát triển và khuyến khích hiệu quả đầu ra của nhân viên. Đánh giá hiệu suất của doanh nghiệp thông qua: hệ thống báo cáo chỉ số KPI (được thiết lập như một công cụ để đánh giá sản lượng và giá trị của doanh nghiệp và các bộ phận trong doanh nghiệp); theo dõi sự tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người trong doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu NĂNG SUẤT HỢP TÁC TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ (Trang 141 - 142)