Xã hội ngày nay đang diễn ra chuyển đổi số. Chuyển đổi số hứa hẹn sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra hiệu quả và cải thiện các dịch vụ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn cũng như nâng cao phúc lợi xã hội. Nhưng những cơ hội này sẽ không tự nhiên trở thành hiện thực mà đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách chương trình hành động để chuyển đổi số nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số của các doanh nghiệp với những mô hình công nghệ và kinh doanh mới là nguyên nhân giúp một số doanh nghiệp thành công, bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sẽ thất bại và tụt hậu. Công nghệ số vẫn chưa phổ biến toàn diện ở các quốc gia trên thế giới. Ngày nay, một số doanh nghiệp có thể sử dụng mạng băng thông rộng tốc độ cao với các công cụ và ứng dụng số (như: hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, phân tích dữ liệu lớn…) để nâng cao năng suất, tuy nhiên, đã xuất hiện sự chênh lệch đáng kể về trình độ giữa các quốc gia trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số.
Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ số ban đầu chỉ được thực hiện ở một số doanh nghiệp hàng đầu, sau đó sẽ lan tỏa đến các doanh nghiệp khác vì các công nghệ này càng ngày phổ biến hơn với giá thành giảm. Việc áp dụng công nghệ số phụ thuộc vào một loạt các yếu tố như: kinh tế, pháp lý, chuẩn mực đạo đức và xã hội, cũng như các kỹ năng cần thiết và cải tổ doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của Van Ark và cộng sự, tác động của công nghệ số đến năng suất của doanh nghiệp có thể sẽ xuất hiện trong những năm tới, khi mức độ ứng dụng công nghệ số ở các doanh nghiệp và trong các lĩnh vực tăng lên [Bart van Ark, 2016. "The Productivity Paradox of the New Digital Economy," International Productivity Monitor, Centre for the Study of Living Standards, vol. 31, pages 3-18]. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tìm kiếm các công cụ số, ứng dụng công nghệ số đến sản xuất, kinh doanh để giúp nâng cao hiệu quả năng suất vì sự thiếu hụt lao động, thiếu kỹ năng... Hơn nữa, do nhu cầu toàn cầu, doanh nghiệp cũng thúc đẩy đầu tư và tăng cường phổ biến công nghệ số [Bughin, J., Hazan, E., Lund, S., Dahlström, P., Wiesinger, A., & Subramaniam, A. (2018). Skill shift: Automation and the future of the workforce. Discussion Paper].
Các công nghệ số mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, đổi mới, mở rộng quy mô và nâng cao năng suất. Chuyển đổi số tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các doanh nghiệp, giúp tiếp cận khách hàng tại các thị trường trong nước và quốc tế. Nền tảng internet giúp doanh nghiệp tăng chất lượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ và có thể giao dịch bằng nhiều cách khác mà trước đây không thực hiện được. Công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu cho phép các doanh nghiệp hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng, đối tác và môi trường kinh doanh tổng thể.
Công nghệ số cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường các kỹ năng và chất lượng nguồn nhân lực, kết nối và thuê các chuyên gia bên ngoài để thực hiện các chức năng kinh doanh mà nguồn nhân lực hiện có của doanh nghiệp không đáp ứng được... Tất cả những hoạt động này có thể giúp cải thiện hiệu suất.
Tuy nhiên, với sự tụt hậu của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là các thách thức
trong việc áp dụng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin để nâng cao năng suất. Sự tụt hậu của các doanh nghiệp chủ yếu là do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn; thiếu đầu tư; rủi ro bảo mật và bảo mật số…
Yếu tố khác hạn chế tác động của công nghệ số đến tăng trưởng năng suất là sự chậm trễ trong việc thay đổi cấu trúc và phân bổ nguồn lực của các doanh nghiệp. Việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp bao gồm một quá trình tìm kiếm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, trong đó một số doanh nghiệp có thể thành công, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp thất bại và tụt hậu. Xây dựng môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu nắm chuyển đổi số tốt hơn là một trong các chính sách quan trọng mà chính phủ các nước cần quan tâm. Sự suy giảm tính năng động trong môi trường kinh doanh của các quốc gia sẽ làm chậm sự phân bổ lại các nguồn lực cần thiết trong toàn bộ nền kinh tế.