Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò và phương pháp ứng xử đối với tôn giáo

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 31 - 34)

ứng xử đối với tôn giáo

Với phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, C.Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội, có quan hệ mật thiết và chịu sự chi phối của tồn tại xã hội, nên sự biến đổi của nó luôn gắn liền với sự biến đổi của lịch sử nhân loại dựa trên những điều kiện kinh tế, xã hội nhất định.

Nói đến vai trò xã hội của tôn giáo C.Mác chỉ rõ:

Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân [106, tr.570].

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm này, song có thể thấy tôn giáo đã mang đến cho con người sự hy vọng ở một thế giới tốt đẹp để con người có thể tồn tại, vượt qua những bất trắc trong cuộc sống. V.I. Lênin khẳng định: "Câu nói của Mác là hòn đá tảng của toàn bộ quan điểm của Mác về vấn đề tôn giáo" [95, tr.511]. Trong cuốn: "Fiden và tôn giáo", Fiden Cartro cho rằng: xét từ quan điểm chính trị, tôn giáo tự nó không phải là thuốc phiện hoặc một phương thuốc diệu kỳ. Nó có thể là thuốc phiện hoặc một phương thức diệu kỳ theo người ta dùng nó hay ứng dụng nó để bênh vực những kẻ áp bức, những kẻ bóc lột, hoặc để bảo vệ những người bị áp bức và bị bóc lột, tùy theo cái cách người

ta đề cập đến những vấn đề chính trị, xã hội hay vật chất của con người, sinh ra và phải sống trên đời này, không lệ thuộc vào thần học và niềm tin tôn giáo [156, tr.103]. Nghiên cứu về tôn giáo, PGS.TS Nguyễn Đức Lữ đã tìm hiểu bối cảnh lịch sử khi ra đời câu nói của C.Mác, đó là đời sống người dân cùng cực dưới nền quân chủ chuyên chế Đức, gắn với lực lượng bảo thủ là Giáo hội Công giáo La Mã thì tôn giáo - thuốc phiện chính là "niềm tin" của người dân vào một thế giới hư ảo, có tác dụng tích cực là xoa dịu, giảm đau trước những khó khăn, đề nặng lên số phận con người.

Nghiên cứu sự tồn tại và phát triển của tôn giáo trong lịch sử nhận loại, các nhà kinh điển đã lưu ý đến vai trò phê phán, phản bác và thậm chí cách mạng của tôn giáo. Tôn giáo không chỉ phản ánh sự nghèo nàn hiện thực mà còn chống lại sự nghèo nàn hiện thực ấy, chống lại sự áp bức bất công trong xã hội. Sự khốn cùng ấy chính là những bất hợp lý trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, là vấn nạn của xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường, sự hạn chế của khoa học và nhận thức của con người. Nó tạo ra khoảng trống trong đời sống tâm linh của con người nên họ cần đến tôn giáo như một liều thuốc an thần để xoa dịu những nỗi đau, sự bất hạnh của họ.

Từ chỗ khẳng định quan điểm duy vật lịch sử trong việc nhận thức vai trò của tôn giáo, C.Mác đã chỉ ra phương thức ứng xử với tôn giáo trong từng thời kỳ lịch sử, mà quan trọng nhất là muốn thay đổi ý thức xã hội thì trước hết phải thay đổi tồn tại xã hội: "Không thể đả kích vào tôn giáo dưới mọi hình thức thù địch cũng như dưới hình thức khinh bạo chung cũng như riêng, nghĩa là nói chung không được đả kích tôn giáo" [106, tr.23]. Như vậy, trong công tác đối với tôn giáo không thể sử dụng bạo lực để đàn áp tôn giáo, mà chỉ có thể sử dụng phương pháp giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục để người có đạo và người không có đạo hiểu và xây dựng xã hội tốt đẹp ngay tại trần thế. Điều quan trọng khắc phục những mặt tiêu cực của tôn giáo là phải kiến tạo được một xã hội không có áp bức, bất công, nghèo đói, phải làm cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời nhìn nhận những giá trị đạo đức hướng thiện, tinh thần yêu thương bác ái của tôn giáo ở mọi thời đại luôn có tác dụng giáo dục, đạo đức, nhân cách con người góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Kế thừa và phát triển quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, V. I Lênin khẳng định rõ thái độ, lập trường, phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là phải tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng: "Bất kì ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích hoặc không thừa nhận một tôn giáo nào" [95, tr.171]. Người có hay không có tín ngưỡng tôn giáo đều bình đẳng về quyền lợi "Mọi sự phân biệt quyền lợi giữa những công dân có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đều hoàn toàn không thể dung thứ được" [95, tr.171]. Như vậy, từ chỗ cải tạo xã hội để xây dựng một xã hội có cơm ăn, áo mặc nhằm hạn chế mặt tiêu cực của tôn giáo, thì V.I Lênin đã tiến thêm một bước trong việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, lên án những ai phân biệt, đối xử và xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của người khác. Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong giải quyết vấn đề tôn giáo mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang kế thừa.

Như vậy, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của tôn giáo và phương pháp ứng xử với tôn giáo chính là cơ sở lý luận, phương pháp luận cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững. Đó là:

- Cần nhận thức giá trị của Công giáo chính là niềm tin, là nhu cầu của một bộ phận người dân, có tác dụng "thỏa mãn" đời sống tâm linh của họ và hướng họ đến những điều tốt đẹp.

- Giá trị đạo đức, văn hóa của Công giáo chính là bệ đỡ tinh thần cho tín đồ Công giáo trong việc điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia các hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội, có tác dụng góp phần làm lành mạnh xã hội.

- Để phát huy ảnh hưởng tích cực của Công giáo chính là phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo của công dân và những giá trị đạo đức văn hóa tôn giáo. Đồng thời muốn hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo thì phải xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không phải là đấu tranh, xóa bỏ tôn giáo. Trong xã hội ấy người dân không những có cơm ăn, áo mặc mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần và để đạt mục tiêu đó cần trân trọng, khơi dậy những đóng góp của Công giáo cho phát triển xã hội.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w