Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trong đó có tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 147 - 151)

chất và tinh thần cho người dân, trong đó có tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên

Mặc dù đời sống người dân Tây Nguyên đã được nâng lên đáng kể, số hộ nghèo giảm nhưng phát triển kinh tế còn thiếu bền vững. Tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào tại chỗ vẫn xảy ra trên nhiều địa bàn: đến tháng 9/2014 còn 32.000 hộ thiếu đất ở và đất sản xuất với diện tích trên 20.000 ha. Hầu hết các địa phương chưa chủ động tính toán quỹ đất dự phòng, nên lúng túng trong việc quy hoạch bố trí cấp đất cho đồng bào khi có yêu cầu và thường bố trí ở mức tối thiểu. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nạn phá rừng, đòi đất, tranh chấp đất đai gây mất ổn định xã hội. Một số nơi mặc dù đã được tổ chức lại sản xuất và đời

sống, nhưng đồng bào chưa quen với lối sống và phương thức sản xuất mới, nên họ lại trở lại phát rừng làm rẫy. Ở vùng sâu, vùng xa giao thông khó khăn, việc cung cấp hàng hóa không kịp thời nên đời sống người dân còn thiếu thốn. Chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững chậm đi vào cuộc sống. Khi mục tiêu bảo đảm cho đồng bào có cơm ăn, áo mặc vẫn phải phấn đấu thì sẽ khó đạt được mục tiêu cho phát triển bền vững.

Sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều cũng tạo ra phân hóa giàu nghèo một cách sâu sắc. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn là 15,59% [4]; gấp 5,4 lần so với tỷ lệ hộ nghèo trong người Kinh [9]. Cùng với thiếu thốn về vật chất là bệnh sốt rét và các bệnh xã hội xẩy ra thường xuyên. Năm 2012 tỷ suất chết của trẻ em dưới 01 tuổi và dưới 05 tuổi ở Tây Nguyên là 24,4% và 40,2%, trong khi bình quân cả nước tương ứng là 15,4% và 23,2% [trích theo 34, tr.369]. Tình trạng này không chỉ phản ánh sự chênh lệch về mức sống, mà còn với trình độ nhận thức thấp sẽ tạo tâm lý so bì về mức sống giữa người kinh và người dân tộc thiểu số, đồng thời tạo "cớ" để Công giáo tăng cường tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội không đúng quy định của pháp luật

ở vùng sâu, vùng xa và thu hút người dân theo đạo. Do vậy, nâng cao đời sống kinh tế và trình độ học vấn để người dân, trong đó có tín đồ Công giáo nhận thức đúng mục tiêu của phát triển bền vững là rất cần thiết. Khi người dân hiểu đúng thì sẽ thực hiện đúng và nỗ lực để thực hiện, khơi dạy khả năng đóng góp từ chính nội lực của họ. Để nâng cao đời sống kinh tế và trình độ của người dân, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần:

- Trong bối cảnh tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại chỗ ngày một thấp dần, số buông làng chỉ có một dòng họ, một tộc người hầu như không còn tồn tại. Trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay cần lấy họ làm trung tâm, coi sự ổn định và phát triển vùng dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng đảm bảo sự ổn định và phát triển toàn vùng.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phát triển kinh tế trên cơ sở chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Khai thác thế mạnh trong nông, lâm nghiệp đúng cách và hợp lý, chọn cây trồng phù hợp để đảm bảo cả về năng suất, kỹ thuật, cả về sử dụng nguồn tài nguyên nước, rừng

phù hợp và đầu ra cho sản phẩm mang tính lâu dài. Đảm bảo phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào đặc biệt khó khăn. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, giữa người kinh và người dân tộc thiểu số, là cơ sở để người dân nói chung và tín đồ Công giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy tiềm lực nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Các sở ngành ở địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra giám sát người dân sử dụng vốn, đưa khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, phát triển kinh tế. Phát huy tinh thần nỗ lực phấn đấu tại chỗ, không để kéo dài tình trạng trông chờ ỷ lại của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số vào chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội. Vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, thói quen đốt rừng làm nương rẫy, thay đổi phương thức canh tác, đi đối với trồng rừng và bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Với phương châm "hộ gia đình quyết tâm vượt nghèo, phấn đấu đủ ăn, tiến tới làm giàu", "lấy dân vận dân", "nêu gương người sản xuất giỏi", giúp người dân mở rộng mối quan hệ, truyền đạt kinh nghiệm giúp nhau cùng phát triển, nâng cao trách nhiệm cá nhân, gia đình đối với phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tiếp tục cải thiện cơ bản về sức khỏe người dân. Đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 hệ thống giáo dục, y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đồng bộ, chất lượng cao theo hướng xã hội hóa, 100% cụm, xã có nhà trẻ, phòng khám. Xây dựng và củng cố mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu học tập của người dân. Nâng cao chất lượng dạy và học để tăng số học sinh người dân tộc thiểu số vào học trong các trường trung học phổ thông và giảm số lượng học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đổi mới chương trình, nội dung dạy ngôn ngữ, chữ viết cho đồng bào dân tộc thiểu số, phục hồi di sản văn hóa và chữ viết của các dân tộc theo hướng bền vững từ gốc.

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động tín đồ Công giáo thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức cho tín đồ về việc

đông con, khó có khả năng lo cho con ăn học, kinh tế gia đình khó khăn. Tranh thủ vai trò của chức sắc, tu sĩ Công giáo khuyên bảo tín đồ "sinh đẻ có trách nhiệm" để nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo hạnh phúc gia đình và phát triển cộng đồng bền vững.

- Cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên quan tâm thực hiện việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, để vừa khơi dậy sức sống tộc người, vừa giáo dục lớp trẻ niềm tự hào truyền thống văn hóa đồng thời cũng xóa đi những mặc cảm, tự ti của thanh niên người dân tộc trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa bên ngoài trong xu thế hội nhập. Khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống trong chính cộng đồng các dân tộc vừa để giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, vừa vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống đồng bào và cản trở việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở Tây Nguyên.

Chủ động phối hợp và đầu tư để các giáo phận Công giáo ở Tây Nguyên nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa và chữ viết của các dân tộc thiểu số, tận dụng nguồn lực của Công giáo trong bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Kế thừa, vận dụng linh hoạt các quy định tiến bộ của luật tục, thiết chế Công giáo, để xây dựng quy ước tự quản buôn, làng; phát huy tinh thần cộng đồng, dân chủ, bình đẳng và giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

- Các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng và bảo vệ rừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (năm 2016), xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Tăng mức khoán bảo vệ rừng hợp lý, để người dân và các tổ chức tôn giáo nâng cao trách nhiệm, chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác các loại lâm sản ở dưới tán rừng. Tạo lại không gian văn hóa rừng cho đồng bào các dân tộc thiểu số như truyền thống sẽ là giải pháp hữu hiệu bảo vệ và làm phong phú tài nguyên rừng, cũng như phục hồi các lễ hội văn hóa truyền thống.

Thống nhất trong quy hoạch và phát triển các thủy điện để bảo vệ nguồn nước. Việc mất rừng và phát triển các thủy điện đang làm cạn kiệt nguồn nước, nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, Tây Nguyên sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng và nước sinh hoạt cho người dân. Tây Nguyên với 4 lưu vực sông chính: Sông Ba, song Đồng Nai, Sê San và Srêpốk đóng góp lượng nước

lên tới 18% cho lưu vực sông Mê Công. Trong những năm qua việc phát triển các thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh của các con sông này đã và đang tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, nguồn lợi thủy sản tự nhiên, sinh kế của người dân. Việc quy hoạch thiếu thống nhất trong phát triển thủy điện là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút.

Nghiên cứu để quy hoạch lại và hạn chế việc phát triển cây công nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên như hiện nay. Quá trình mở rộng diện tích cây công nghiệp cần nhiều nước tưới như: cà phê, cao su, tiêu… dẫn đến chặt phá rừng diễn ra mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Vào mùa khô năm 2015, 2016 Tây Nguyên phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm. Mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu dân sinh, thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế của người dân. Do đó, thận trọng trong việc cấp phép xây dựng thủy điện trên những dòng sông và lựa chọn cây trồng phù hợp là rất cần thiết để bảo vệ môi trường Tây Nguyên. Cần có những đánh giá về thực trạng và xây dựng các giải pháp ứng phó dài hạn để giúp Tây Nguyên đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo môi trường sống phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng chính là phương pháp tuyên truyền tốt nhất để người dân thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, thiếu khách quan của Công giáo trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

Ghi nhận những đóng góp và phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, trong đó có Công giáo trong việc nâng cao nhận thức và hành vi cho tín đồ Công giáo trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên. Vinh danh và nhân rộng những tấm gương tiêu biểu là chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo có nhiều đóng góp trong bảo vệ môi trường, trở thành một phong trào thi đua ở địa phương. Thông qua đó, để động viên người Công giáo cùng với chính quyền và người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 147 - 151)