Quan niệm về Công giáo

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 41 - 42)

Công giáo, theo tiếng Hy Lạp là Katholicos, tiếng La tinh Catholicus có nghĩa là phổ quát (Universel), là tôn giáo thờ Thiên Chúa, ra đời vào thế kỷ thứ nhất Công nguyên, ở phía Đông đế quốc La Mã cổ đại.

Giáo lý Công giáo, được thể hiện trong Kinh thánh, quan niệm Công giáo cho rằng đó là bản văn linh ứng và trung thực; là những lời mạc khải của Thiên Chúa đối với loài người, là mẫu mực tối cao của đức tin. Theo Kinh thánh, Thiên Chúa tạo ra trời đất, con người và muôn loài từ hư không trong vòng 6 ngày, con người phải thờ phụng và tiếp tục công trình kiến tạo trái đất của Thiên Chúa. Theo Kinh thánh, tất cả sự tồn tại và biến đổi trong vũ trụ do Thiên Chúa tiền định một cách hợp lý.

Về luật lệ và lễ nghi: Công giáo có một hệ thống luật lệ chi tiết và thống nhất thực hiện trên toàn thế giới, thể hiện ở một số nội dung cơ bản: Mười điều răn của Thiên Chúa; Sáu điều răn của Giáo hội; Bảy phép bí tích; Giáo luật 1983 quy định chi tiết các vấn đề về đạo, nhằm tập trung quyền lực và duy trì trật tự Giáo hội. Công giáo có hệ thống lễ nghi quanh năm, với nhiều ngày lễ quan trọng bắt buộc toàn thể tín đồ phải thực hiện.

Về cơ cấu tổ chức: Công giáo có hệ thống tổ chức thống nhất chặt chẽ với 3 cấp hành chính chính thức: Tòa thánh, giáo phận và giáo xứ (tại Việt Nam có thêm giáo họ).

- Tòa thánh Vatican: ở Rôma thủ đô Italia là trung tâm điều hành của Công giáo, đồng thời là quốc gia có chủ quyền độc lập theo Công pháp Quốc tế. Giáo hoàng vừa là giáo chủ vừa là người đứng đầu nhà nước, có ảnh hưởng, uy tín lớn trên trường quốc tế.

- Giáo phận (diocese): là một cộng đoàn tín hữu trong địa giới nhất định, là cấp hành chính chính thức của giáo hội trực thuộc Toà Thánh về mọi phương diện. Việc thành lập, bãi bỏ, chia tách giáo phận do Giáo hoàng quyết định.

- Giáo xứ (paroisse): là cộng đồng tín hữu nhất định được thiết lập một cách cố định trong giáo phận. Giám mục là người có quyền thành lập, bãi bỏ

giáo xứ; có quyền truyền chức, bổ nhiệm, điều chuyển, kỷ luật linh mục; thành lập, giải tán Hội đồng Mục vụ giáo xứ.

Bên cạnh hệ thống tổ chức theo hệ triểu, Công giáo có hệ thống dòng tu đa dạng về loại hình và hoạt động chuyên biệt theo tôn chỉ mục đích sáng lập.

Dòng tu là một tổ chức trực thuộc của Giáo hội Công giáo, được thành lập do những người tự nguyện sống chung với nhau trong một cộng đoàn gọi là Tu viện (Couvent) hay đan viện (Monastere - là dòng có gốc ẩn tu) với mục đích giữ đạo và truyền đạo. Mỗi dòng tu có tôn chỉ, mục đích và hoạt động chuyên biệt, mục đích là phục vụ Giáo hội và xã hội. Các tu sĩ trong dòng luôn tuyên giữ ba lời khấn: khiết tịnh (độc thân), khó nghèo (không có tài sản riêng) và vâng phục.

Phẩm trật trong Giáo hội: còn được gọi là hàng giáo phẩm là một tập thể bao gồm những người có chức thánh theo một cơ cấu có các cấp bậc khác nhau. Phẩm trật theo chức thánh gồm: giám mục, linh mục, phó tế. Những người này lĩnh nhận chức thánh để thi hành mục vụ và bí tích của Giáo hội.

Công giáo du nhập vào Việt Nam gần 5 thế kỷ (năm 1533), đến nay trở thành tôn giáo lớn với 41 giám mục, 5.431 linh mục, hơn 3.057 giáo xứ, 26 giáo phận thuộc 3 Tổng Giáo phận [81]; 8 Đại chủng viện, 01 Học viện, hơn 124 dòng tu hoạt động ổn định và không ngừng phát triển. Công giáo ở Việt Nam trực thuộc và chịu sự lãnh đạo của Tòa thánh Vatican. Các giám mục làm việc trong một tổ chức chung gọi là Hội đồng Giám mục Việt Nam. Hội đồng có nhiệm vụ triển khai chủ trương của Tòa thánh Vatican ở Việt Nam bằng các văn bản trong các kỳ đại hội, hội nghị; liên kết, hiệp thông giữa các giáo phận và toàn Giáo hội.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 41 - 42)