pháp lý để Công giáo phát huy ảnh hưởng tích cực trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên
Tổng hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, trên cơ sở đó đánh giá tính phù hợp, còn giá trị của các văn
bản và tính lỗi thời không còn phù hợp, chồng chéo để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo cần thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể: Nghị quyết số 23 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo và Chỉ thị số 18 năm 2018 của Bộ Chính trị. Triển khai và thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, các tổ chức tôn giáo về Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các Nghị định hướng dẫn. Luật pháp càng đồng bộ thì việc thực hiện chính sách, pháp luật mới thống nhất và khả thi. Đảm bảo bình đẳng giữa trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức tôn giáo, giữa tổ chức tôn giáo và các tổ chức xã hội khác.
Trong quá trình thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo cần tính đến việc sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là những nội dung còn vướng, còn thiếu hoặc bất cập, vênh nhau giữa các luật nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quan điểm, chủ trương, như:
Quy định rõ và bổ sung việc tổ chức tôn giáo được thực hiện chủ trương xã hội hóa về y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo ở mức độ và lĩnh vực nào theo quy định của pháp luật, nhất là trong giai đoạn hiện nay Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định pháp nhân đối với các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hiện nay, về giáo dục: tổ chức tôn giáo mới được mở trường, lớp mẫu giáo, nhà trẻ; mở các trung tâm dạy nghề, trong cả nước hiện chỉ có giáo phận Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai được chính quyền cho phép nâng Trung tâm dạy nghề Hòa Bình lên
Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình; chưa được phép mở các trường giáo dục phổ thông các cấp và đại học. Về y tế, tôn giáo chỉ được phép mở các phòng khám, trong khi họ có nguồn nhân lực chuyên nghiệp và kêu gọi được nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động y tế chuyên biệt; được phép mở các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng những người không nơi nương tựa, bệnh nhân tâm thần, HIV, nhưng lại không có quỹ đất, mở tại các cơ sở tôn giáo thì trái luật... Những bất cập trên vừa không tạo sự thống nhất trong công tác tôn giáo, cũng như khó có thể phát huy được nguồn lực, những ảnh hưởng tích cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên.
Luật Đất đai cần quy định rõ hơn việc sử dụng và quản lý đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để giải quyết dứt điểm hiện tượng mua bán, hiến nhượng, tặng, lấn chiếm khiếu kiện kéo dài...; đồng thời đáp ứng nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự của tín đồ và tổ chức giáo hội. Theo đó chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên trong quá trình lập quy hoạch cần tính toán quy hoạch quỹ đất tôn giáo, để chủ động trong việc giao đất, tránh tình trạng Công giáo tạo lập quỹ đất trái quy định và chính quyền không quản lý được. Để giải quyết tốt vấn đề này cần khảo sát, đánh giá lại toàn bộ đất đai, cơ sở thờ tự của tôn giáo trên địa bàn để phân loại và đề xuất chủ trương giải quyết đất đai liên quan đến tôn giáo. Căn cứ Luật Đất đai sửa đổi năm 2013, Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo và xét nhu cầu chính đáng về nhà, đất để phục vụ cho hoạt động tôn giáo và quy hoạch, quỹ đất tại địa phương để xem xét tham mưu bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ và khả thi.
Có thể nói, Tây Nguyên là địa bàn có nhiều vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo; trình độ văn hóa, xã hội của người dân còn thấp, kinh tế khó khăn lại bị ràng buộc bởi các lĩnh vực tín ngưỡng, phong tục truyền thống và luôn bị các phần tử xấu lợi dụng. Do đó, để phát triển bền vững Tây Nguyên cần thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp để người dân hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước là hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống cho nhân dân và phát triển Tây Nguyên bền vững.