Một là, khuyến nghị với Chính phủ
- Sớm ban hành Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, làm cơ sở pháp lý xử phạt những sai phạm trong công tác quản lý, trong hoạt động tôn giáo.
- Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung trong Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Khám chữa bệnh, Luật Giáo dục tạo cơ sở pháp luật đồng bộ với Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ mới được giao theo quy định mới của Luật tín ngưỡng tôn giáo.
- Chỉ đạo Bộ Ngoại giáo phối hợp với Bộ Công an, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tranh thủ sự hợp tác của Campuchia, Thái Lan, Lào đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực biên giới, hạn chế tác động xấu từ bên ngoài; phát triển quan hệ Việt Nam - Vatican.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn có liên quan.
- Phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên kịp thời xử lý những vấn đề phức tạp liên quan đến Công giáo.
Ba là, khuyến nghị với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội các tỉnh Tây Nguyên
- Rà soát lại các chương trình, dự án kinh tế, xã hội liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh xã hội và an ninh nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách bố trí tái định cư, cấp đất sản xuất cho các hộ dân tộc thiểu số thuộc diện giải tỏa, di dời ở các dự án phát triển của địa phương theo quy định của pháp luật, nhất là các hộ dân nằm trong khu vực thủy điện. Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tôn giáo trong đó có Công giáo, góp phần hạn chế vấn đề mua bán, hiến nhượng đất đai của tổ chức, cá nhân Công giáo
- Củng cố hệ thống chính trị cơ sở và các đoàn thể chính trị xã hội vững mạnh, đa dạng hoạt động để thu hút hội viên, nhất là hội viên là tín đồ Công giáo. Phục hồi và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Công giáo trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chức sắc, tu sĩ tổ chức các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện tốt chính sách tôn giáo kết hợp với chính sách dân tộc và bình đẳng giữa các tôn giáo.
- Giải quyết dứt điểm và có hiệu quả những vụ việc phức tạp liên quan đến Công giáo. Tăng cường công tác quản lý về an ninh - quốc phòng, giữ sạch địa bàn chưa có hoạt động của bọn Fulro, tà đạo Hà Mòn; chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các tà đạo xâm nhập, phát triển tổ chức, giữ môi trường xã hội ổn định, lành mạnh.
Bốn là, khuyến nghị với các giám mục Công giáo ở Tây Nguyên
Là một thực thể xã hội, các giám mục cần định hướng cho các linh mục, tu sĩ, tín đồ nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong việc phát triển bền vững ở Tây Nguyên.
Chủ động và sẵn sàng phối hợp với chính quyền các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh - quốc phòng mà Công giáo có thế mạnh như: y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo. Xây dựng giáo xứ, giáo họ, dòng tu: không tệ nạn, chấp hành luật giao thông, bảo vệ môi trường.
Tích cực sưu tầm, lưu giữ và đưa văn hóa các dân tộc thiểu số vào trong cử hành nghi lễ, trong hội họa, kiến trúc, âm nhạc để phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong hoạt động tôn giáo, góp phần phát triển bền vững về văn hóa ở Tây Nguyên.
Kết luận chương 4
1. Phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên là tất yếu, khách quan và cần thiết để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu đó phải xuất phát từ cả hai phía: Đảng, Nhà nước, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo.
2. Để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay cần quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng; cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: về nhận thức, về chính sách và thực thi chính sách, về giải quyết những bất cập liên quan đến tôn giáo và đấu tranh với âm mưu, hành vi của các thế lực xấu lợi dụng
Công giáo gây bất ổn Tây Nguyên; đồng thời cần thực hiện việc tuyên truyền và phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo đến cán bộ chính quyền và chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo, giúp họ nâng cao tính tự giác trong chấp hành pháp luật và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Các giải pháp trên không chỉ đảm bảo cuộc sống người dân mà còn thu hút nguồn lực của Công giáo, làm cho tín đồ, chức sắc thấy được trách nhiệm và quyền lợi của họ đối với phát triển bền vững ở Tây Nguyên, không tạo cớ để các thế lực phản động lợi dụng niềm tin tôn giáo gây bất ổn Tây Nguyên. Phát huy ảnh hưởng tích cực của Công giáo còn nhằm tạo đồng thuận xã hội, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc - tôn giáo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng Tây Nguyên bền vững từ chính nội lực của người dân.
KẾT LUẬN
1. Phát triển bền vững ở Tây Nguyên là một đòi hỏi tất yếu trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, được thực hiện trên các tiêu chí căn bản mà cộng đồng quốc tế cũng như Việt Nam đã thống nhất. Phát triển bền vững phải kiên định các nguyên tắc: đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, chủ quyền lãnh thổ, hướng tới đảm bảo và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Phát triển bền vững ở Tây Nguyên là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các cá nhân và tổ chức xã hội, trong đó có Công giáo ở Tây Nguyên.
2. Phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện đang đối diện với những thách thức đó là: tỷ lệ hộ nghèo, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc còn cao; an sinh xã hội chưa được đảm bảo; vấn đề dân tộc - tôn giáo gắn với an ninh - quốc phòng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Một số phong tục, tập quán lạc hậu có xu hướng phục hồi và phát triển; bản sắc văn hóa các dân tộc ít người đang bị mai một. Hệ thống chính trị cơ sở còn yếu, bộc lộ bất cập trong nhận thức và quản lý. Do vậy, để phát triển bền vững ở Tây Nguyên cần sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với các tổ chức và cá nhân, trong đó có Công giáo, cũng như sự nỗ lực, đóng góp của các thành phần xã hội để khắc phục những thách thức trên.
3. Công giáo là một trong số các tôn giáo lớn trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có hệ thống tổ chức chặt chẽ và ảnh hưởng rộng trên trường quốc tế. Ngoài niềm tin tôn giáo, giá trị đạo đức hướng thiện được thể hiện trong hệ thống giáo lý thì Công giáo còn có cả học thuyết chứa đựng nhiều yếu tố của phát triển bền vững có giá trị tương đồng với thế giới và Việt Nam. Yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm của mọi sự phát triển, gắn với đề cao luân lý đạo đức chính là điểm tương đồng lớn nhất trong quan điểm phát triển bền vững của Giáo hội và Nhà nước Việt Nam.
Quá trình du nhập và phát triển Công giáo đã trở thành một phần của xã hội Tây Nguyên. Ảnh hưởng của Công giáo đối với phát triển bền vững ở Tây Nguyên là một quá trình dài và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tín đồ Công giáo là một bộ phận quần
chúng nhân dân, có lòng yêu nước, chấp hành pháp luật, đoàn kết gắn bó với dân tộc mong muốn có cuộc sống ấm no, được sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Qua niềm tin tôn giáo, hình thành những giá trị đạo đức hướng thiện, nhân văn, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội xâm nhập vào cộng đồng.
Với một tôn giáo có tổ chức chặt chẽ mang tính quốc tế và có những đặc trưng riêng, Công giáo cũng luôn muốn thể hiện là một tổ chức "có tầm ảnh hưởng" không chỉ ở phạm vi tôn giáo mà còn ở các hoạt động xã hội, phản biện xã hội theo những quan điểm, cách thức riêng, trong đó có không ít quan điểm chưa đồng thuận với chính quyền trong phát triển bền vững, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn xã hội và tạo đường dẫn để các thế lực cực đoan lợi dụng chống phá.
4. Để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo cần đứng trên lập trường phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo và công tác tôn giáo với quan điểm cơ bản là khai thác những điểm tương đồng, giá trị, đạo đức, nguồn lực của Công giáo, đồng thời hạn chế dị biệt, cản trở. Cần cách tiếp cận mới, yêu cầu nhận diện ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên phải khách quan, toàn diện, thấy rõ cả những ảnh hưởng tích cực, giá trị của Công giáo để phát huy; mặt khác nhận diện rõ những ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo để có những biện pháp phòng ngừa, khắc phục, từ đó có cách nhìn nhận, ứng xử phù hợp để thúc đẩy Công giáo tham gia đóng góp vào phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, việc ban hành và thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật về kinh tế, xã hội, dân tộc, tôn giáo, môi trường và an ninh - quốc phòng, nhằm nâng cao trình độ nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo đồng thuận giữa chính quyền với Công giáo và người dân Tây Nguyên là yếu tố quan trọng để khai thác nguồn lực của Công giáo cho phát triển Tây Nguyên ngày một hiệu quả và bền vững.