Những yếu tố ngoài nước tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 76 - 81)

giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay

- Chủ trương của Tòa thánh Vatican

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã lợi dụng, sử dụng một bộ phận Công giáo trong chiến tranh Việt Nam. Điều này đã để lại nhiều hệ lụy và tạo nên hố sâu ngăn cách trong nhận thức và quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội, giữa người Công giáo và người không Công giáo cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, sự đổi mới của Công đồng Vatican II của Giáo hội theo hướng "canh tân, thích nghi" đã tác động trực tiếp đến đường hướng hành đạo và phát huy ảnh hưởng của Công giáo ở Việt Nam. Công đồng đã thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm của Giáo hội trong quá khứ và sự lạc hậu về cơ chế trong xã hội hiện đại, đưa quan điểm đối thoại và hội nhập là chủ đạo của Công giáo trong quan hệ với nhà nước với các tổ chức xã hội và tôn giáo khác.

Chủ trương đổi mới chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng các văn kiện của Công đồng Vatican II là cơ sở lý luận cho Công giáo ở Việt Nam triển khai các hoạt động tôn giáo và xã hội, mở ra một trang sử mới trong hoạt động hội nhập văn hóa, đối thoại với nhà nước và văn hóa dân tộc cũng như các tôn giáo khác. Thúc đẩy việc ra đời Thư chung 1980, với đường hướng tích cực, tiến bộ, mở đường để người Công giáo có các hoạt động thiết

thực đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, phát huy ảnh hưởng, trách nhiệm xã hội đối với dân tộc.

Trên tinh thần canh tân, đổi mới của Công đồng và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các giám mục giáo phận Tây Nguyên đã ban hành các Thư mục vụ kêu gọi tín đồ thực hiện vai trò kép: người Công giáo và người công dân, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nâng cao trách nhiệm với người nghèo, người dân tộc, nỗ lực hòa giải trong cộng đồng, chống lại các tệ nạn xã hội; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư an toàn, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội, nhiều giáo xứ đã phát huy tốt trách nhiệm trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, việc tác động của Vatican cũng luôn là bệ đỡ cả về vật chất, đường hướng hoạt động, nhân sự giám mục ở các giáo phận ở Tây Nguyên, làm tăng tính phụ thuộc, là yếu tố cản trở trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở địa phương khi chủ trương đó không có sự tương đồng trong quan niệm và nhìn nhận từ hai phía (luật đạo - luật đời).

- Âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng Công giáo gây mất ổn định Tây Nguyên Vấn đề tôn giáo và dân tộc là vấn đề nhạy cảm và phức tạp nhất hiện nay trên thế giới, các cuộc xung đột vũ trang mang màu sắc tôn giáo, dân tộc thường xuyên xẩy ra. Tây Nguyên lại là nơi hội đủ các yếu tố của sự phức tạp đó: biên giới lãnh thổ, tôn giáo - dân tộc. Biên giới quốc gia trên địa bàn Tây Nguyên vừa kéo dài, vừa có điểm tiếp giáp 3 nước Lào, Việt Nam, Campuchia và hình thành hành lang biên giới xuất phát từ Thái Lan. Dọc theo biên giới này là tuyến hoạt động của bọn phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động Fulro.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng quan trọng của Việt Nam, luôn là địa bàn nóng trong lịch sử và hiện tại. Vì vậy, các thế lực thù địch chưa khi nào từ bỏ âm mưu chống phá, kích động mầm mống ly khai để tách Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam. Trong âm mưu "diễn biến hòa bình", các thế lực thù địch đã lợi dụng tôn giáo, trong đó có Công giáo vào chiêu bài "dân chủ, nhân quyền, tôn giáo"; liên kết với các tổ chức phản động trong nước để tuyên truyền chống phá Tây Nguyên. Chỉ đạo số chức sắc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo cực đoan, người dân tộc thiểu số lợi dụng các tranh chấp, khiếu kiện đất đai gây bất

ổn xã hội. Các đối tượng bên trong vẫn ngấm ngầm tiếp nhận những hỗ trợ về vật chất và sự chỉ đạo bên ngoài để hoạt động, thu thập thông tin liên quan đến Công giáo đang có tranh chấp khiếu kiện gửi ra nước ngoài và kêu gọi quốc tế can thiệp. Một số chức sắc cực đoan cản trở tín đồ vào đảng, tham gia các tổ chức chính trị, tạo khoảng cách với chính quyền, lấy luật đạo để buộc tín đồ không thực hiện pháp luật của Nhà nước hoặc lôi kéo tín đồ vào hoạt động vi phạm pháp luật.

Công giáo có quan hệ quốc tế đa dạng và phong phú với các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài. Ngoài chịu sự chỉ đạo thống nhất, trực tiếp từ Vatica, Công giáo ở Việt Nam còn có mối quan hệ truyền giáo với các nước: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Mỹ, Philippines…; quan hệ phối hợp trong hoạt động tôn giáo; quan hệ với cộng đồng tín đồ Công giáo Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay khoảng 800.000 tín đồ Công giáo Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn là những người di cư sau 1975, trong đó một bộ phận có tác động tiêu cực đến hoạt động tôn giáo ở Tây Nguyên. Các mối quan hệ này vừa mở rộng phạm vi hoạt động vừa là những địa chỉ tài trợ, hỗ trợ cho Công giáo trong các hoạt động

Lợi dụng "tà đạo Hà Mòn" do Bà Y Gyin là tín đồ Công giáo thuộc dân tộc Ba Na thành lập ở Kon Tum để lôi kéo tín đồ Công giáo người dân tộc thiểu số ly khai khỏi Công giáo truyền thống, lập ra một tôn giáo của người dân tộc phục vụ mục đích chính trị. Những người đi theo "tà đạo Hà Mòn" tự nhận là "Công giáo Đêga", tập hợp lực lượng gây mất ổn định về an ninh ở một số địa bàn, tuyên truyền hoạt động ly khai, tự trị của Ksokok để kích động, chống phá chính quyền Nhà nước, điển hình như các vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vào năm 2002, 2004. Đến nay, hoạt động của "tà đạo Hà Mòn" đã được kiểm soát nhưng số đối tượng lẩn trốn vẫn liên lạc nhận tiếp tế từ bên ngoài để thành lập lại tổ chức và tiếp tục chỉ đạo lôi kéo quần chúng làm phức tạp tình hình ở Tây Nguyên.

Hoạt động lợi dụng Công giáo vào mục đích chính trị của cá nhân, tổ chức cực đoan, phản động không phải là mới, nhưng cách thức và thủ đoạn luôn thay đổi, vừa là thách thức đối với chính sự tồn tại và phát triển của đạo, vừa tác động xấu đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Như vậy, dù trực tiếp hay gián tiếp thì những nhân tố trong và ngoài nước đã, đang và sẽ tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên trên cả hai phương diện: vừa là thách thức, vừa là thời cơ. Không ai khác, Công giáo phải tìm chọn cho mình đường hướng thích hợp nhất, vừa tận dụng thời cơ để phát triển vừa loại bỏ các yếu tố tác động tiêu cực trong đời sống tôn giáo, tạo đồng thuận xã hội, đồng hành cùng dân tộc vì sự phát triển chung của đất nước.

Kết luận chương 2

1. Phát triển bền vững là một vấn đề cơ bản trong lịch sử phát triển của thế giới, tuy nhiên nhận diện và trở thành đối tượng nghiên cứu của các ngành, các lĩnh vực thì mới chỉ xuất hiện cuối thế kỷ XX, khi mà nhiều yếu tố tác động làm ảnh hưởng xấu sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người hiện tại và tương lai trên toàn thế giới. Nguyên nhân của những tác động xấu đến phát triển bền vững lại chính là con người, do con người. Chính vì vậy, phát triển bền vững là mục tiêu, là trọng tâm trong chiến lược phát triển của các quốc gia.

Thế giới cũng như Việt Nam đều thống nhất đánh giá phát triển bền vững trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời đảm bảo thống nhất hài hòa giữa các trụ cột trong một chỉnh thể. Phát triển bền vững là đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân.

2. Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước Việt Nam về tôn giáo, nhất là vai trò của tôn giáo để nhìn nhận, đánh giá ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững trên 5 trụ cột: kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa phát triển bền vững mà các quốc gia, các thể chế chính trị hướng tới và đạt được thường được lượng hóa bằng khối lượng vật chất; bằng những công trình văn hóa vật thể và phi vật thể; bằng những sản lượng, diện tích rừng được phục hồi và sự hài hòa của thiên nhiên; sự hòa bình độc lập của quốc gia lãnh thổ, thì Công giáo tham gia vào phát triển bền vững thể hiện chủ yếu bằng "niềm tin tôn giáo - sức mạnh mềm" và khó có thể lượng hóa được bằng khối lượng vật chất. Vì niềm tin và thực hành niềm tin ở trong mỗi tín đồ hiện hữu hàng ngày

trong đời sống xã hội. Khi con người có niềm tin tôn giáo và niềm tin đó được định hướng đúng sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và hành vi của tín đồ đối với các yếu tố của phát triển bền vững, tác động tích cực đến các chuẩn mực đạo đức văn hoá, phát triển kinh tế, đồng thuận xã hội và góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực. Đó cũng chính là giá trị của Công giáo đóng góp vào phát triển bền vững.

3. Tham gia vào quá trình phát triển bền vững ở Tây Nguyên, Công giáo cũng luôn chịu tác động bởi các yếu tố trong và ngoài nước. Đó là những thách thức trong cơ tầng văn hóa, với hệ thống tín ngưỡng đa thần đối lập với nhất thần của Công giáo. Sự phát triển của Tin lành, Phật giáo là thách thức về không gian, cách thức truyền giáo năng động, hiệu quả; những hệ lụy trong lịch sử truyền giáo cũng là những trở ngại của Công giáo trên con đường đồng hành cùng dân tộc. Tuy nhiên, những yếu tố trong và ngoài nước cũng luôn là cơ hội để Công giáo tìm phương cách phù hợp thể hiện giá trị niềm tin tôn giáo trong xã hội. Bên cạnh đó vai trò của nhà nước, của chính quyền địa phương và cộng đồng dân tộc, là rất quan trọng và cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ Công giáo ngày một phát huy những giá trị của mình trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Chương 3

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 76 - 81)