Quan niệm về phát triển bền vững

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 42 - 47)

Một là, quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về phát triển bền vững

Cuối thế kỷ XIX, vấn đề phát triển bền vững đã được chủ nghĩa Mác - Lênin quan tâm nghiên cứu. C.Mác chỉ ra rằng trong quá trình hoạt động thực tiễn lao động sản xuất, con người đã tạo ra một xã hội mới bên cạnh giới tự nhiên sẵn có - đó là xã hội loài người. Song không ít trường hợp, một bộ phận người trong xã hội do bị chi phối bởi lợi ích, bởi mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận tối đa nên đã bóc lột giới tự nhiên, tàn phá hủy hoại môi trường và bóc lột tàn bạo

sức lao động của một bộ phận đông đảo người khác trong xã hội - đó là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, điển hình là trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Do vậy, để thiết lập một môi trường xã hội đảm bảo thực sự cho sự phát triển bền vững mà ở đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Ở đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc được phát triển toàn diện trong mối quan hệ hài hòa với tự nhiên - xã hội thì cần phải làm một cuộc cách mạng triệt để nhằm xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và thiết lập một phương thức sản xuất mới sao cho không còn tình trạng áp bức bóc lột, không còn bất bình đẳng. Sứ mệnh lịch sử ấy theo C.Mác là thuộc về giai cấp công nhân hiện đại.

Cụ thể hóa quan điểm của C.Mác, vấn đề phát triển bền vững đã được Ph.Ăngghen phân tích làm rõ hơn, mặc dù về mặt thuật ngữ ông chưa sử dụng. Theo Ph.Ăngghen, thế giới được tạo thành từ nhiều lĩnh vực, trong đó có ba lĩnh vực căn bản là: tự nhiên, con người và xã hội. Ba lĩnh vực này gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất và tác động qua lại với nhau. Bản thân mỗi yếu tố là một thể thống nhất có mối quan hệ biện chứng trong nội tại của chúng, bởi vì "trong tự nhiên, …, mọi cái đều diễn ra một cách biện chứng chứ không phải siêu hình" [106, tr.39] và "không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả. Hiện tượng này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại" [trích theo 106, tr.652]. Do vậy, mọi hành động của con người nếu vi phạm qui luật khách quan làm phá vỡ thế cân bằng của chúng đều có thể dẫn đến "những mối tai họa" "không lường trước được" [trích theo 106, tr.654].

Trong mối quan hệ giữa tự nhiên - con người - xã hội, con người là tế bào trung tâm, là sản phẩm của tự nhiên, đồng thời là chủ thể cải tạo giới tự nhiên và sáng tạo ra xã hội, con người là bộ phận không tách rời của giới tự nhiên và xã hội. Ph.Ăngghen chỉ rõ: con người trong tiến trình phát triển của mình không chỉ dựa vào tự nhiên, mà còn tác động trở lại tự nhiên và xã hội, làm biến đổi tự nhiên. Song không phải mọi hành động của con người đều đã được kiểm soát để hướng tới một sự phát triển thống nhất bền vững, hài hòa giữa tự nhiên - con người - xã hội. Trong không ít trường hợp, con người đã coi tự nhiên như là kho tài nguyên vô tận mà giới tự nhiên ban phát cho, là đối tượng để khai thác tước

đoạt, thậm chí vì lợi ích trước mắt sẵn sàng tàn phá tự nhiên. Hậu quả là con người sẽ phải hứng chịu những thảm họa sinh thái do sự "trả thù" trở lại của giới tự nhiên. Từ đó, Ph.Ăngghen kêu gọi con người phải hành động để xóa bỏ tận gốc mọi bất bình đẳng xã hội, để giải phóng con người, để bảo vệ môi trường trong sự hài hòa với giới tự nhiên.

Hai là, quan niệm của thế giới về phát triển bền vững

Kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, lần đầu tiên thuật ngữ "phát triển bền vững" được Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, Quỹ động vật hoang dã thế giới và Chương trình môi trường Liên hiệp quốc nêu ra; sau đó được mở rộng thêm nhân tố xã hội và con người. Tại Côlombô, từ ngày 15 đến ngày 19/9/1986, khoảng 60 kế hoạch gia của các chính phủ đã tham dự hội thảo với chủ đề "Những vấn đề đạo đức trong phát triển". Hội thảo này đã đạt được thỏa thuận rằng tất cả mọi định nghĩa xác đáng về phát triển phải bao hàm những nội dung sau: (1) Một tổng thể kinh tế điều phối một cách công bằng việc tạo ra của cải và việc cải thiện điều kiện sống cho mọi người; (2) Một cơ chế xã hội đo lường vai trò của mình qua các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở và việc làm; (3) Một thể chế chính trị bao gồm những giá trị như là nhân quyền, tự do chính trị, quyền bầu cử và dân chủ; (4) Một nền văn hóa biết nhìn nhận thực tế này là văn hóa hình thành nên bản sắc và sự tự tin của các cá nhân; (5) Cuối cùng là hệ thống tư tưởng, các biểu tượng và những niềm tin liên quan đến ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống và lịch sử [61, tr.4].

Đến năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất môi trường và phát triển được tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) đã xác định cụ thể hơn quan niệm về phát triển bền vững - đó là "đáp ứng nhu cầu của hôm nay mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai". Muốn vậy, phát triển bền vững phải bao gồm 3 nội dung cơ bản: (1) Môi trường phát triển bền vững: nghĩa là đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để không tác động xấu đến môi trường sống của con người và các sinh vật sống trên trái đất. (2) Xã hội phát triển bền vững: bao gồm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, hướng tới công bằng xã hội. (3) Kinh tế

phát triển bền vững: duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế với bên ngoài. Đến năm 1993, cuộc họp thượng đỉnh các nước trên thế giới ở Copenhaghen đã tập trung bàn hướng giải quyết ba vấn đề lớn của toàn cầu liên quan đến phát triển bền vững là: việc làm, đói nghèo và hội nhập xã hội. Năm 1997, hội nghị quốc tế Tokyo bàn về khí hậu và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển con người.

Như vậy, các tổ chức quốc tế đều thống nhất quan niệm về phát triển bền vững là: "đáp ứng nhu cầu của hôm nay mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai", đưa ra 3 trụ cột chính để xác định sự phát triển bền vững là: kinh tế, xã hội và môi trường.

Ba là, quan niệm của Việt Nam về phát triển bền vững

Trên cơ sở những quan điểm thống nhất chung của thế giới, Việt Nam đã sớm có những cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Báo cáo về "Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu" do tổ chức Germanwatch công bố ngày 8/12/2009, Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của sự biến đổi khí hậu trong hai thập kỷ trở lại đây và là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự biến đổi khí hậu. Trước thách thức đó, phát triển bền vững được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nêu ra mục tiêu phát triển bền vững: là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa được ba mặt phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 [120], mục tiêu và các định hướng phát triển bền vững bao gồm:

Về kinh tế: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng

xanh; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực. Để đạt được mục tiêu, cần thực hiện 4 nội dung: duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu dùng bền vững; đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương.

Về xã hội: mục tiêu là xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển quan trọng. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Để đạt được mục tiêu cần thực hiện 6 nội dung: đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, tạo việc làm bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương; phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn thực phẩm, cải thiện điều kiện và vệ sinh môi trường lao động; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Về tài nguyên và môi trường: mục tiêu là giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Để đạt mục tiêu có 8 nội dung cần thực hiện: sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước; sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ và phát triển tài nguyên

biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp; quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; giảm thiểu tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Như vậy, các tổ chức quốc tế cũng như Việt Nam đều thống nhất 3 lĩnh vực

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 42 - 47)