Thiết chế Công giáo lồng ghép và lấn át thiết chế buôn, làng truyền thống

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 67 - 69)

truyền thống

Buôn, làng truyền thống ở Tây Nguyên tồn tại như là không gian sinh tồn, mỗi buôn, làng có một tổ chức tự quản hay thiết chế tự quản cộng đồng, do luật tục của mỗi tộc người quy định. Mỗi buôn, làng có người chủ làng có chức năng điều hành, chỉ huy, trông nom mọi việc trong làng; nhóm các già làng có nhiệm vụ tư vấn; người chỉ huy thanh niên làm nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ buôn, làng; thầy cúng làm nhiệm vụ thông giao giữa con người với thế giới thần linh. Thiết chế buôn, làng truyền thống có chức năng điều hòa và kiểm soát mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và tâm linh, buộc mỗi cá nhân phải tuân thủ theo các chuẩn mực, giá trị xã hội đó. Đây chính là cơ sở duy trì trật tự xã hội của buôn, làng, là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa của người Tây Nguyên.

Khi truyền đạo vào Tây Nguyên, Công giáo đã nghiên cứu kỹ đặc trưng này và tìm cách thay thế thiết chế buôn làng truyền thống bằng một thiết chế hành chính của Giáo hội. Giai đoạn 1848 - 1954, thiết chế truyền thống của giáo xứ là Ban chức việc, ngày nay là Hội đồng mục vụ/giáo phận/ giáo xứ. Đối với giáo xứ đông tín đồ người dân tộc thiểu số, thành viên là người dân tộc, với giáo xứ có cả người kinh và người dân tộc thì cơ cấu thành viên có cả hai. Trong thiết chế này linh mục đứng đầu giáo xứ quản lý mọi việc; giúp việc linh mục là Hội đồng mục vụ, đứng đầu là chủ tịch (trước đây gọi là chánh trương, trùm trưởng) và các thành viên (số lượng phụ thuộc vào số lượng tín đồ ở giáo xứ). Linh mục quản lý tín đồ thông qua Hội đồng mục vụ giáo xứ, cơ cấu này giống cơ cấu của buôn, làng truyền thống: Già làng = linh mục; các thành viên giúp việc cho trưởng làng = Hội đồng mục vụ giáo xứ; Nhà Rông/nhà Dài = Nhà thờ; Luật tục

= Luật Giáo hội; các vị Thần (Yàng) = Chúa trời và các Thánh. Đây chính là một sáng tạo của Công giáo trong truyền giáo ở Tây Nguyên nhằm đưa đức tin Công giáo vào thiết chế buôn, làng truyền thống. Chủ nhân vẫn là người dân tộc, điều hành việc đạo là người dân tộc, nhưng niềm tin và đối tượng tôn thờ được thay bằng "thần Công giáo". Mục đích để Công giáo gần gũi với người dân, được người dân đón nhận, mang lại hiệu quả trong truyền giáo. Tuy nhiên, điều đó lại

làm mất dần thiết chế buôn, làng truyền thống, làm mai một giá trị văn hóa, phong tục của người Tây Nguyên trong cộng đồng Công giáo.

Với 3 giáo phận, hơn một triệu tín đồ với những đặc điểm riêng đã tác động đến ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững, cụ thể:

- Ảnh hưởng tích cực: vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Công giáo đã xác lập được vị trí khá quan trọng trong xã hội ở Tây Nguyên, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đấy là cơ sở để quá trình truyền giáo Công giáo đưa đức tin luồn sâu vào đời sống của người dân, hình thành nên cộng đồng Công giáo đông đảo và trở thành một phần tất yếu của xã hội Tây Nguyên. Công giáo

ở Tây Nguyên chính là nguồn vốn xã hội để phát huy ảnh hưởng trong phát triển bền vững. Niềm tin tôn giáo của tín đồ đã và đang góp phần hình thành nên những giá trị mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở các buôn, làng; góp phần thúc đẩy đoàn kết, đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách hiệu quả.

- Ảnh hưởng tiêu cực: hiện nay ở Tây Nguyên số người dân tộc thiểu số theo Công giáo khá lớn, nhưng với những đặc trưng tộc người và hạn chế trong tiếp cận những yếu tố mới trong đời sống kinh tế, xã hội nên việc theo đạo, giữ đạo cũng gây khó khăn cho Giáo hội. Thói quen ỉ lại, chờ trợ cấp cũng làm cho Giáo hội khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn trong việc phát huy ảnh hưởng trong đồng bào. Công giáo gắn với dân tộc sẽ là "lực lượng" tiềm ẩn những phức tạp, cản trở cả Giáo hội và nhà nước trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên, nếu chủ trương chính sách tôn giáo - dân tộc không phù hợp, xử lý vấn đề Công giáo - dân tộc không tốt, thiếu công bằng và đồng thuận xã hội, hoặc bị các thế lực xấu lợi dụng. Do vậy, để Công giáo phát huy ảnh hưởng tích cực trong đồng bào, bản thân Công giáo cũng phải nỗ lực phối hợp tốt với chính quyền để chăm lo đời sống người dân. Phía chính quyền cần thấm nhuần và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy những điểm tương đồng, giá trị đạo đức của Công giáo tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu đoàn kết dân tộc - tôn giáo để phát triển bền vững Tây Nguyên, như vậy cũng là góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 67 - 69)