thiểu số
Tây Nguyên có nền văn hóa bản địa phong phú, với những văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá. Văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên không chỉ đặc sắc mà còn là tường rào bảo vệ các luồng văn hóa từ bên ngoài xâm nhập vào cộng đồng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên luôn quan tâm đến chính sách dân tộc, trong đó xác định, chính sách về việc gìn giữ và phát huy phong tục tập quán, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc như là một chính sách quan trọng để nâng cao đời sống, giúp đồng bào phát huy nội lực phát triển đất nước. Nhờ đó, văn hóa vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, tình trạng pha tạp, biến thái trong các hoạt động văn hóa, trong lối sống ngày càng bộc lộ rõ nét, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc gìn giữ và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Trong quá trình truyền giáo vào Tây Nguyên, Công giáo rất quan tâm đến vấn đề văn hóa các dân tộc thiểu số. Để thực hiện mục tiêu truyền giáo, Công giáo đã nghiên cứu kỹ đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ của từng tộc người. Công giáo đã khai thác sự tương đồng giữa Chúa trời với - Yang được gọi là Yang Giêsu, Đức Mẹ Maria với vai trò của người phụ nữ ở Tây Nguyên. Sử dụng tên gọi các vị thần nhưng cho nó một nội hàm mới với cách giải thích hợp lý như: người Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai đã tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là Yang Bă (Chúa Cha); Yang Con (Chúa Con); Yang Ai (Chúa Thánh Thần) [38, tr.50]. Ngày chủ nhật được ví là ngày kiêng, hoặc Bok Xoi là thầy cúng, nhưng dịch là linh mục (Bă Pơhngol - cha giữ linh hồn), Bok Xoi Tih là thầy cúng lớn được dịch là giám mục, Yă dieng (Bà kiêng) được gọi là Bà Xơ... Cách dịch này vừa gần gũi, vừa dễ hiểu với cách xưng hô quen dùng của đồng bào.
Giáo hội nghiên cứu kỹ đặc tính của người dân tộc nên đã đổi mới phương pháp truyền giảng và đơn giản hóa các nghi thức. Việc phổ biến giáo lý, kinh thánh bằng tiếng dân tộc Ê Đê, Cờ Ho được quan tâm từ thời Pháp, Mỹ. Năm
1861, linh mục Henri Azema đã soạn sách giáo lý cho người Xtiêng; những năm sau linh mục Comber đã dịch kinh bổn sang tiếng Ba Na; linh mục Janin dịch Cựu ước sang tiếng Ba Na đầu thế kỷ XX. Năm 1925 Bộ sách Hlabar Pơđok tức đại cương thần học, trong đó có bàn đến những phong tục tập quán của người Ba Na được phát hành. Những năm 1969 - 1973, nhóm linh mục Trần Sỹ Tín dịch kinh bổn ra tiếng Gia Rai. Hiện nay, Giáo hội tổ chức biên sọan các bài giảng bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để phổ biến xuống buôn, làng. Việc làm này vừa để truyền tải giáo lý tôn giáo nhưng cũng góp phần lưu giữ, phát triển chữ viết các dân tộc thiểu số.
Trong sinh hoạt tôn giáo, các giáo phận ở Tây Nguyên quy định tín đồ người dân tộc thiểu số khi tham dự thánh lễ phải mặc sắc phục của dân tộc mình. Đây là việc làm rất cần thiết để duy trì, khôi phục văn hóa truyền thống thông qua trang phục. Xây dựng các bảo tàng, trung tâm mục vụ để lưu giữ trưng bày các sản phẩm văn hóa các dân tộc. Đà Lạt có 2 bảo tàng của Công giáo: 01 của Tòa giám mục Đà Lạt và 01 dòng Vinh Sơn; Kon Tum có 01 tại Tòa Giám mục, Ban Mê Thuột có Trung tâm Mục vụ. Đưa cồng chiêng, múa hát, trang phục truyền thống vào các sinh hoạt tôn giáo; sử dụng già làng trong việc quản đạo và truyền đạo. Nhiều giáo xứ tổ chức các lễ riêng cho người dân tộc, dạy tiếng dân tộc cho chính người dân. Trong các lễ lớn hoặc sự kiện của Công giáo, chức sắc dành một thời lượng chương trình để tái hiện lại không gian văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đây cũng chính là cách thức để tín đồ không quên cội nguồn dân tộc, dù mục tiêu là để bảo vệ đức tin, nhưng Công giáo đã góp phần bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Một số giáo xứ, dòng tu chuyên hoạt động trong vùng dân tộc như: giáo phận Ban Mê Thuột có các giáo xứ: Eơ Tuy (dân tộc Ê Đê), Ron Hring (dân tộc Xơ Đăng), Buôn Hằng và Ea Konar (Ê Đê)...; giáo phận Đà Lạt có các giáo xứ: Ka Đơn (Chu Ru), Cam Ly, Phú Sơn (Cờ Ho)... Các linh mục, tu sĩ học tiếng dân tộc và dịch sách kinh, dịch sách lễ, từ điển Chu Ru, Cờ Ho; ghi lại phong tục tập quán, xây dựng nhà lưu giữ kỷ vật về hành trình truyền giáo gắn trong vùng dân tộc thiểu số, giúp đồng bào gìn giữ bản sắc, ngôn ngữ, chữ viết cho thế hệ sau. Tín đồ A Jar ở huyện Đăk Hà, Kon Tum là tri thức
người dân tộc Xơ Đăng dành cả cuộc đời sưu tầm, dịch các tác phẩm văn học dân gian của Ba Na và Xơ Đăng.
Việc xây dựng các công trình tôn giáo theo kiến trúc nhà của người dân tộc như nhà Rông, nhà Dài luôn được Công giáo chú trọng. Giáo phu A Wer (Kon Tum) đã thành lập đội cồng chiêng, đội múa cho thanh niên trong làng; tham gia và tư vấn cho chính quyền xây dựng nhà Rông theo đúng nguyên bản của người dân tộc. Cách bài trí trong các công trình này cũng mang đậm chất Tây Nguyên. Việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc không chỉ để thực hiện nhiệm vụ truyền giáo mà còn là niềm đam mê và trách nhiệm xã hội của nhiều chức sắc, tu sĩ đang hoạt động truyền giáo ở Tây Nguyên.
Hội nhập văn hóa của Công giáo ở Tây Nguyên là một quá trình, diễn ra một cách từ từ, đủ thời gian để cộng đồng các dân tộc thiểu số thích ứng, chấp nhận những vị thần mới trong cộng đồng những người có niềm tin tôn giáo. Điều này vừa làm giảm đi xung đột tôn giáo - tín ngưỡng, dân tộc - tôn giáo, vừa bảo tồn giá trị văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên trong xu hướng bị mai một. Dù là tạo thần, đồng hóa thần, nhưng giá trị Tây Nguyên vẫn được bảo tồn trong không gian Công giáo.
Có thể nói, để giữ gìn và phát huy các giá trị tiêu biểu và từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã và đang bảo tồn và phục dựng văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, với đóng góp của Công giáo trong lĩnh vực văn hóa là một kênh bảo tồn, truyền tải và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số rất cần phát huy trong phát triển bền vững về văn hóa ở Tây Nguyên.