Giáo hội góp phần làm thay đổi tư duy của tín đồ trong phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 83 - 84)

kinh tế

Thay đổi phương thức sản xuất từ du canh sang định canh, chuyên canh.

Trong truyền thống, người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường sống du canh, du cư đốt rừng làm nương rẫy. Phương thức sản xuất là "phát, đốt, chọc, trỉa" gắn với tín ngưỡng đa thần, mọi việc làm đều cần có sự linh ứng của thần linh. Với phương thức sản xuất tự cung, tự cấp nên kinh tế thấp kém, đời sống nghèo nàn. Du canh, du cư là trở ngại lớn cho việc bảo tồn và phát triển tộc người, là trở ngại cho phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống của người dân. Do đó, định canh, chuyên canh để ổn định đời sống và phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những vườn cà phê, cao su năng suất cao không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống cho người dân Tây Nguyên, mà còn xóa bỏ dần tập quán và tư duy sản xuất lạc hậu, thay đổi ý thức tự chủ của người dân trong đời sống sản xuất và là minh chứng hiệu quả của sản xuất định canh, chuyên canh.

Về phía Công giáo, việc du canh, du cư là rào cản cho việc truyền đạo, quản đạo và giữ đạo. Do vậy, trong quá trình truyền giáo, Công giáo đã lập làng định cư, định canh để giữ đạo và truyền đạo như: Kon Kơ Xâm, Kon Trang, Plei Chữ, Rơhai, Kon Sơ Lăng, Kon Pơ Năng, Kon Tum (làng Hồ) ở Kon Tum. Buôn Hằng, Êa Kmar ở Đắk Lắk; Plei Athai, Bon Ơi Nu B, Ia Dreng, Rơ Kơi, Đăk Jâk… (Kon Tum); Đa Tẻh, Madaguôi, K’long… ở Lâm Đồng. Những làng này hiện nay trở thành các giáo xứ của đồng bào dân tộc thiểu số. Làng định cư, định canh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thay đổi thói quen, tập quán không có lợi cho sản xuất, thiết lập thói quen mới giúp cho người dân ổn định, có điều kiện để phát triển sản xuất theo vườn, rẫy chuyên canh, bảo vệ tài nguyên rừng. Khi các nhà truyền giáo đến Tây Nguyên, họ đã đưa theo người Kinh lên giúp việc, đồng thời phổ biến, hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, biết gieo trồng đúng vụ thay vì trông chờ sự linh ứng, báo mộng của thần linh mà bỏ lỡ thời tiết thuận lợi cho thời vụ canh tác; biết dùng trâu, bò để cày thay sức con người và phát triển kinh tế chứ không phải dùng để tế thần như trước: "Sử dụng trâu bò làm công cụ sản xuất là bước tiến lớn thay đổi về nhận thức và hành

động đột phá dũng cảm trong phương thức sản xuất" [104, tr.91]. Với phương thức định cư, định canh năng suất tăng nhiều lần so với lúa rẫy, hạn chế mất mùa, đói kém đời sống người dân tộc theo Công giáo khá hơn, ổn định hơn so với đồng bào dân tộc thiểu số không theo Công giáo [129, tr.197].

Thay đổi phương thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa: từ việc lập các làng định cư, các trung tâm truyền giáo ban đầu, dần hình thành các giáo xứ, giáo họ. Đây không những là trung tâm hoạt động tôn giáo mà còn là địa điểm sinh hoạt kinh tế. Tín đồ sinh hoạt tôn giáo theo hình thức cộng đồng lấy nhà thờ làm trung tâm, nên mối quan hệ giữa các cá nhân khá mật thiết không chỉ trong đức tin mà cả trong phát triển kinh tế. Trong sinh hoạt tôn giáo, hoạt động giao lưu kinh tế giữa các tín đồ được trao đổi, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giảm đi tính khép kín, tự cung, tự cấp tạo điều kiện cho người dân chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hàng hóa.

Với, việc thay đổi phương thức sản xuất chuyên canh, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm của bà con làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của gia đình mà còn cung cấp cho thị trường các loại nông, thổ sản đặc sắc của vùng, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 83 - 84)