Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người dân về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên còn hạn chế

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 111 - 114)

hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên còn hạn chế

- Hạn chế trong nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Cán bộ là khâu then chốt, quyết định đến việc thực thi chính sách, tạo đồng thuận xã hội, là lực lượng quyết định đưa Tây Nguyên phát triển theo hướng bền vững. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng ở khu vực Tây Nguyên: Trong Hội đồng nhân dân cấp xã, số đại biểu người dân tộc là 6.576/17.488, chiếm 37,6%; trong cơ cấu đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cấp xã là 6.989/24.047 người, chiếm 29,06%; đội ngũ cán bộ chủ chốt người dân tộc ở thôn, buôn là 10.366/36.601 chiếm 28,32% [trích theo 34, tr.308]. Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một bộ phận cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập về trình độ và năng lực, chất lượng không đồng đều, hoạt động chưa sát với thực tế phong tục, tập quán của đồng bào, nắm chủ trương, chính sách không sâu dẫn đến hiệu quả công tác thấp.

Trước đổi mới, nhìn chung công tác đối với tôn giáo, trong đó có Công giáo còn những hạn chế theo hướng xem Công giáo là đối tượng phải quản lý chặt. Từ khi đất nước đổi mới đến nay nhận thức, quan điểm của Đảng về tôn giáo đã có những thay đổi, theo đó khẳng định tôn giáo trong đó có Công giáo có nhiều yếu tố tích cực và công tác đối với Công giáo chuyển sang công tác vận động quần chúng. Đây chính là bước đột phá quan trọng của Đảng, Nhà nước mở đường cho quan hệ gắn bó giữa Nhà nước và Giáo hội vì mục tiêu chung, mở đường cho Công giáo tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Tây Nguyên, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên về tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng vẫn chưa theo kịp tinh thần đổi mới của Đảng, Nhà nước. Một số nơi Công giáo vẫn bị nhìn nhận dưới góc độ chính trị, gắn với quá khứ truyền giáo của thực dân, đế quốc, là "đối tượng cần quản lý chặt chẽ". Sự hiện diện của Công giáo gần hai thế kỷ với số lượng tín đồ hơn một triệu người, nhưng vẫn còn cán bộ chưa nhận thức sâu sắc Công giáo là bộ phận không thể tách rời của Tây Nguyên. Các hoạt động tích cực của Công giáo chưa được đánh giá đúng. Nhận thức trên tiếp tục là rào cản, gây mâu thuẫn giữa tôn giáo, trong đó có Công giáo với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

-Hạn chế trong nhận thức của người dân, trong đó có tín đồ Công giáo về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Tây Nguyên đã và đang nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, làm chuyển biển đời sống người dân theo hướng tích cực. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước thì đời sống người dân còn nghèo, trình độ học vấn còn thấp dẫn đến nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững, về ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững chưa rõ ràng.

Quy mô kinh tế còn nhỏ, yếu và cơ bản vẫn dựa trên nền tảng nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Nhiều buôn, làng chưa có điện, thiếu đường giao thông, thủy lợi, trường, lớp mẫu giáo và nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội yếu làm hạn chế sự phát triển, làm giảm khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Hạ tầng công nghiệp, dịch vụ chưa đáp ứng

yêu cầu của đời sống dân cư, hệ thống thủy lợi chưa chủ động được nguồn nước nên hạn hán, lũ lụt vẫn xẩy ra thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, trình độ dân trí và nhận thức của người dân, trong đó có tín đồ Công giáo.

Đời sống người dân, trong đó có tín đồ Công giáo còn khó khăn kéo theo trình độ dân trí thấp, nhận thức về niềm tin Công giáo của tín đồ còn bị chi phối bởi đội ngũ chức sắc, tu sĩ hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp. Việc mở rộng truyền giáo ở Tây Nguyên là chiến lược lâu dài của Công giáo. Thực hiện chiến lược này, Giáo hội không ngừng đầu tư, xây dựng các công trình tôn giáo, xã hội; tổ chức các hoạt động để thu hút, tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động truyền giáo. Ngoài ra những đóng góp của tín đồ cho các hoạt động tôn giáo cũng trở thành gánh nặng đối với tín đồ gia đình còn khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Việc tổ chức quá nhiều các hoạt động tôn giáo vừa lấy đi của tín đồ không chỉ thời gian, chi phí mà còn khiến cho một phận tín đồ, nhất là tín đồ người dân tộc thiểu số thụ động, ỉ lại. Cũng do trình độ nhận thức hạn chế, nên trong nhiều trường hợp tín đồ chưa dám đấu tranh với những sai trái, trục lợi của một số chức sắc ở địa bàn.

Phát triển giáo dục trong vùng dân tộc còn gặp nhiều khó khăn do nhiều gia đình đông con không có điều kiện cho con ăn học, do vậy, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn phổ biến, chất lượng giáo dục thấp, cơ sở vật chất không đảm bảo nên trẻ em không muốn đến trường. Hiện còn nhiều xã chưa có trường mầm non, hàng chục trường học liên cấp, 9.266 phòng học tạm (chiếm 23,5% số phòng học) [34, tr.370]. Chất lượng giáo dục, đào tạo các trường chậm được cải thiện, ảnh hưởng đến việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo cán bộ người dân tộc. Công tác dạy nghề chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu học nghề trong xã hội và chưa đóng góp đáng kể vào việc tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là vùng dân tộc.

Mặc dù, các tỉnh Tây Nguyên đang khôi phục lại văn hóa các dân tộc thiểu số, nhưng quá trình thực hiện thiết chế truyền thống buôn, làng không được phát huy đầy đủ trong thiết chế xã hội hiện nay, các lễ hội bị thu hẹp cả về không gian, thời gian không thực sự gắn với cộng đồng, không gian buôn, làng nên không đủ sức hấp dẫn lôi cuốn lớp trẻ, dẫn đến xu hướng bản sắc văn hóa truyền

thống bị mai một. Số già làng tuổi cao, trình độ văn hóa và nhận thức hạn chế, khả năng tiếp thu cái mới chậm, không còn vị thế bảo ban, dẫn dắt thế hệ trẻ, một số vị có tư tưởng bảo thủ, cục bộ dòng tộc. Trong bối cảnh đó khoảng trống tâm linh xuất hiện và trước sự tác động, bền bỉ của Công giáo, người dân dễ dàng "cải đạo", bỏ tín ngưỡng truyền thống sang theo Công giáo để được tham gia nhiều sinh hoạt tôn giáo phong phú, đa dạng có tính tổ chức cao.

Sự chênh lệch giàu, nghèo không chỉ diễn ra ở lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực hưởng thụ văn hóa, giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào các dân tộc tại chỗ với các nhóm dân cư khác đã và đang trở thành vấn đề thách thức trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện bình đẳng giữa tộc người đa số với các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên cả trước mắt và lâu dài.

Như vậy, đời sống kinh tế và nhận thức của người dân còn thấp, dễ nảy sinh mâu thuẫn, tệ nạn xã hội và các hoạt động vi phạm pháp luật gia tăng, sẽ là cớ để một số phần tử cực đoan lợi dụng tình hình kinh tế, xã hội, trình độ học vấn và nhận thức của người dân thấp để tuyên truyền xuyên tạc về những bất bình đẳng và công bằng xã hội giữa các dân tộc ở Tây Nguyên, làm cho người dân hoài nghi, giảm lòng tin vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Vấn đề đặt ra là cần nâng cao trình độ dân trí, nhận thức để người dân hiểu sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Qua đó để họ thấy được trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách pháp luật, vươn lên làm giàu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp, lành mạnh, phát huy nội lực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo từ bên ngoài để góp phần phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 111 - 114)