Công giáo thực hiện đoàn kết dân tộc và tạo đồng thuận xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 90 - 95)

Một là, chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động tôn giáo

Công giáo là tôn giáo sống theo Giáo luật và luật lệ của Giáo hội, nên ý thức chấp hành pháp luật được đề cao. Thực hiện các sinh hoạt tôn giáo theo một quy chuẩn, điều đó tạo nên một thói quen trong việc tuân thủ quy tắc luật lệ, nên các hoạt động tôn giáo ổn định, nền nếp. Chức sắc, tu sĩ được đào tạo bài bản, họ

chủ động trong tìm hiểu và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của Giáo hội cũng như tín đồ. Mối quan hệ giữa Công giáo và chính quyền các cấp ngày một tốt hơn dựa trên cơ sở pháp luật và đối thoại, tôn trọng lẫn nhau. Trong sinh hoạt tôn giáo, chức sắc thường khuyên tín đồ phải biết chấp hành pháp luật, xây dựng tình đoàn kết trong buôn, làng. Theo kết quả điều tra của luận án, có 95,45% tín đồ được hỏi cho rằng họ được giám mục, linh mục, tu sĩ khuyên bảo chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; 87,12% được khuyên bảo xây dựng tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ mọi người [Bảng 3.1]. Tín đồ Công giáo thực hiện pháp luật gắn với thực hành giáo lý và sự khuyên bảo của chức sắc làm cho ý thức chấp hành pháp luật nâng cao hơn.

Ý thức chấp hành pháp luật của chức sắc, tu sĩ, tín đồ còn được thể hiện trong việc tham gia đầy đủ, nghiêm túc các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do các cơ quan chức năng tổ chức. Theo kết quả điều tra của luận án, có 66,67% số tín đồ, 62,04% chức sắc được hỏi tham gia các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo do chính quyền các cấp tổ chức [Bảng 3.6a]. Thông qua sinh hoạt tôn giáo, tín đồ có thêm kênh tiếp cận và nâng cao ý thức thực hiện pháp luật, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Những ý kiến góp ý chính đáng của Giáo hội cũng chính là kênh phản biện xã hội giúp việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ngày một hoàn thiện hơn.

Hai là, Công giáo góp phần tạo đồng thuận trong cộng đồng dân tộc - tôn giáo

Trước đây, Tây Nguyên thuần nhất là cộng đồng dân tộc với đời sống tâm linh đa thần, đa tín ngưỡng. Khi các tôn giáo truyền vào, cộng với quá trình di cư đã tạo ra mâu thuẫn giữa việc tăng dân số tự nhiên chậm và tăng cơ giới nhanh, làm biến đổi các buôn, làng truyền thống thuần khiết, thay vào đó là cộng đồng buôn, làng đa dạng thành phần dân tộc, tôn giáo. Thiết chế tự quản buôn, làng truyền thống được thay thế bằng tổ chức tự quản theo quy định của pháp luật.

Để giữ tín đồ và phát triển đạo giảm bớt những khác biệt dễ làm nảy sinh mâu thuẫn xã hội, Công giáo đã tận dụng thiết chế buôn, làng truyền thống để xây dựng thiết chế Công giáo một cách tinh tế. Trong thiết chế Công giáo, vai trò

của già làng được phiên sang Ông Trùm (Chủ tịch Hội đồng mục vụ) giúp linh mục trong việc quản lý, đôn đốc tín đồ thực hiện các sinh hoạt tôn giáo, là cánh tay nối dài của chức sắc trong các giáo xứ. Bên trong thiết chế tự quản do Nhà nước thành lập, tồn tại thêm thiết chế "buôn, làng dân tộc - Công giáo" cùng điều chỉnh hoạt động của người dân. Người dân được chức sắc khuyên bảo trong việc xây dựng đoàn kết dân tộc, tôn giáo, cảm nhận được sự gần gũi với thiết chế buôn, làng truyền thống, được sống trong không gian của buôn, làng mặc dù giá trị Công giáo đã dần thay thế giá trị của các phong tục tập quán. Theo kết quả điều tra của luận án có 87,12% tín đồ được hỏi cho rằng họ được chức sắc khuyên bảo xây dựng tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ mọi người; 91.67% tín đồ được hỏi cho rằng họ được chức sắc khuyên bảo tham dự các hoạt động văn hóa, thể thao ở địa phương do chính quyền tổ chức [Bảng 3.1]. Trong cộng đồng dân tộc - tôn giáo, niềm tin tôn giáo, sự kính trọng Chúa trời và sống theo những lời răn dạy của đạo đã dần làm mềm đi tính bảo thủ của người dân tộc thiểu số, tạo ra sự cởi mở, đón nhận và chia sẻ với những người xung quanh, làm tăng tính đồng thuận trong buôn, làng. Theo kết quả điều tra của luận án đánh giá về đồng thuận có 70,45% cán bộ được hỏi cho rằng tín đồ Công giáo thực hiện tốt đoàn kết với các tôn giáo khác và cộng đồng dân cư. Đấy chính là đóng góp của Công giáo trong đồng thuận xã hội.

Trong phát triển bền vững về xã hội ở Tây Nguyên hiện nay, việc vận dụng, phát huy thiết chế buôn, làng truyền thống - Công giáo để xây dựng thiết chế buôn, làng theo hướng tự quản, phát huy vai trò của chức sắc, tu sĩ Công giáo để tạo đồng thuận xã hội là rất cần thiết. Rõ ràng, việc hình thành cộng đồng dân tộc - Công giáo và thay thế thiết chế tự quản buôn, làng truyền thống, Công giáo đã góp phần tạo tiền đề "mở" để các cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên đón nhận sự biến đổi thiết chế xã hội trước làn sóng di cư người từ nơi khác đến, giảm tải những xung đột xã hội, tạo ra sự hòa nhập cộng đồng để cùng phát triển.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, vẫn còn những ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo chưa tạo được sự đồng thuận xã hội trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên như:

Một là, việc thay thế các giá trị văn hóa trong thiết chế buôn, làng truyền thống bằng giá trị văn hóa Công giáo đã làm mất dần bản sắc văn hóa truyền thống và dễ dẫn đến xung đột văn hóa

Sự phát triển cả về số lượng và phạm vi của các giáo xứ, giáo họ, đồng nghĩa với thiết chế hành chính Công giáo được thành lập. Trong buôn, làng, tín đồ vừa phải theo quy định của thiết chế xã hội do nhà nước thành lập, trong giáo xứ họ phải theo thiết chế hành chính đạo. Nếu hai thiết chế này không đồng thuận sẽ tạo mâu thuẫn và khó khăn cho tín đồ trong thực hiện nhiệm vụ kép "vừa là công dân, vừa là giáo dân".

Trong thiết chế buôn làng truyền thống, người dân tộc thiểu số ít sợ vi phạm luật pháp Nhà nước nhưng họ rất sợ luật tục. Giờ đây, tín đồ sợ linh mục và phạm luật Giáo hội hơn luật nhà nước. Trong thiết chế buôn, làng truyền thống, người nào phạm tội sẽ bị già làng và cộng đồng làng xét xử, tội nặng bị đuổi ra khỏi làng. Trong thiết chế Công giáo, tội nhẹ thì phải xưng tội và phải được linh mục tha tội, tội nặng thì không được tham dự vào các lễ nghi, bị cộng đồng lên án, nhất là khi tín đồ vi phạm luật của Giáo hội về kế hoạch hóa gia đình. Tính tương đồng này làm mất dần đi giá trị văn hóa thuần khiết trong các buôn, làng truyền thống ở Tây Nguyên và giá trị văn hóa trong thiết chế Công giáo thay thế, phủ bóng.

Việc thay thế giá trị văn hóa Công giáo ở các buôn, làng không chỉ góp phần thúc đẩy việc phá vỡ kết cấu xã hội truyền thống mà còn gây nên những bất đồng xã hội, giữa cộng đồng Công giáo với cộng đồng không Công giáo, biểu hiện dưới dạng hiềm khích về niềm tin, về đối tượng thờ phụng và các nghi lễ, nếu không kiểm soát, dễ biến thành những mâu thuẫn, xung đột xã hội.

Một số nơi thiết chế Công giáo hoạt động mạnh lấn át hoạt động của thiết chế xã hội do nhà nước thiết lập, lấn át chính quyền cơ sở và các hội quần chúng. Theo kết quả điều tra của luận án có 44,02% cán bộ được hỏi cho rằng tín đồ Công giáo thường xuyên tham gia sinh hoạt các tổ chức đoàn, hội quần chúng; 22,01% cán bộ được hỏi cho rằng tín đồ Công giáo thỉnh thoảng mới tham dự các buổi họp thôn, xóm hoặc tổ dân phố [Bảng 3.8]. Trong khi đó có 61,11% chức sắc, tu sĩ được hỏi cho rằng tín đồ thường xuyên tham gia Thánh lễ hàng

ngày; 54,62% chức sắc, tu sĩ cho rằng tín đồ thường xuyên sinh hoạt trong các ban, hội đoàn tôn giáo [Bảng 3.9]. Điều đó có nghĩa sức hút của các hội đoàn Công giáo ở đây mạnh hơn các đoàn thể chính trị - xã hội. Nơi nào, hệ thống chính trị cơ sở yếu, chức sắc có tư tưởng cực đoan, hoặc không đồng thuận với chính quyền thì dễ gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Hai là, vi phạm pháp luật trong hoạt động an sinh xã hội

Caritas và các dòng tu ở 3 giáo phận Tây Nguyên đã và đang thúc đẩy các hoạt động từ thiện nhân đạo ở tầm vĩ mô cả trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn tài trợ, nhất là các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Hoạt động an sinh xã hội có ảnh hưởng không chỉ trong cộng đồng người Công giáo, mà còn lan tỏa ra các thành phần xã hội khác. Trong một số trường hợp, Giáo hội thường tranh thủ hoạt động này để lách luật trong việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội, làm trước xin sau, ban đầu hình thành nhóm nhỏ, sau đó phát triển thành trung tâm. Tại Lâm Đồng, trong 12 cơ sở bảo trợ có 4 cơ sở trái phép, không đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật [158].

Một số giáo xứ, dòng tu tự ý tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo không thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Hội chữ thập đỏ các cấp theo quy định. Khi chính quyền xử lý thì lấy lý do nhân đạo để chống chế, đưa chính quyền vào thế bị động. Kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội phụ thuộc vào sự viện trợ của tổ chức bên ngoài (theo báo cáo của Caritas giáo phận Kon Tum năm 2016 thì 80

% kinh phí là từ bên ngoài). Việc nhận tài trợ, thu, chi trong các cơ sở bảo trợ xã hội hiện các ngành chức năng chưa quản lý được, tiềm ẩn nhiều phức tạp khi bị lợi dụng vào mục đích trục lợi hoặc chính trị.

Với nhận thức còn hạn chế của tín đồ và sự quảng bá của Công giáo thì những lợi ích mà người dân, trong đó có tín đồ Công giáo đang được thụ hưởng từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bị hiểu sai trước những hoạt động từ thiện của Công giáo (do Chúa ban). Làm giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo tâm lý so bì giữa người theo và không theo Công giáo, tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 90 - 95)