Pháp luật về tôn giáo và các luật chuyên ngành còn thiếu đồng bộ làm hạn chế việc phát huy ảnh hưởng tích cực của Công giáo trong phát triển

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 117 - 118)

làm hạn chế việc phát huy ảnh hưởng tích cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Luật tín ngưỡng, tôn giáo với những điểm mới, những quy định cụ thể sẽ là cơ sở pháp lý trong việc quản lý hoạt động tôn giáo ngày một hiệu quả hơn và cũng buộc các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, các đạo luật chuyên ngành khác có liên quan như: Luật đất đai, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... chưa có quy định rõ, việc tổ chức tôn giáo được hoạt động ở phạm vi nào (trừ giáo dục mầm non). Chính quyền có cơ chế để thực hiện nhưng lại ít kêu gọi được nguồn lực (xã hội hóa), ngược lại Công giáo kêu gọi được nguồn lực nhưng bị bó cơ chế thực hiện. Công giáo chưa được phép mở các bệnh viện, trường học các cấp; cơ chế để hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề còn vướng, dẫn đến chính quyền địa phương chưa tận dụng được nguồn lực của Công giáo cho phát triển xã hội, có nơi "lờ đi", có nơi "cấm" vì không có cơ sở giải quyết, không quản lý được các hoạt động đang diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên, dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ trương và thực tế.

Luật Đất đai đã sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2014, nhưng vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo nói chung chưa tìm được hướng giải quyết. Theo quy định, đất sử dụng vào mục đích tôn giáo do Nhà nước giao, nhưng địa phương không có quy hoạch nên khi tôn giáo có nhu cầu thì không đáp ứng được. Tôn giáo tự mua, nhận hiến, nhượng tạo nguồn đất thì không hợp pháp (luật cấm). Dẫn đến tôn giáo đòi lại đất đai cơ sở thờ tự hiện do các tổ chức khác quản lý, sử dụng, có vụ việc khiếu kiện kéo dài, phản ứng lại chính sách đất đai để lại hậu quả xấu trong quan hệ giữa nhà nước và giáo hội, làm giảm lòng tin của tín đồ, chức sắc đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quản lý của chính quyền địa phương. Mâu thuẫn giữa việc thực hiện chính sách đất đai và thực tế phát triển của Công giáo, cũng như việc tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu hợp pháp của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.

Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về công tác tôn giáo đã nêu rõ cần phát huy giá trị đạo đức tôn giáo. Công giáo có những giá trị đạo đức và văn hóa phù hợp với truyền thống dân tộc; việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, chữ viết cho một số dân tộc ở Tây Nguyên, hội nhập văn hóa tôn giáo trong hội họa, kiến trúc, âm nhạc v.v… đã góp phần truyền tải, giữ gìn văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần loại bỏ một số hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng nhưng quá trình thực thi chưa được nhìn nhận và phát huy. Đến nay, chưa được cụ thể hóa để tạo động lực cho Công giáo trong đóng góp vào phát triển bền vững về văn hóa ở Tây Nguyên.

Vấn đề đặt ra là cần có sự đồng bộ trong quy định giữa pháp luật về tôn giáo và các luật chuyên ngành, gắn với vấn đề dân tộc để đồng nhất trong thực hiện và tạo đồng thuận từ phía các tổ chức tôn giáo, trong đó có Công giáo vì mục tiêu chung là phát triển bền vững Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 117 - 118)