Giáo hội hỗ trợ tín đồ về kỹ thuật, vốn trong phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 84 - 88)

Chức sắc, tu sĩ Công giáo là người có trình độ, một số có vốn kiến thức kinh tế, nên trong sinh hoạt tôn giáo họ chỉ dạy người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho năng suất cao. Có linh mục đi học nông nghiệp, học kinh nghiệm cách trồng, chăm bón cây cà phê, mời cán bộ có chuyên môn về chỉ dạy cho bà con cách làm như: Linh mục Nguyễn Hưng Lợi, giáo xứ Thanh Hà, Lâm Đồng dạy người dân cách trồng cây cà phê cho năng xuất cao nên nhiều hộ đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang. Giáo phận Đà Lạt hỗ trợ các hộ gia đình/nhóm bằng việc tổ chức chương trình: thực hành nông nghiệp bền vững; thử nghiệm các mô hình (nuôi vịt tại Cilmup, cắt tỉa cà phê tại Liêng Trang 2); hình thành tổ hợp tác trồng rau hữu cơ tại Tutra, tại Đinh Trang Hòa (Lâm Đồng) cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng 100kg/tuần. Năm 2016, giáo phận Đà Lạt tổ chức các khóa tập huấn cho nhân viên về: nông nghiệp bền vững, nông

nghiệp sinh thái, quản lý cộng đồng và lâm nghiệp. Theo kết quả điều tra xã hội học của luận án có 93,94% tín đồ được hỏi cho rằng họ nhận được sự khuyên bảo, hướng dẫn từ phía chức sắc, tu sĩ trong làm ăn phát triển kinh tế [Bảng 3.1].

Các chức sắc, tu sĩ với uy tín, ảnh hưởng của mình thông qua nhiều hình thức đã huy động được các nguồn vốn từ người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và các nguồn tài trợ từ nước ngoài để thực hiện chương trình giúp đỡ tín đồ phát triển kinh tế địa phương. Thông qua sinh hoạt tôn giáo, các linh mục, tu sĩ nắm rõ đời sống kinh tế của từng hộ gia đình trên địa bàn. Với gia đình nghèo họ hỗ trợ, cho vay vốn không lãi để sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, giống. Theo kết quả khảo sát của luận án, tín đồ Công giáo nhận sự hỗ trợ từ các chức sắc, tu sĩ trong làm ăn kinh tế như sau: 24,76% nhận được hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi; 20,46% nhận được hỗ trợ từ việc giúp bao tiêu sản phẩm; 34,85% nhận được hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây trồng, con giống; 18,9% nhận được giúp đỡ trong đào tạo nghề [Bảng 3.2]. Các doanh nghiệp Công giáo được chức sắc khuyên bảo làm ăn trung thực, đóng thuế đầy đủ góp phần phát triển kinh tế đất nước. Các giáo phận thành lập Nhóm Tín dụng giúp phụ nữ người dân tộc phát triển kinh tế hiệu quả, giáo phận Kon Tum hiện có: 86 Tổ Tiết kiệm tương trợ trong 32 làng thuộc 11 giáo xứ (5 giáo xứ Kon Tum, 6 giáo xứ Gia Lai), vốn thực hiện là 3,6 tỷ đồng đã giúp cho nhiều người nghèo được vay vốn [80, tr.55]. Ngoài tác động về kinh tế, chương trình còn có tác động về xã hội, đó là động viên, nâng cao vai trò người phụ nữ với gia đình và xã hội. Tính đến nay, theo thống kê sơ bộ đã có trên 30 xã có đông đồng bào Công giáo tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, tu sĩ luôn chỉ dạy tín đồ biết "tiết kiệm, chống lãng phí", ốm đau dùng thuốc, đi viện thay vì giết trâu, bò, lợn gà để làm vật cúng tế gây tốn kém. Tín đồ vừa tiết kiệm, lại có tiền lo cho con ăn học và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo kết quả điều tra của luận án, có 90,57% cán bộ địa phương cho rằng: tín đồ Công giáo chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế [Bảng 3.4]. Khảo sát 109 chức sắc, tu sĩ Công giáo, với nội dung đánh giá về đời sống của tín đồ Công giáo hiện nay trên địa bàn, luận án thu được kết quả như sau: 83% đánh giá tốt hơn, 9,92% cho là không thay đổi và 7,08 % cho là kém

hơn [Bảng 3.5], rõ ràng đời sống của tín đồ Công giáo đang ngày một phát triển. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương là cơ bản, nhưng sự hỗ trợ từ phía Giáo hội cũng góp phần thay đổi nhận thức của tín đồ trong phát triển kinh tế, chăm chỉ làm ăn, nâng cao trình độ sản xuất, tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm góp phần giúp đồng bào thoát nghèo. Những quy tắc trong làm ăn dựa trên nền tảng đức tin và lối sống được khuyên răn hàng ngày trong sinh hoạt tôn giáo không chỉ có ý nghĩa giúp người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, mà còn tạo động lực, niềm đam mê trong phát triển kinh tế và phù hợp với chủ trương phát triển bền vững về kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế, Công giáo vẫn còn tồn tại những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững như:

Một là, sinh hoạt tôn giáo của tín đồ ảnh hưởng đến thời gian sản xuất

Trong đời sống đạo, việc tín đồ tham gia các lễ nghi và thực hiện các hành vi tôn giáo là điều bắt buộc, thực hiện tại nhà thờ, có sự tham dự của các tín đồ và do chức sắc làm chủ lễ. Tín đồ phải tham dự ít nhất 01 thánh lễ trong ngày, thứ 7, chủ nhật nhiều hơn, thời gian từ 45 phút đến 01 giờ, có lễ dài hơn tùy theo tính chất. Chính điều này đã ảnh hưởng đến thời gian lao động sản xuất, nhất là khi vào mùa vụ, hoặc đi rừng, đi rẫy, đi làm ăn xa. Số tín đồ ở xa nhà thờ thì việc phải đi xa để tham gia các lễ đã hạn chế thời gian lao động sản xuất gây tốn kém về tiền của, thời gian và sức khỏe. Theo khảo sát của luận án với 135 tín đồ khi đưa ra 5 lý do để họ theo đạo, thì 2 lý do có số tín đồ ưu tiên xếp thứ nhất là: theo đạo vì niềm tin được cứu rỗi và nhận được nhiều ơn phước (57%); theo đạo vì truyền thống gia đình (41%) [Bảng 3.3]. Đối với việc tham gia sinh hoạt tôn giáo thì chỉ có 6,82% tín đồ được hỏi trả lời không tham gia thánh lễ hàng ngày; chỉ có 0,75% tín đồ trả lời không tham gia thánh lễ hàng tuần [Bảng 3.3]. Điều đó cho thấy việc tham dự thánh lễ, thực hiện các nghi thức của đạo đối với tín đồ vừa là "bổn phận", vừa là "thói quen" không dễ bỏ và thay đổi.

Trong đời sống tôn giáo, mặc dù không bắt buộc, nhưng sự kêu gọi của Giáo hội cho việc xây dựng, sửa chữa nhà thờ, tổ chức các hoạt động tôn giáo

buộc tín đồ phải đóng góp công, của. Một số lễ nghi tôn giáo như lễ hôn phối, làm phép nhà, lễ rửa tội, lễ đặt tên, tang ma… đều phải có tiền để xin lễ từ các linh mục trong khi, đời sống của người dân còn nghèo, nhiều gia đình đang trong diện nhận hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội thì đây là trở ngại về kinh tế. Tâm lý cúng tiến cho Chúa để được nhiều phước lành, tâm lý sợ đồng đạo chê cười, muốn được các linh mục quan tâm nên nhiều gia đình dù khó khăn cũng cố gắng vay mượn để cúng tiến với niềm tin mọi sự do Chúa sắp đặt. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và kinh tế của người dân.

Hai là, tâm lý trông chờ ỷ lại vào "Chúa" đã cản trở sự nỗ lực, sáng tạo của tín đồ trong phát triển kinh tế

Quan niệm về sinh đẻ "Chúa muốn bao nhiêu chúng con sinh bấy nhiêu" của Công giáo đã làm tăng dân số nhanh ở vùng đồng bào có đạo. Đông con, đời sống kinh tế gia đình khó khăn, ít có điều kiện lo cho con học cao, dẫn đến nghèo đi liền với trình độ thấp. Họ luôn tìm lối thoát cho những khổ đau, bế tắc, nghèo khổ trong cuộc sống bằng cách phó thác cho Chúa. Nghèo được giải thích là "Chúa đang thử thách, Chúa sẽ không bỏ rơi con cái của Người, phải siêng năng cầu nguyện, tham dự các thánh lễ" và Chúa sẽ chỉ đường cho họ nếu họ luôn tin vào Chúa. Niềm tin đó tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ cộng thêm thói quen ít chịu khó, ít sáng tạo trong làm ăn nên đời sống kinh tế phát triển chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế ở Tây Nguyên.

Một số gia đình nắm bắt được cơ hội làm ăn từ chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương thì Công giáo lại lấy đó để giải thích là do "Chúa đã mang đến cho họ, vì do họ siêng năng cầu nguyện và dâng cúng vật chất cho công việc của Giáo hội", việc chính quyền làm cũng do Chúa sắp đặt. Điều này làm cho tín đồ hoài nghi, xa rời mục tiêu và thành quả đổi mới của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Có thể thấy, dù thay đổi nhiều so với trước, nhưng đời sống người dân, nhất là tín đồ Công giáo còn khó khăn, ít có sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế và nhận thức đúng của tín đồ Công giáo về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển bền vững về kinh tế ở Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w