hướng đa dạng, phù hợp thiết thực hơn nhằm phát triển đức tin theo hướng bền vững
Một là, Công giáo sẽ phát huy vai trò của tín đồ trong việc giữ đạo và truyền đạo
Củng cố đức tin cho tín đồ là việc sống còn của Giáo hội dù ở bất cứ hoàn cảnh nào và trong thời đại nào bởi đức tin là "cốt" của đạo. Tuy nhiên, xã hội phát triển, đời sống khá giả, nhiều gia đình Công giáo, đặc biệt là lớp trẻ không còn sống đạo như xưa. Tình trạng khô nhạt đạo, bỏ đạo đang diễn ra đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của đạo. Trước tình trạng đó, Giáo hội sẽ thay đổi sinh hoạt tôn giáo không còn theo lối "sáng lễ, chiều kinh" rập khuôn như trước mà tập trung củng cố đức tin ngay trong gia đình, dòng họ, xứ đạo và nâng cao
vai trò của tín đồ trong hoạt động tôn giáo. Củng cố, phát triển tổ chức bằng việc thiết lập giáo họ, giáo xứ, các điểm truyền giáo tại vùng sâu, vùng xa gắn liền với tạo quỹ đất xây dựng cơ sở tôn giáo.
Thành lập các hội đoàn trong các giáo xứ, giáo phận và hướng đến mỗi tín đồ ít nhất tham gia làm thành viên của 01 hội. Giáo hội sử dụng các hội đoàn làm nòng cốt trong việc truyền giáo cho chính đồng bào của họ, gắn với việc giúp đỡ nhau không chỉ trong đức tin mà còn hỗ trợ trong cuộc sống. Giáo hội sẽ chú trọng đến việc giúp đỡ giới trẻ trong mọi phương diện, từ tâm sinh lý đến học tập, hướng nghiệp, hôn nhân gia đình để củng cố phát triển đức tin.
Xu hướng này tạo ra sự năng động, trách nhiệm của tín đồ không chỉ trong việc thực hành đức tin mà cả xã hội; gắn kết, đoàn kết các thành viên trong cộng đồng tôn giáo, hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của các tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào cộng đồng, nhất là giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, vô hình chung đã tách tín đồ ra khỏi các hội quần chúng ngoài xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội sẽ khó thu hút được hội viên nếu không có nội dung phong phú, hình thức đa dạng và giải pháp phát triển hội thích hợp. Điều này làm giảm vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức của quần chúng ở cơ sở, gây khó khăn trong tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Hai là, Công giáo sẽ thúc đẩy hội nhập văn hoá ở tầm vĩ mô và tham gia sâu vào các hoạt động xã hội
Hội nhập văn hóa trong truyền giáo đã được Giáo hội triển khai ở Tây Nguyên rất sớm và tính hợp lý của nó đã thể hiện rất rõ, tuy nhiên, mới ở dạng nhỏ lẻ và phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chức sắc, tu sĩ cũng như điều kiện truyền giáo.
Để xác lập ảnh hưởng của Công giáo ở Tây Nguyên một cách bền vững, Công giáo sẽ có hướng đi mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Đó chính là việc thực hiện các dự án lớn trong giữ gìn và khôi phục văn hóa các dân tộc thiểu số theo "cách riêng" của Công giáo. Đẩy mạnh việc dạy tiếng, dạy chữ viết, tổ chức các thánh lễ riêng cho tín đồ người dân tộc ở các giáo xứ, đào tạo chức sắc, tu sĩ là tín đồ người dân tộc thiểu số. Hiện tại chủng sinh các giáo phận Tây Nguyên đang theo học tại các Đại chủng viện trong 3 tháng hè phải dành 01 tháng để học
tiếng các dân tộc tại Tòa giám mục. Đồng thời Giáo hội cũng luôn có những đề nghị với chính quyền trong việc tham gia sâu vào các hoạt động y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo.
Công giáo tự bản thân là tôn giáo nhập cuộc đưa đạo vào đời, gắn sinh hoạt tôn giáo với các vấn đề xã hội. Thay vì, từ thiện nhân đạo mang tính nhỏ lẻ theo từng giáo xứ, giáo họ, dòng tu thì tới đây Công giáo sẽ thực hiện các hoạt động xã hội bằng các dự án, quy mô giáo phận và liên kết không chỉ với các tổ chức trong nước mà còn mang tính quốc tế thông qua hệ thống Caritas các giáo phận hoạt động mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Thay vì chỉ hoạt động tôn giáo thuần túy, Công giáo sẽ tích cực tham gia sâu, rộng vào các tổ chức chính trị, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tạo ra kênh phản biện xã hội đối với việc ban hành chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, tôn giáo và việc triển khai thực hiện ở địa phương. Xu hướng này không những góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật mà còn khẳng định quyền lợi và trách nhiệm của người Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Xu hướng này cũng thúc đẩy việc dân chủ hóa trong đời sống xã hội, từ đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương phải coi trọng việc minh bạch hóa quá trình lãnh đạo, quản lý, đồng thời tạo sự đồng thuận giữa nhà nước và các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo trong việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.