Làm tốt công tác xây dựng cốt cán, đảng viên trong Công giáo; vận động, tranh thủ chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tạo đồng thuận xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 139 - 142)

vận động, tranh thủ chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo tạo đồng thuận xã hội góp phần phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Một là, làm tốt công tác xây dựng cốt cán và phát triển đảng viên trong Công giáo tạo đồng thuận xã hội góp phần phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Làm tốt công tác xây dựng cốt cán trong Công giáo để phát huy ảnh hưởng tích cực trong phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Thời gian qua công tác xây dựng cốt cán trong Công giáo còn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả hạn chế, lực lượng còn mỏng, số cốt cán là chức sắc trong Giáo hội còn ít, lập trường, tư tưởng chưa ổn định, chưa phát huy tốt vai trò trong ổn định tình hình Công giáo và giải quyết các vấn đề phức tạp trong Công giáo.

Mặc dù, đảng viên là tín đồ Công giáo cao hơn các tôn giáo khác trong vùng nhưng việc phát triển đảng viên còn chậm. Tính đến năm 2014, đảng viên Công giáo là 2.446, Tin lành là 631, Phật giáo là 1.945, Cao đài là 84 [Bảng 4.1].

Việc phát triển đảng viên là chức sắc, tu sĩ trong Công giáo còn khó khăn, nhất là ở các giáo xứ, buôn làng Công giáo toàn tòng, nên việc nắm tình hình và xử lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo còn nhiều bất cập. Số chi bộ sinh hoạt ghép, chi bộ "trắng" đảng viên là người tại chỗ giảm chậm. Nhiều buôn, làng có chi bộ nhưng chất lượng sinh hoạt thấp, còn hình thức.

Để làm tốt công tác này cần làm tốt công tác tuyển chọn, xây dựng cốt cán và kết nạp đảng viên là người có đạo để bồi dưỡng, đào tạo phát huy vai trò của họ trong ổn định tình hình tôn giáo, góp phần ổn định xã hội, hạn chế lợi dụng tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật. Công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong Công giáo cần phải làm thường xuyên, tạo cho họ có vị thế, uy tín đối với Giáo hội và tín đồ. Chủ động giải quyết những vấn đề thiết thực trong hoạt động tôn giáo để cốt cán, đảng viên Công giáo tin tưởng vào chủ trương chính sách tôn giáo, cũng như vai trò lãnh đạo của cấp ủy địa phương.

Hai là, làm tốt công tác vận động, tranh thủ chức sắc, tu sĩ Công giáo tạo đồng thuận xã hội góp phần phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Chức sắc, tu sĩ Công giáo, nhất là giám mục, linh mục là người có "thần quyền" và vai trò quan trọng trong cuộc sống của tín đồ, luôn được tín đồ kính trọng. Do vậy, tranh thủ, vận động được chức sắc, tu sĩ là nhiệm vụ cần thiết, cần thực hiện thường xuyên với phương châm "vận động một người được nhiều người", tạo đồng thuận trong thực hiện chủ trương chính sách phát triển kinh tế, xã hội và tôn giáo ở địa phương. Để công tác vận động, tranh thủ chức sắc, tu sĩ mang lại hiệu quả cần thực hiện một số nội dung sau:

Các cấp chính quyền địa phương ở Tây Nguyên cần thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với chức sắc Công giáo vừa để tranh thủ, vận động, vừa nắm tâm tư của họ để phối hợp trong thực hiện chính sách, pháp luật và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong Công giáo. Nâng cao uy tín và đóng góp của chức sắc, tu sĩ trước tín đồ để khích lệ họ trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Trong công tác tôn giáo, cần chú trọng nhân sự của Công giáo ở các cấp để chủ động giúp đỡ, định hướng cho chức sắc hoạt động tôn giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc, hạn chế lệ thuộc, trông chờ từ bên ngoài. Nắm hoạt động và diễn biến tư tưởng của đội ngũ chức sắc, tu sĩ để tìm cách giúp đỡ,

quản lý không để các thế lực xấu lôi kéo chia rẽ, tạo mâu thuẫn nội bộ, tạo xu hướng ly khai thực hiện mục đích chính trị tạo dựng ngọn cờ lôi kéo quần chúng gây bất ổn chính trị.

Cách thức thực hiện là định kỳ tổ chức các buổi gặp mặt, thăm hỏi thường xuyên không chỉ các ngày lễ, tết. Qua việc tiếp xúc để trao đổi, động viên họ hoạt động tôn giáo chấp hành pháp luật; mời họ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao cảnh giác không nghe theo lời xui giục, kích động của các thế lực xấu. Thông qua công tác vận động, gặp gỡ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chức sắc, tu sĩ và chủ động và kịp thời đáp ứng nhu cầu tôn giáo chính đáng.

Thông qua vai trò của họ vận động tín đồ nhận thức đầy đủ hơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đối với hoạt động tôn giáo và chăm lo đời sống người dân; vận động tín đồ gắn hoạt động tôn giáo với nhiệm vụ chung ở địa phương, làm cho hoạt động tôn giáo ổn định góp phần đảm bảo an ninh xã hội. Tạo mối quan hệ gần gũi và tạo niềm tin của chức sắc, tu sĩ, tín đồ đối với Đảng, Nhà nước, gắn bó với chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận và tự giác chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Làm tốt công tác vận động, tranh thủ chức sắc góp phần tạo niềm tin trong quan hệ giữa chính quyền và giáo hội, xóa bỏ định kiến từ quá khứ, động viên chức sắc, tu sĩ yên tâm đóng góp vào quá trình phát triển bền vững ở địa phương.

Trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Tây Nguyên, chính quyền địa phương nên phối hợp, tận dụng, tranh thủ vai trò của chức sắc, tu sĩ Công giáo để trong các sinh hoạt tôn giáo họ tuyên truyền, khuyên bảo tín đồ chấp hành chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, biết cách sử dụng nguồn vốn hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật đúng mang lại hiệu quả cao. Phát triển kinh tế gắn với đạo đức xã hội, bảo vệ môi trường tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng, gắn với thương hiệu vùng. Chức sắc Công giáo có mối quan hệ khá rộng, việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hay hỗ trợ kỹ thuật, vốn là những việc mà thiết nghĩ chính quyền địa phương ở Tây Nguyên nên tận dụng, tranh thủ cho phát triển kinh tế.

Tranh thủ chức sắc, tu sĩ để khai thác nguồn lực của Công giáo phục vụ công tác an sinh xã hội, bằng việc tạo ra cơ chế, chính sách để các tổ chức Công

giáo được tham gia, phối hợp hoặc chủ thể trong hoạt động giáo dục, y tế và từ thiện nhân đạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đi cùng với cơ chế, chính sách là việc kiểm tra, giám sát các hoạt động theo quy định của pháp luật:

Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức trực thuộc Công giáo trên địa bàn tổ chức và thực hiện mô hình trường, lớp mầm non; cơ sở nội trú để hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc, học sinh nghèo có điều kiện theo học. Từng bước xã hội hóa công tác dạy nghề, ưu tiên đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập vùng dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Liên kết, hỗ trợ về mặt pháp lý để các dòng tu Công giáo trên địa bàn như Don Bosco, La San, Phanxicô trong việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh thiếu niên dân tộc và nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại chỗ. Tạo cơ chế, chính sách và các thủ tục hành chính để Công giáo có thể mở rộng và tổ chức tốt các hoạt động bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng những người bệnh, người tàn tật, người không nơi nương tựa, góp phần giảm tải gánh nặng ngân sách địa phương. Phát huy vai trò của chức sắc, tu sĩ Công giáo là những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng Công giáo trong việc tham gia xây dựng thiết chế buôn, làng tự quản, tạo sự đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

Tranh thủ chức sắc Công giáo để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo. Quán triệt phương châm: thu nhỏ vụ việc, không để lây lan, kéo dài, giải quyết từ cơ sở, tránh đối đầu với chức sắc, tu sĩ lấy tôn giáo để giải quyết vấn đề của tôn giáo. Làm được như vậy khi xảy ra tình hình phức tạp, có chức sắc, người có uy tín trong Công giáo hợp tác với chính quyền để giải quyết vụ việc sẽ hạn chế hoạt động biểu tình cực đoan.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 139 - 142)